Chính sách của ông Biden với Trung Quốc như thế nào?

Ngày đăng: 09:38 12/10/2020 Lượt xem: 343

      Chính sách của ông Biden với Trung Quốc như thế nào?


                                          Nguồn: Báo Điện tử Vietnamnet

Theo nhà hoạch định chính sách với Trung Quốc của Bộ Ngoại giao Mỹ John Tkacik, đã có những tín hiệu cho thấy ông Joe Biden muốn hợp tác với Trung Quốc.


Ngày 21/8/2011, trong một bài phát biểu tại Trung Quốc, Phó tổng thống Mỹ khi đó Joe Biden đã tuyên bố rằng 30 năm thuận lợi về thương mại, kinh tế và các chính sách khác đối với Bắc Kinh là chưa đủ. “Để củng cố quan hệ đối tác bền vững này, chúng ta phải vượt ra ngoài mối quan hệ chặt chẽ giữa Washington và Bắc Kinh hiện nay… phải tiếp cận đến tất cả các cấp chính quyền, các lớp học, phòng thí nghiệm, sân thể thao và phòng họp”, ông phát biểu tại Đại học Tứ Xuyên.

Theo Washington Times, câu nói trên phản ánh đúng các chính sách hỗ trợ và mở rộng sự hợp tác của Mỹ đối với Trung Quốc, do ông Biden chủ trương trong hơn 25 năm. Các chính sách này đã đạt đến đỉnh cao trong nhiệm kỳ phó tổng thống của ông Biden dưới thời Barack Obama.

Nhưng giờ đây, với tư cách là ứng cử viên đảng Dân chủ cho vị trí Tổng thống Mỹ, ông Biden được cho là có đường lối cứng rắn hơn với Trung Quốc, khi hứa sẽ áp dụng những biện pháp trừng phạt kinh tế mới đối với quốc gia châu Á nếu đắc cử.

Chính sách của ông Biden với Trung Quốc như thế nào?
Ông Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình

Ông cũng cáo buộc Tổng thống đương nhiệm Donald Trump có những động thái quá mềm mỏng trước sự lớn mạnh của Trung Quốc. Cựu phó tổng thống Mỹ chỉ trích những phản ứng của chính quyền Mỹ hiện tại trong việc đối phó với dịch Covid-19, và khẳng định sẽ buộc Bắc Kinh phải cho phép thanh sát viên quốc tế đến ổ dịch đầu tiên được phát hiện ở Vũ Hán.

Tuy nhiên, ông Trump cũng phản bác những cáo buộc trên, khi chỉ ra những mâu thuẫn trong quan điểm của ông Biden với các vấn đề liên quan đến Trung Quốc, như việc chỉ trích động thái chặn nhập cảnh vào Mỹ đối với các du khách từ Trung Quốc ở thời điểm dịch Covid-19 mới bùng phát, và kêu gọi chấm dứt lệnh áp thuế của Mỹ lên số hàng hóa trị giá hàng trăm tỷ USD của Trung Quốc vào tháng 8 vừa qua.

Bên cạnh đó, một báo cáo Ủy ban An ninh Nội địa Thượng viện Mỹ đã cáo buộc ông Joe Biden giúp con trai mình giành được các hợp đồng kinh doanh béo bở ở Trung Quốc, thông qua “một mạng lưới kết nối các công ty và giao dịch tài chính rộng lớn giữa gia đình Biden và những người mang quốc tịch Trung Quốc”.

Khôi phục chính sách cũ

Bất chấp những tuyên bố gần đây từ các cựu trợ lý và cố vấn cho thấy sự cần thiết phải có một cách tiếp cận mới, cứng rắn hơn đối với Trung Quốc, ông Joe Biden vẫn được cho là sẽ khôi phục các chính sách mà trước đây bị những người chỉ trích cho là chỉ để xoa dịu Bắc Kinh.

