Mưa lũ lịch sử Trung Quốc có mối liên hệ gì với thời tiết ở Việt Nam?
Mưa lũ lịch sử Trung Quốc có mối liên hệ gì với thời tiết ở Việt Nam?
Nguồn: Báo Điện tử Lao Động
Dù mưa lũ lịch sử tại Trung Quốc không ảnh hưởng trực tiếp đến Việt Nam song hình thái thời tiết này lại có mối liên quan mật thiết với tình hình nắng nóng khắc nghiệt ở miền Trung nước ta.
Mưa lũ lớn ở phía nam Trung Quốc năm 2020 gây ra hàng loạt các tác động, thời gian kéo dài, cường độ cao và lượng mưa lớn liên tục ở một số khu vực.
Trả lời về nguy cơ mưa lũ ảnh hưởng đến Việt Nam, ông Nguyễn Văn Hưởng - Trưởng phòng Dự báo Khí hậu, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia cho rằng các nhà khoa học đã xác định nguyên nhân gây ra mưa lũ một tháng qua ở Trung Quốc là do một dải mây gọi là dải mây Front Mei-yu.
|
Mưa lũ nhấn chìm nhà ở của người dân ở khu Kỳ Giang, Trùng Khánh, Trung Quốc vào ngày 1.7. Ảnh: Tân Hoa Xã. |
Theo nghiên cứu của các nhà khí tượng thế giới cũng như Việt Nam, Front Mei-yu chủ yếu gây mưa ở khu vực phía Đông, Nam của Trung Quốc và khu vực Nhật Bản mà không ảnh hưởng đến Việt Nam. Do vậy, mưa lũ lịch sử sẽ không tác động đến nước ta.
Tuy nhiên, theo phân tích của giới chuyên gia thì mưa lũ lịch sử ở Trung Quốc vẫn có mối liên quan mật thiết đến thời tiết đang diễn biến tại Việt Nam.
GS.TS Phan Văn Tân - Khoa Khí tượng Thuỷ văn và Hải dương học, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội phân tích, hiện tượng nắng nóng năm nay được nhận định tương đối khốc liệt đặc biệt là ở khu vực miền Trung, hạn hán khốc liệt, nhiều nơi đào giếng xuống rất sâu nhưng cũng không có nước.
"Hạn hán ở miền Trung liên quan đến mưa lũ lịch sử ở Trung Quốc. Cụ thể, do hệ thống gió Tây Nam quá mạnh nên ở miền Trung xảy ra hiện tượng gió Tây khô nóng trong thời gian dài. Trung Quốc mưa lũ kéo dài bao nhiêu thì nắng nóng miền Trung cũng kéo dài bấy nhiêu" - GS.TS Phan Văn Tân nhận định.
|
Nắng nóng kéo dài gây cháy rừng ở Hà Tĩnh ngày 29.6. Ảnh: DT. |
Giải thích rõ hơn về tương quan hai hình thái thời tiết đối lập này, GS.TS Phan Văn Tân cho biết thêm, hệ thống gió mùa Tây Nam kéo dài hàng nghìn ki lô mét và khi mạnh quá mức tràn sang vượt qua dãy Trường Sơn gây mưa ở Tây Trường Sơn tức là phía Lào.
Khi sang phía Đông Trường Sơn đã bay hết hơi nước và không khí đi xuống gây ra hiện tượng khô nóng ở khu vực miền Trung Việt Nam và thường gọi là hiện tượng phơn (dân gian gọi là gió Lào).
Hệ thống gió càng kéo dài hơn nữa đẩy mạnh lên và chặn hệ thống ở vĩ độ cao và hai bên kìm giữ nhau ở vùng Trung Quốc, Nhật Bản. Đó chính là hai hệ thống giao tranh tạo ra hiệu ứng mưa lớn ở Trung Quốc thời gian vừa qua.
Dù mưa lũ ở Trung Quốc không ảnh hưởng trực tiếp đến Việt Nam nhưng đã phản ánh thực trạng xu thế thời tiết biến đổi cực đoan và dị thường. Mặt khác, dân gian có câu "nắng lắm mưa nhiều", vậy với diễn biến mùa hè nắng nóng khắc nghiệt ở nước ta thì liệu năm nay mùa mưa lũ có lặp lại kịch bản xấu?
Trả lời về vấn đề này, GS.TS Phan Văn Tân cho biết, theo thông tin dự báo của cơ quan khí tượng Hoa Kỳ tháng 9, 10 năm nay lượng mưa ở khu vực Việt Nam sẽ nhiều hơn những năm thông thường.
"Hiện tượng lũ sẽ xảy ra dữ dội hơn nếu như mưa cực đoan xảy ra nhiều và kéo dài. Hiện nay mưa lũ ở Trung Quốc không ảnh hưởng đến Việt Nam song nếu mưa ở khu vực Tây Nam Trung Quốc tức là vùng thuộc lưu vực sông Hồng, sông Đà thì có thể ảnh hưởng đến Việt Nam" - GS.TS Phan Văn Tân nói.
( C. H sưu tầm)