Gia Minh là một xã vùng trũng của huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình. Những năm gần đây, nhiều hộ nông dân trên địa bàn đã chuyển đổi các diện tích cấy lúa kém hiệu quả sang nuôi trồng thủy sản.
Tuy nhiên, các hộ thường chỉ nuôi cá theo kinh nghiệm, nên năng suất không cao. Nhằm nâng cao trình độ kỹ thuật nuôi cá cho bà con trên địa bàn, năm 2020 này, Chi cục Thủy sản tỉnh Ninh Bình triển khai xây dựng mô hình "Hỗ trợ ứng dụng công nghệ cao trong nuôi thâm canh cá chép lai trong ao nổi".
Chi cục đã lựa chọn được 2 hộ nông dân có kinh nghiệm nuôi cá, năng lực và điều kiện là Đinh Văn Tính và Đinh Trí Thức ở xóm Hòa Bình, xã Gia Minh tham gia thực hiện mô hình nuôi thâm canh cá chép lai trong ao nổi.
Các hộ được hỗ trợ cá chép giống, thức ăn, chế phẩm theo định mức đã được phê duyệt và tổ chức tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật cải tạo ao nuôi, quy trình kỹ thuật nuôi cá chép thâm canh, phòng trị bệnh cho cá...
Trên tổng diện tích 0,8 ha, 2 hộ đã thả 12.000 con cá chép giống, trọng lượng trung bình 250-300 g/con, mật độ thả 1,5 con/m2.
Hai hộ thực hiện nghiêm ngặt quy trình chuẩn bị ao nuôi, chăm sóc quản lý ao nuôi đúng kỹ thuật; định kỳ bổ sung Vitamin C và chế phẩm sinh học tăng cường sức đề kháng cho cá; sử dụng chế phẩm vi sinh và một số hóa chất quản lý môi trường nước ao tránh ô nhiễm...
Nhờ vậy mà cá chép lai có tỷ lệ sống cao, lớn nhanh, tỷ lệ phân đàn thấp. Sau 4 tháng thả nuôi (từ cuối tháng 4 đến cuối tháng 8), trọng lượng cá chép lai trung bình ước đạt 2 kg/con, sản lượng 19, 2 tấn.
Toàn bộ số cá chép lai này đã được các thương lái của Hà Nội, Ninh Bình đến tận bờ ao thu mua với giá 40.000 đồng/kg. Như vậy, sau khi trừ chi phí, bà con nuôi cá chép lai trong ao nổi thu lãi khoảng 110 triệu đồng.
Được tận mắt chứng kiến hiệu quả kinh tế từ hồ nuôi cá chép lai của 2 ông Tính và ông Thức, nhiều hộ dân trong xã Gia Minh, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Binhf dự định sẽ đầu tư cải tạo lại ao, hồ để phát triển mô hình nuôi cá thâm canh trong ao nổi theo hướng an toàn vệ sinh thực phẩm, để nâng cao hiệu quả kinh tế.