Những khó khăn đội Việt Nam vượt qua để vô địch Tank Biathlon

Ngày đăng: 09:46 05/09/2020 Lượt xem: 381

Những khó khăn đội Việt Nam vượt qua để vô địch Tank Biathlon

Việt Nam không biên chế xe tăng T-72 như các đối thủ, chỉ luyện tập với tăng T-54 có cấu tạo rất khác, nhưng các chiến sĩ đều quyết tâm vượt qua.

Đội tuyển xe tăng Việt Nam chiều 4/9 giành chức vô địch Bảng 2 Tank Biathlon 2020 sau trận chung kết đầy căng thẳng tại thao trường Alabino, ngoại ô thủ đô Moskva của Nga. Ba kíp lái của Việt Nam đã thể hiện kỹ năng xạ kích và cơ động rất tốt, hạ 13/24 mục tiêu, hoàn tất 12 vòng đua sau 2 giờ 12 phút 42 giây và về đích đầu tiên, nhanh hơn 10 phút 8 giây so với đội về nhì là Lào.

Đây là thành tích đáng tự hào của đội tuyển Việt Nam, bởi đây mới là lần thứ ba các chiến sĩ Việt Nam thi đấu tại giải đua tăng quốc tế tầm cỡ do Nga tổ chức. Việt Nam cũng là nước duy nhất trong số 4 quốc gia tham gia thi đấu không biên chế tăng chủ lực T-72, các chiến sĩ cũng không có nhiều thời gian để làm quen với xe trước khi thi đấu.

Kíp xe Việt Nam huấn luyện trên xe tăng T-54 tại Vĩnh Phúc. Ảnh: QĐND.
 

Kíp xe Việt Nam huấn luyện trên xe tăng T-54 tại Vĩnh Phúc. Ảnh: QĐND.

Tại Bảng 2 Tank Biathlon 2020, có hai trong 8 quốc gia không biên chế xe tăng T-72 gồm Việt Nam và Qatar. Việc sở hữu T-72 trong biên chế giúp đội tuyển các nước có lợi thế đáng kể, khi họ có nhiều kinh nghiệm và kỹ năng vận hành khí tài, bởi xe tăng được sử dụng để thi đấu là mẫu T-72B3 được nâng cấp sâu từ dòng T-72B.

Ở vòng bán kết và chung kết, Việt Nam cũng là nước duy nhất trong 5 quốc gia thi đấu không biên chế tăng chủ lực T-72, các chiến sĩ cũng không có nhiều thời gian để làm quen với xe trước khi thi đấu. Các quốc gia còn lại gồm Tajikistan, Myanmar, Lào và Congo đều có các phiên bản T-72 khác nhau, trong đó lục quân Lào sở hữu biến thể hiện đại nhất là T-72B1MS "Đại bàng trắng" với tính năng gần tương đồng xe tăng T-72B3.

Việc không có xe tăng T-72 khiến các thành viên đội tuyển Việt Nam gặp nhiều khó khăn trong quá trình luyện tập cho giải đấu. Sau khi nhận chỉ thị tham gia Tank Biathlon, các chiến sĩ xe tăng Việt Nam chỉ có thể luyện tập trên xe tăng T-54MB cải tiến tại thao trường ở Vĩnh Phúc.

Vị trí ngồi của kíp lái, cách bố trí, sắp xếp vũ khí trang bị trên xe T-54 khác xa so với T-72. Lái xe T-54 ngồi lệch trái xe giống như ôtô, trong khi ghế lái T-72 nằm chính giữa xe.

Mỗi thành viên kíp xe ngoài nội dung huấn luyện tập trung còn phải tự học thêm tiếng Nga, nghiên cứu tính năng của xe tăng T-72B3 qua tài liệu. Xe tăng T-72B3 sử dụng hệ thống điều khiển hỏa lực hiện đại với máy tính đường đạn và thiết bị nạp đạn tự động, chỉ cần một thao tác không đúng quy trình sẽ cản trở quá trình ngắm bắn, sửa bắn và kết thúc phát bắn, thậm chí gây lỗi kỹ thuật khiến xe không thể hoạt động.

Mỗi kíp xe T-72B3 gồm 3 người, gồm trưởng xe kiêm nạp đạn và bắn súng máy 12,7mm, pháo thủ và lái xe, trong khi kíp xe T-54 có 4 người với vị trí nạp đạn riêng.

Đạn 100 mm của T-54 liền khối, còn T-72 sử dụng đầu đạn và liều phóng tách rời cỡ 125 mm, khác nhau về cấu tạo, khối lượng và đường đạn, khiến thao tác xếp đạn, nạp đạn và xạ kích của đội tuyển Việt Nam trong quá trình luyện tập hoàn toàn khác so với khi thi đấu.

 
 
TRẬN CHUNG KẾT
Video Player is loading.
Hiện tại 
2:58
/
Thời lượng 
4:10
Đã tải: 0%
 
Tiến trình: 0%
 
 

5 trận đấu đưa Việt Nam tới chức vô địch Tank Biathlon 2020. Video: QPVNZvezda.

Thượng úy quân nhân chuyên nghiệp Phan Anh Tuấn, người đạt giải pháo thủ giỏi khi diệt toàn bộ mục tiêu tại vòng bán kết Tank Biathlon 2019, cho biết khi được chọn vào đội tuyển là "phải xác định cường độ tập luyện cao hơn so với thực tế thi đấu và đến nửa năm xa nhà".

Thời tiết nắng nóng ở Việt Nam, có lúc lên tới 39-40 độ C, ảnh hưởng lớn đến thể lực và tâm lý kíp xe. Không gian bên trong xe tăng T-54 được nhiều người ví như "lò bát quái" chỉ sau vài vòng chạy huấn luyện ở thao trường tại tỉnh Vĩnh Phúc. Bên cạnh đó, xe tăng luyện tập của Việt Nam chủ yếu đã qua sử dụng nhiều năm, một số trang thiết bị không còn đồng bộ nên gây khó khăn khi luyện tập.

Thao trường, bãi tập ở Vĩnh Phúc cũng nhỏ hẹp hơn nhiều so với thao trường Alabino ở ngoại ô Moskva, Nga, không bảo đảm bố trí vật cản và khoảng cách như địa điểm thi đấu. Điều này khiến các lái xe luyện tập vất vả để vừa bảo đảm yêu cầu kỹ thuật vừa bảo đảm thời gian. Xe tăng hành tiến có lúc đạt vận tốc hơn 60 km/h, tình trạng rung xóc và va đập khi vượt vật cản dễ gây mất an toàn, chấn thương cho thành viên kíp xe.

Dù gặp nhiều bất lợi trong huấn luyện và thi đấu, đội tuyển Việt Nam vẫn giành chiến thắng thuyết phục trong trận chung kết giữa niềm xúc động nghẹn ngào của các chiến sĩ và khán giả. Một số chiến sĩ xe tăng tại khu kỹ thuật cùng thiếu tá Đào Văn Viễn, chỉ huy các kíp xe tăng Việt Nam, đã không cầm được nước mắt xúc động khi đội tuyển giành chức vô địch Bảng 2 Tank Biathlon 2020.

Vũ Anh (Theo QĐND)

tin tức liên quan