Những gói hạt giống bí ẩn được gửi khắp toàn cầu

Ngày đăng: 01:54 30/08/2020 Lượt xem: 285

                 Những gói hạt giống bí ẩn được gửi khắp toàn cầu

                                                       Nguồn: Báo Điện tử Thời Mới

Hàng loạt gói hạt giống chủ yếu xuất xứ từ Trung Quốc được gửi đi khắp nơi trên thế giới. Hiện tượng kỳ lạ này khiến ngay cả những nhà khoa học cũng phải nghi ngờ. Vậy đâu là gốc rễ của hiện tượng bí ẩn này?


Nhà chức trách nhiều nước đang xem xét liệu các hạt giống lạ này có hoàn toàn vô hại hay không

Nhận được quà rồi… hoang mang

Amy Spearman (31 tuổi), một kỹ sư đường sắt ở Chatham, hạt Kent, nước Anh cho biết: “Khi lệnh phong tỏa vì dịch Covid-19 được ban ra, tôi không thể ngồi yên cả ngày nên bắt đầu làm vườn. Tôi trồng đủ loại như ngô, đậu Hà Lan, rau ngót, bí ngô, cà chua, ớt và dưa chuột”. Sau khi đặt mua trực tuyến các loại hạt giống trên eBay, Amy không quá lo lắng về gói đầu tiên có xuất xứ nước ngoài được chuyển đến. Cô vứt bao bì đi và gieo hạt, trồng được 4 trong số 16 cây cà chua trong vườn.

Nhưng ngay sau khi vừa trồng chúng, các diễn đàn làm vườn mà Amy thường xuyên truy cập bắt đầu râm ran chuyện “những hạt giống bí ẩn”. Ba tuần trước, một bưu phẩm thứ hai có dấu của Bưu điện Trung Quốc được gửi tới và dường như nó xuất phát từ thành phố Quảng Châu, thuộc tỉnh Quảng Đông. Bên trong là một túi nilon trong suốt với các hạt giống như hạt ớt.

“Tôi không biết chúng là gì vì chúng không có nhãn mác. Vào thời điểm hàng được gửi đến, tôi thấy mọi người trên Facebook kể về việc nhận hạt giống từ Trung Quốc và nói rằng không nên trồng. Tôi tự hỏi liệu có điều gì đó không ổn hay không? Có lẽ tôi sẽ không trồng thêm nữa. Tôi sẽ gửi hạt giống cho DEFRA (Cục Môi trường thực phẩm và các vấn đề nông thôn Anh quốc) và tôi sẽ không ăn số cà chua đã trồng, chắc phải nhổ đi” - Amy kể. Ngoài ra cô cũng bày tỏ sự lo lắng: “Điều khiến tôi ngạc nhiên là làm sao họ có được thông tin liên lạc của tôi? Có phải ai đó đánh cắp chúng?”.

Ở West Yorkshire, hồi tháng 5, Carrie Lamb (41 tuổi) đã nhận được một gói hạt giống kỳ lạ nhất mà cô từng thấy. Đó là những cành cây thu nhỏ đựng trong một gói giấy bóng kính, bên trong một phong bì màu trắng có đóng dấu bưu điện Liên bang Nga. Nhìn thấy bao bì của Nga, Carrie nghĩ mình không đặt hàng gì từ đó cả. “Tôi bắt đầu hỏi khắp nơi trên Facebook. Có người nói nếu chúng bị biến đổi gene thì sao, điều này khiến tôi lo lắng. Tất cả đều thực sự kỳ lạ. Tôi cứ để gói hạt đó trên bệ cửa sổ nhà bếp của mình”. Một người khác nhận hạt giống là nhà báo Helen Minsky. Gói đầu tiên được chuyển đến vào tháng 4, gói thứ hai vài tuần sau đó, một gói có xuất xứ Trung Quốc và gói còn lại là từ Malaysia.

