Kim Yo-jong - cầu nối tương lai của Triều Tiên
Kim Yo-jong bắt đầu thu hút sự khi xuất hiện cùng cố lãnh đạo Kim Jong-il trong một số chuyến đi thị sát cuối cùng của ông. Sau khi cha qua đời năm 2011, Kim Yo-jong thường xuất hiện lặng lẽ phía sau anh trai, lãnh đạo Kim Jong-un, trong các sự kiện được truyền thông đưa tin. Mỗi lần xuất hiện của Kim lại dấy lên nhiều suy đoán về danh tính và vai trò của cô.
Vai trò chính trị của bà Kim đã thay đổi nhiều kể từ khi Kim Jong-un trở thành lãnh đạo Triều Tiên năm 2011. Tới năm 2012, nhiều người cho rằng Kim Yo-jong đã đảm nhận vị trí chính thức về truyền thông và văn hóa trong bộ máy lãnh đạo của Triều Tiên. Cô được cho là người đứng sau buổi hòa nhạc nổi tiếng ở Bình Nhưỡng hồi tháng 7/2012 để chào mừng lãnh đạo mới Kim Jong-un. Cùng năm đó, trong chuyến thăm công viên giải trí mới khai trương cùng anh trai, hình ảnh Kim Yo-jong chạy nhảy và cười nói do truyền thông ghi lại đã khiến cô bị gắn mác "chưa trưởng thành".
Kim Yo-jong, em gái lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Ảnh: AFP.
Việc Jang Song Thaek, chồng của Kim Kyong Hui, em gái cố lãnh đạo Kim Jong-il, bị tử hình năm 2013 được xem là sự kiện mở đường cho sự nghiệp chính trị của Kim Yo-jong. Jang từng là "cánh tay phải" hỗ trợ đắc lực cho người cháu trẻ tuổi, sau khi Kim Jong-il qua đời. Ông luôn có mặt bên cạnh Kim Jong-un tại các sự kiện lớn của nhà nước và được xem là người quyền lực thứ hai tại Triều Tiên, chỉ sau người cháu. Tuy nhiên, Jang đã phải nhận án tử hình vì âm mưu lật đổ chính phủ. Kim Kyong Hui từng là cố vấn cho Kim Jong Il và sau đó là Kim Jong Un, nhưng án tử của Jang đã mở đường cho Kim Yo-jong tiếp quản vị trí này.
Năm 2014, Kim Jong-un vắng bóng trong khoảng 40 ngày, làm dấy lên nhiều đồn đoán về sức khỏe của ông cũng như các thay đổi trong bộ máy quyền lực tại Bình Nhưỡng. Lúc này, Kim Yo-jong, giữ vai trò liên lạc giữa anh trai và bộ máy chính phủ, đã nổi lên như một lãnh đạo ủy nhiệm. Kim tiếp tục nắm giữ vai trò tương tự khi anh trai Kim Jong-un một lần nữa vắng bóng vào hồi tháng 4 năm nay.
Vai trò kết nối của Kim Yo-jong với Kim Jong-un và phần còn lại của chính phủ vượt xa những gì Kim Kyong Hui thể hiện khi làm cố vấn thân cận cho lãnh đạo Triều Tiên, theo Rodger Baker, nhà bình luận của Hill.
Hai năm gần đay, vai trò của em gái Kim Jong-un ngày càng nổi bật. Tháng 2/2018, cô làm nên lịch sử khi là thành viên đầu tiên trong gia đình họ Kim đặt chân đến Hàn Quốc kể từ khi Chiến tranh Triều Tiên 1950-1953 kết thúc. Cô dẫn đầu phái đoàn Triều Tiên đến Hàn Quốc dự Thế vận hội mùa đông ở Pyeongchang. Chuyến đi này của Kim Yo-jong được cho đã giúp đặt nền móng cho hội nghị thượng đỉnh đầu tiên giữa Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un năm 2018.
Cô cũng đóng vai trò quan trọng trong hai hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều vào năm 2018 và 2019. Kim Yo-jong đặc biệt gây chú ý khi luôn xuất hiện cùng Kim Jong-un ở mọi nơi và mang theo chiếc gạt tàn thuốc lá cho anh trai, hay khi đưa cho lãnh đạo Triều Tiên một chiếc bút ký riêng, thay vì chiếc đặt sẵn trên bàn.
