Lũ lụt ở Trung Quốc sẽ khủng khiếp hơn nếu không có đập Tam Hiệp?
Nguồn: Báo Điện tử InfoNet
Tình hình lũ lụt ở phía nam Trung Quốc đang và sẽ nằm trong tầm kiểm soát nhờ đập Tam Hiệp giữ vai trò quan trọng trong việc kiềm chế và ngăn chặn dòng nước lũ.
Đây là nhận định của ông Wang Hao, một thành viên của Học viện Kỹ thuật Trung Quốc và chuyên viên về thủy lợi tại Ủy ban quản lý sông Trường Giang thuộc Bộ Tài Nguyên Nước Trung Quốc.
Trong thời gian gần đây, nhiều nguồn tin đã bày tỏ nghi ngờ về khả năng đập Tam Hiệp có thể bị vỡ do không đủ sức chống chịu trước sức ép từ dòng lũ lớn. Nhưng theo một số chuyên gia Trung Quốc, ngay cả khi phải đối mặt với những trận lũ cực lớn và mưa bão như năm nay, đập Tam Hiệp vẫn đứng vững và kết cấu còn nguyên vẹn, chứ không có chuyện bị biến dạng hay đổ sập.
|
Đập Tam Hiệp được cho đang đóng vai trò quan trọng giúp ngăn chặn lũ lụt nghiêm trọng ở Trung Quốc. (Ảnh: Tân Hoa Xã) |
Chia sẻ với tờ Thời báo Hoàn Cầu hôm 22/7, ông Wang cho biết Trung Quốc đã thiết lập 5 tuyến phòng thủ để ngăn chặn và kiểm soát lũ bao gồm chặn các dòng chính, kiểm soát các nhánh sông, bảo vệ đê kè, ngăn lũ ở các vùng trũng và quản lý phát triển đô thị nằm dọc các con sông.
Liên quan tới dòng lũ chính trên sông Trường Giang, ông Wang nhấn mạnh đập Tam Hiệp đóng vai trò là phòng tuyến đầu tiên và trung tâm làm giảm lượng nước lũ đổ xuống các nhánh ở trung và hạ lưu thuộc lưu vực sông Trường Giang. Ông Wang khẳng định, tình hình lũ lụt sẽ nghiêm trọng hơn nếu không có đập Tam Hiệp.
Theo công ty điều hành đập Tam Hiệp là Three Gorges Corp (CTG), tính tới ngày 21/7, con đập đã ngăn 10,7 tỉ m3 nước lũ.
Ông Wang nói thêm, lượng nước lũ này sẽ không thể “hạ gục” đập Tam Hiệp bởi con đập được thiết kế với 23 cửa xả đáy và 22 cửa xả bề mặt, nên có thể điều tiết nước lũ một các hiệu quả và kết cấu công trình không bị ảnh hưởng.
“Trận lụt lớn nhất mà Trung Quốc từng ghi nhận trong 2.500 năm qua là vào năm 1870, khi đó tốc độ dòng nước đổ vào lên tới 105.000 m3/giây. Đập Tam Hiệp được thiết kế để chịu được nhiều hơn thế và thậm chí lên tới 124.300 m3/giây”, ông Wang chia sẻ.
Ông Wang cho hay, đập Tam Hiệp vẫn còn sức chứa thêm 21,1 tỉ m3 nước, do đó nguy cơ đe dọa lưu vực sông Trường Giang hiện nằm trong tầm kiểm soát.
Chuyên gia Trung Quốc cũng cho hay, 101 hồ chứa nằm dọc sông Trường Giang bao gồm đập Tam Hiệp đang cùng nhau ngăn lũ. Ngoài ra, 1.400 trạm theo dõi lũ cũng đã được thiết lập ở khu vực đập Tam Hiệp trên tổng diện tích 580.000 km2 trên lưu vực thượng nguồn. Do đó, những dữ liệu về thủy lợi và khí tượng đều có thể thu thập nhanh chóng, sau đó đưa ra dự báo trước 7 ngày. Thậm chí, độ chính xác dự báo trước 24 giờ đạt tới 98%.
Hồi tháng 7/2019, một bức ảnh vệ tinh được công bố trên mạng nghi vấn đập Tam Hiệp bị “biến dạng”. Sau đó, bức ảnh này được chứng minh chỉ là lời đồn vô căn cứ, sau khi Tổ chức Hợp tác Kỹ thuật và Khoa học Hàng không vũ trụ Trung Quốc cung cấp bức ảnh vệ tinh độ phân giải cao chứng minh đập Tam Hiệp không bị biến dạng sau thời gian đi vào hoạt động.
Ông Wang nói thêm, nguyên liệu bê tông dùng để xây đập Tam Hiệp là hoàn toàn khác với những loại bê tông thông thường bởi nó có độ bền cao hơn cùng khả năng chống nứt. Ngoài ra, thời gian vận hành của con đập lên tới 100 năm.
Một số nhà quan sát lại cho rằng thay vì tập trung vào đập Tam Hiệp, sự chú ý nên chuyển sang nguy cơ vỡ các con đập nhỏ hơn nằm dọc các nhánh sông Trường Giang.
Bởi trên thực tế, 80% trong tổng số 98.000 con đập ở Trung Quốc được xây dựng trước năm 1958. Chất lượng công trình khá thấp và khả năng ứng phó lũ lụt kém, đòi hỏi cơ quan chức năng Trung Quốc phải tiến hành kiểm tra và gia cố kỹ thuật. Đáng nói, trong số 42 khu vực chứa và ngăn nước lũ nằm ở các nhánh thuộc trung và hạ lưu sông Trường Giang, 9 con đê chưa được gia cố và nhiều phần bờ kè vẫn chưa được hoàn thành xây dựng.
Tình hình lũ lụt ở Trung Quốc được cho chưa thể giảm bớt trong tuần tới, do những cơn mưa lớn sẽ còn tiếp tục đổ xuống khu vực thượng lưu sông Trường Giang.
Theo ông Wang, nếu vành đai mưa dịch chuyển sang phía bắc, những cơn mưa lớn sẽ chuyển sang khu vực thượng lưu sông Hoàng Hà và lúc này lũ trên sông Trường Giang sẽ giảm bớt.
Những cơn mưa lớn đã xuất hiện ở 27/31 tỉnh của Trung Quốc kể từ tháng Sáu, gây ảnh hưởng tới cuộc sống của hơn 37 triệu dân và khiến 141 người đã chết hoặc mất tích. Thiệt hại kinh tế ước tính vào khoảng 86 tỉ nhân dân tệ (12,3 tỉ USD) và con số này sẽ còn tăng thêm.
( C. H sưu tầm)