“Tôi đã đặt mua một số hạt giống trên Amazon và sau đó gói hạt được giao đến. Tôi đã trồng chúng trong một cái chậu và nó lớn lên giống như cây sen cạn với những chiếc lá khổng lồ. Bộ hạt giống thứ hai tôi chỉ cất đi và không nhìn lại cho đến khi tôi nghe nói điều này đã xảy ra trên khắp thế giới. Rất may, tôi đã trồng trong chậu chứ không phải vào vườn, nhưng hy vọng nó không có gì độc hại” - Helen Minsky nói.

Gói hạt giống của Helen Minsky đã được các chuyên gia tại Công ty hạt giống Unwins phân tích. Kết quả, đó là hạt cây sen cạn và hạt anh túc. Liệu những hạt giống này có hoàn toàn vô hại hay không vẫn chưa được biết vì quá trình xét nghiệm bệnh mất nhiều thời gian hơn. Đại diện Công ty Unwins cho biết thêm: “Hạt giống từ một nguồn không xác định có thể mang bệnh hoặc là một loài xâm lấn có thể gây hại cho cây trồng bản địa. Nếu bạn nhận được hạt giống mà không đặt mua, chúng tôi đặc biệt khuyên bạn nên tuân theo hướng dẫn của DEFRA, không nên trồng chúng và liên hệ với Cơ quan Sức khỏe động thực vật (APHA)”.

Khuyến cáo là nộp ngay cho nhà chức trách

Dường như những gói hạt giống bí ẩn đã được gửi đi khắp thế giới như Nhật Bản, Anh, Mỹ, Australia, Canada... Vấn đề hóc búa là dường như không ai trong số những người nhận đã đặt hàng chúng. Chúng được gửi qua đường bưu điện, bỏ vào các hộp thư, thường là để trong các túi nilon nhãn mác đơn giản, bên ngoài là phong bì hàng mua trực tuyến in tên và địa chỉ người nhận.

Việc đóng gói cẩn thận và địa chỉ rõ ràng chứng tỏ việc này có chủ ý, khiến nhiều người cảm thấy lạ kỳ. Quan trọng hơn, nguồn gốc của những gói hạt giống này đã khiến những người làm vườn ở Anh hoang mang. Theo đó, xuất xứ thường là Trung Quốc, nhưng đôi khi là Singapore, Malaysia, Nga, thậm chí là Uzbekistan. Với tình trạng đại dịch Covid-19 đang hoành hành trên toàn cầu, thật dễ hiểu tại sao điều bí ẩn này khiến người ta phải cảnh giác hơn bình thường.

Những hạt giống ngoại lai đó trốn tránh kiểm duyệt của hải quan liệu có thể mang mầm bệnh? Làm sao người gửi nắm được thông tin chi tiết của người nhận và liệu còn biết gì nữa không? Các diễn đàn sôi sục với những thuyết âm mưu về chất độc và khủng bố sinh học, một số người thậm chí còn đặt câu hỏi liệu có mối liên quan giữa các gói hạt giống với virus SARS-CoV-2 hay không.

Lisa Ward - nhà khoa học cấp cao chuyên về an toàn sinh học tại Hiệp hội làm vườn Hoàng gia - cho biết: “Các hạt giống xuất xứ nước ngoài gửi qua đường bưu điện đang trốn tránh các biện pháp kiểm soát cần thiết. Đó là một rủi ro an toàn sinh học rất lớn nếu chúng mang theo sâu bệnh và cũng có thể là một loài xâm lấn khó kiểm soát. Dù bằng cách nào thì đó cũng là một rủi ro lớn đối với khu vườn, môi trường và cây trồng của chúng ta”. Trong khi đó Defra đã đưa hướng dẫn rất cụ thể với những gói hạt giống lạ. Đó là không bóc hàng, không trồng, không bỏ vào thùng rác (vì chúng có thể nảy mầm trong bãi rác và lây lan), hãy báo và gửi cho DEFRA ngay lập tức.

nhung goi hat giong bi an duoc gui khap toan cau
Nhà báo Helen Minsky và đám sen cạn trồng từ gói hạt giống được gửi đến nhà từ tháng 4-2020

