Chủ tịch Hội Nông dân “rủ” 500 hộ trồng khoai tây lạ xuất khẩu sang Hàn Quốc

Ngày đăng: 08:20 03/07/2020 Lượt xem: 413

Chủ tịch Hội Nông dân “rủ” 500 hộ trồng khoai tây lạ xuất khẩu sang Hàn Quốc

 Thứ sáu, ngày 03/07/2020 06:35 AM (GMT+7)
 
Anh Nguyễn Ngọc Tuấn - Chủ tịch Hội Nông dân huyện Đức Trọng (Lâm Đồng) đã liên kết 500 hộ dân trên địa bàn huyện để trồng khoai tây xuất khẩu thông qua một công ty Hàn Quốc. Từ đó, người dân trồng khoai tây lạ-khoai tây Doobak có đầu ra ổn định, yên tâm sản xuất, tăng lợi nhuận trên cùng một diện tích.

Phá "điệp khúc buồn" của nông dân

Tháng 6, khi những cơn mưa ở Tây Nguyên bắt đầu dày dần, tình trạng hạn hán đang được đẩy lùi. Chúng tôi hẹn gặp được anh Nguyễn Ngọc Tuấn tại huyện Đức Trọng. Anh Tuấn là người đã liên kết 500 hộ dân trồng khoai tây tại địa phương để tăng năng suất cũng như lợi nhuận của mặt hàng này.

Chủ tịch Hội “rủ” nông dân trồng khoai tây xuất ngoại - Ảnh 1.

Anh Nguyễn Ngọc Tuấn giới thiệu sản phẩm khoai tây của người dân khi liên kết và xuất bán cho công ty Hàn Quốc.Văn Long

Chia sẻ với phóng viên, anh Tuấn cho biết: "Theo tìm hiểu của tôi, từ những năm 2010, người dân Đức Trọng cũng như Đà Lạt mãi quẩn quanh trong "điệp khúc" "được mùa mất giá, được giá mất mùa". Chính vì thế, tôi luôn đau đáu muốn tìm hiểu nguyên nhân cũng như giải quyết để giúp người dân có kinh tế ổn định hơn từ cây khoai tây".

Theo anh Tuấn, hàng năm toàn huyện Đức Trọng sản xuất khoảng 22.600ha rau, củ, quả các loại, đạt tổng sản lượng khoảng trên 650.000 tấn. Thế nhưng, chỉ có khoảng 10% diện tích sản xuất và tiêu thụ theo hợp đồng liên kết, có cam kết bao tiêu và có quy định về chất lượng tối thiểu.

Đặc biệt, tại địa phương có hiện tượng các thương lái cam kết sẽ mua hết diện tích rau củ của người dân. Sau đó thương lái sẽ đặt cọc một số tiền nhất định. Đến kỳ thu hoạch, nếu giá cao, thương lái đến thu hoạch hết vườn, hưởng lợi nhuận rất lớn. Tuy nhiên, nếu giá xuống thấp, thương lái chỉ đến mua đủ số tiền mà họ đã cọc trước đó. Còn lại, người dân không bán được sẽ phải cày bỏ để trồng các loại cây trồng khác.

Lần đầu tiên, năm 2015, anh Tuấn đã vận động 50 hộ dân tại huyện Đức Trọng ký hợp đồng trực tiếp với Công ty TNHH Thực phẩm Orion (Hàn Quốc) liên kết sản xuất 20ha khoai tây giống Atlantic. Diện tích khoai tây này liên tục tăng trong những năm tiếp theo.

Sản xuất nông nghiệp qua hợp đồng kinh tế

Vào thời điểm này, giống khoai tây Atlantic là giống được người dân tại tỉnh Lâm Đồng trồng chủ yếu. Tuy nhiên, giống khoai tây này lại dễ bị bệnh mốc sương và gây thiệt hại 30% sản lượng.

"Chính vì nắm bắt được nhược điểm này, tôi đã đề nghị với Công ty TNHH Thực phẩm Orion phải hỗ trợ đưa giống mới kháng được bệnh mốc sương cho người dân. 4 tháng sau, công ty Hàn Quốc đồng ý và đưa giống khoai tây Doobak mới từ Hàn Quốc về sản xuất tại Lâm Đồng cho năng suất 28 tấn/ha (tăng 8 tấn/ha)"- anh Tuấn nhớ lại.

 
 
 

Đến nay, đã có 500 nông hộ tại Lâm Đồng liên kết trồng giống khoai tây Doobak với diện tích 200ha. Khi tham gia chuỗi liên kết, người dân địa phương sẽ được đối tác hỗ trợ về vốn, giống, phân bón, kỹ thuật sản xuất tiên tiến, bao tiêu toàn bộ sản phẩm thu hoạch với giá cạnh tranh ổn định trên thị trường.

Không chỉ giúp người dân địa phương tiêu thụ khoai tây tươi, anh Tuấn còn liên kết để bán khoai cho các công ty khoai tây chiên và chế biến các sản phẩm từ khoai tây. Đến năm 2015, khoảng 50 nông hộ ở huyện Đức Trọng được Hội ND huyện ký hợp đồng trực tiếp với một công ty thực phẩm lớn của Hàn Quốc.

Anh Tuấn cho hay, sản lượng của các công ty chế biến khoai tây hiện nay mới chỉ đáp ứng được 40% công suất của nhà máy. Trong khi đó, thị trường vẫn mở rộng liên tục. Chính vì thế, cơ hội của người nông dân vẫn còn rất lớn khi các công ty này muốn người dân có mạng lưới liên kết mạnh hơn.

Với những gì mà mình làm cho người dân địa phương, anh Nguyễn Ngọc Tuấn đã được UBND tỉnh Lâm Đồng công nhận là chủ đề tài sáng kiến vận động 500 nông hộ liên kết trồng khoai tây để áp dụng hiệu quả trên địa bàn toàn tỉnh Lâm Đồng đợt 1 năm 2020.

Bên cạnh đó, Hội ND huyện Đức Trọng đã được Ban Dân vận Tỉnh ủy Lâm Đồng tuyên dương điển hình "Tư vấn, hỗ trợ, giúp tiêu thụ sản phẩm cho nông dân địa phương" trong phong trào thi đua "Dân vận khéo".

Bà Nguyễn Thị Tường Vi – Phó Chủ tịch Hội ND tỉnh Lâm Đồng cho biết: "Anh Nguyễn Ngọc Tuấn là người làm công tác Hội ND đã lâu. Đặc biệt, anh Tuấn là cán bộ hội rất nhanh nhạy, năng nổ và nhiệt tình trong công việc. Hơn nữa, Chủ tịch Hội ND huyện Đức Trọng rất có uy tín với chính quyền địa phương và người dân ở cơ sở…". 

Trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng việc sản xuất nông nghiệp vẫn còn tình trạng "bí" đầu ra, nhưng anh Tuấn liên kết được hơn 500 nông hộ sản xuất, tiêu thụ khoai tây là rất tốt. Hiện, chúng tôi đang khuyến khích các đơn vị phối hợp với Liên minh Hợp tác xã để tăng cường liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản cho người dân địa phương".

Bà Nguyễn Thị Tường Vi - Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Lâm Đồng.

Văn Long

tin tức liên quan