Theo ông John Tkacik, nguyên là nhà hoạch định chính sách với Trung Quốc của Bộ Ngoại giao Mỹ, ngay từ đầu đã có những tín hiệu cho thấy cựu Phó Tổng thống Mỹ muốn được hợp tác hơn là đối đầu với Trung Quốc. Điều này được thể hiện trong bài phát biểu của ông Biden tại Thành Đô vào năm 2011, trong đó ông hoan nghênh sự tham gia của Trung Quốc vào mọi ngóc ngách của nền kinh tế Mỹ.

“Những tương tác của ông ấy với Trung Quốc luôn được đánh dấu bằng sự nồng ấm, tin tưởng và hào phóng. Tôi không nhận thấy ông ấy mất đi bất kỳ niềm yêu thích cá nhân nào đối với Trung Quốc", ông Tkacik nói với Washington Times.

Ở giai đoạn đầu trong chiến dịch tranh cử tổng thống của mình, Ông Joe Biden cũng tìm cách hướng sự chú ý ra khỏi vấn đề Trung Quốc một cách khéo léo.

Cựu phó tổng thống Mỹ từng vấp phải sự chỉ trích của cả hai đảng, vì những bình luận cho rằng Trung Quốc không phải mối đe dọa với Mỹ, và bác bỏ những cáo buộc về gian lận thương mại, các chương trình gián điệp trên không gian mạng và đánh cắp tài sản trí tuệ, dù sau đó, các trợ lý của ông Biden cố gắng giải thích trước báo giới rằng, quan điểm chính xác của ông là bất kỳ thách thức mà nước Mỹ đang phải đối mặt, bao gồm cả mối đe dọa từ một nước Trung Quốc đang trỗi dậy, đều chưa là gì so với những thách thức ngay trong lòng xã hội Trung Quốc.

Tuy nhiên, vào đầu năm 2020, trong một bài viết trên tạp chí Foreign Affairs, ông Joe Biden đã thay đổi quan điểm và cho rằng, Mỹ nên tập trung vào việc giành chiến thắng trong các cuộc cạnh tranh với Trung Quốc.

“Để giành chiến thắng trong cuộc cạnh tranh với Trung Quốc hay bất kỳ quốc gia nào khác trong tương lai, Mỹ phải nâng cao lợi thế đổi mới của mình và đoàn kết sức mạnh kinh tế của các nền dân chủ trên toàn thế giới, để chống lại các hành vi lạm dụng kinh tế và giảm tình trạng bất bình đẳng”, ông Biden viết.

Thay đổi quan điểm

Theo Washington Times, sự thay đổi trong quan điểm của ông Biden từ trung dung sang ủng hộ Trung Quốc là nhờ vào các đời cố vấn an ninh cấp cao của mình là Frank Januzzi, Ely Ratner và Jeffrey Prescott. Trong đó, Januzzi và Ratner là những nhân vật đứng sau quyết định ủng hộ việc cấp cho Trung Quốc quy chế thương mại bình thường vĩnh viễn và cho phép Bắc Kinh gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới của ông Biden trong thời gian còn làm Thượng nghị sĩ.

Nhưng ở thời điểm hiện tại, các cựu cố vấn của ông Biden cho rằng nếu đắc cử chức Tổng thống Mỹ, ông sẽ có thể hợp tác tốt hơn với các đồng minh trong việc kiềm chế các chính sách tồi tệ nhất từ phía Trung Quốc. “Trong khi ông Trump gặp thất bại, thì Joe Biden sẽ đưa nước Mỹ vượt mặt Trung Quốc trong nhiều thập kỷ tới,” Prescott và Ratner viết trong một bài báo được đăng trên trang tin PennLive hôm 19/9.

Dù vậy, động thái trong những tuần cuối từ chiến dịch tranh cử của ông Joe Biden cho thấy dù không hề xem nhẹ tư thế đối đầu với Trung Quốc, ông Biden vẫn chú trọng việc hợp tác với Bắc Kinh trong các vấn đề như biến đổi khí hậu và giải trừ vũ khí hạt nhân.

( C. H sưu tầm)

tin tức liên quan