Chỉ là “chiêu” của dân bán hàng online

Và không chỉ những ngôi nhà ở Anh đang bị nhắm tới, Bộ Nông nghiệp Mỹ đã bắt đầu điều tra hơn 1 tháng trước và đã có báo cáo về sự xuất hiệu của các gói hạt giống lạ tại tất cả 50 tiểu bang. Nhiều cơ quan hiện đang tham gia, từ Cục Điều tra liên bang (FBI) đến Cục Hải quan và biên phòng (CBP) của Bộ An ninh Nội địa. Họ đã xác định được 14 giống khác nhau, từ mù tạt đến bắp cải và hương thảo, nhưng cho đến nay không phát hiện được sự liên quan đến dịch bệnh, sâu bệnh hoặc vật liệu độc hại.

Theo các quan chức Anh và Mỹ, lời giải thích khả dĩ nhất cho hiện tượng này là trò lừa đảo của những người bán hàng online do muốn thúc đẩy doanh số thông qua đặt hàng giả mạo. Bằng cách nào đó, những người bán hàng này có được tên tuổi và địa chỉ khách hàng (do rò rỉ cơ sở dữ liệu hoặc các giao dịch bán hàng hợp pháp). Phía người bán sau đó giả làm khách hàng đặt qua các sàn giao dịch trực tuyến như Amazon rồi gửi về địa chỉ mà họ thu thập được.

Kết quả là, khách hàng nhận được những món hàng mà họ không hề đặt mua và hầu như không có giá trị, còn bên bán tăng vọt số lượng sản phẩm và phản hồi tích cực. Những người kinh doanh online sử dụng biện pháp giả mạo này vì hầu hết các nền tảng thương mại điện tử lớn đều có các thuật toán xếp hạng người bán liên quan đến khối lượng bán ra và phản hồi từ khách hàng. Người gửi hàng không thiệt hại nhiều bởi họ tận dụng được mức phí vận chuyển thấp, trong khi hàng hóa gửi tặng có giá trị rất nhỏ như hạt giống, bàn chải đánh răng, băng đô, kính râm giả, thậm chí là hộp rỗng.

Các nhà nghiên cứu Mỹ xem xét hơn 4.000 vụ lừa đảo kiểu này đã phát hiện ra rằng, những người bán hàng kiểu như vậy tăng hạng nhanh gấp 10 lần so với những người bán hàng trung thực bình thường khác. Nhưng đổi lại, người nhận có được những gói hàng không mong muốn và không khỏi lo lắng cho dữ liệu cá nhân của họ.

Chuyên gia về quyền riêng tư kỹ thuật số Ray Walsh của Công ty ProPrivacy (Anh quốc) nói: “Bất kỳ ai nhận được bưu kiện mà họ không đặt mua nên thay đổi mật khẩu trên tất cả các tài khoản ngay lập tức để đảm bảo không có lần tiếp theo. Đến nay, chúng tôi chưa thấy bằng chứng về việc trò giả mạo này dẫn đến các tội như trộm cắp danh tính và gian lận ngân hàng. Tuy nhiên, nếu bạn nhận được hàng kiểu đó, nên cập nhật tất cả mật khẩu của mình, đặc biệt là trên các nền tảng mua sắm. Ngoài ra, nên theo dõi tài khoản ngân hàng và thẻ tín dụng hoặc thẻ ghi nợ để đảm bảo kiểm soát bất kỳ hoạt động trái phép nào”.

Theo các quan chức cả ở Anh và Mỹ, lời giải thích khả dĩ nhất cho các gói bưu kiện hạt giống bí ẩn này là trò lừa đảo của những người bán hàng online do muốn thúc đẩy doanh số thông qua đặt hàng giả mạo. Nhưng qua việc này, những người mua hàng trên các nền tảng trực tuyến cũng nên cẩn trọng hơn trong bảo vệ dữ liệu cá nhân
( C. H sưu tầm)
                                                                                  
tin tức liên quan