Bên cạnh vai trò đối thoại trong các hội nghị thượng đỉnh quốc tế, Kim Yo-jong đã gây bất ngờ khi là người quyết định chấm dứt mối quan hệ với Hàn Quốc và thông báo "giật sập" văn phòng liên lạc chung liên Triều ở Kaesong giữa tháng trước.
Khi Kim tỏ ra quyết liệt và cứng rắn, lãnh đạo Triều Tiên lại bất ngờ thể hiện thái độ ôn hòa hơn. Nhưng ngày 24/6, Kim Jong-un đình chỉ kế hoạch triển khai thêm quân và nối lại tập trận quân sự ở biên giới. Vài giờ sau, lính biên phòng Hàn Quốc xác nhận quân đội Triều Tiên đã tháo dỡ các loa phóng thanh. Trước đó, họ đã đe dọa nối lại chương trình phát thanh tuyên truyền chống Hàn Quốc.
Những diễn biến bất nhất này gây thắc mắc, nhưng đó chính là điều Triều Tiên muốn. Trong nhiều thập kỷ, Triều Tiên đã sử dụng chiến lược tăng căng thẳng rồi lại chìa nhành ô liu. Tuy nhiên, Rodger Baker nhận định nó cũng cho thấy đánh dấu sự thay đổi cách lãnh đạo của Triều Tiên.
Kim Yo-jong ngày càng cho thấy cô đóng vai trò chủ chốt trong giới lãnh đạo Triều Tiên. Cô là người đi đầu trong việc thay đổi tuyên truyền công khai về hình ảnh gia đình lãnh đạo, cũng như xây dựng hình ảnh Kim Jong-un là lãnh đạo quan tâm tới người dân, vừa mang dáng dấp của cố lãnh đạo Kim Nhật Thành, vừa mang hình ảnh một lãnh đạo thời hiện đại. Tất cả điều này đã giúp củng cố sức mạnh cho sự lãnh đạo của gia tộc Kim và cho phép họ đối phó với mối đe dọa trong nước.
Tuy nhiên, nó cũng phản ánh thay đổi mang tính thế hệ ở Triều Tiên. Cùng với Kim Jong-un, Kim Yo-jong được xem là đại diện cho bước đột phá trong việc lãnh đạo Triều Tiên của gia tộc họ Kim.
"Họ chủ động nắm lấy quyền lực và khắc sâu nền văn hóa hướng tới giới trẻ ở Triều Tiên, tiếp nhận chủ nghĩa tư bản trong giới hạn cho phép, hay các tư tưởng hiện đại, thậm chí cũng có tư tưởng thoáng hơn về khai thác các công nghệ nước ngoài", Baker cho hay.
Kim Yo-jong (thứ 2 từ bên trái) trong chuyến thăm khu phi quân sự Panmunjom, năm 2018. Ảnh: NYTimes.
Nhà bình luận của Hill nhận định với vai trò ngày càng lớn cùng tư tưởng lãnh đạo của giới trẻ, Kim Yo-jong sẽ mang tới diện mạo mới cho Triều Tiên, một đất nước có thể vẫn chịu nhiều kiểm soát nhưng sẽ không còn bị cô lập.
"Không có cuộc lột xác nhanh chóng và dễ dàng nào đối với Triều Tiên, nhưng hai nhà lãnh đạo trẻ từng được đào tạo ở nước ngoài có thể sẵn sàng thử nghiệm nhiều điều mới, không chỉ là tập trung cho quân sự mà còn thúc đẩy kinh tế - xã hội chuyển sang giai đoạn phát triển mới", Baker cho hay.
Tuy nhiên, Baker không cho rằng sự thay đổi này sẽ kéo theo triển vọng Bình Nhưỡng từ bỏ vũ khí hạt nhân và tên lửa, được xem như yếu tố sống còn đối với Triều Tiên. ( C. H sưu tầm)
Hội Viên Cần Biết
02.12.2024|247 lượt xem