Gia Khánh khi ấy vì hiếu thuận nên gật đầu đáp ứng. Cùng ngày hôm đó, Càn Long băng hà, nhà vua cùng Hòa Thân còn tổ chức lễ tang cho Thái Thượng hoàng.
Thế nhưng chỉ vẻn vẹn 10 ngày sau đó, Gia Khánh công bố 20 đại tội của Hòa Thân, hạ chỉ tịch biên tài sản.
Ngày 18 tháng giêng, nhà vua ban miễn cho Hòa Thân một cái chết đau đớn bằng cách để cho ông tự vẫn tại phủ. Năm đó, Hòa Thân qua đời ở tuổi 48.
Tang lễ của ông được con trai là Phong Thân Ân Đức thu xếp một cách lặng lẽ. Tuy nhiên điều bí ẩn lại nằm ở chỗ, không ai biết được rằng người con trai này của Hòa Thân đã đưa di hài ông chôn cất ở nơi nào.
Cho tới ngày nay, vẫn có không ít giai thoại ly kỳ về nơi an nghỉ của tham quan họ Hòa. Dù vậy, việc ông được an táng tại nơi đâu vẫn là một trong những bí ẩn đang chờ hậu thế tìm lời giải đáp…
Giai thoại về ngôi mộ xa hoa không kém hoàng tộc bị xem là "đại tội" của Hòa Thân
Năm xưa, Hòa Thân tuy bị ban án tử nhưng con trai ruột của ông là Phong Thân Ân Đức nhờ có mối hôn sự với Cố Luân Hòa Hiếu công chúa (con gái của Càn Long) nên mới được miễn tội.
Sau khi tránh được kiếp nạn lần ấy, vị Phò mã họ Hòa này vội vàng thu xếp tang sự cho cha mình và đưa di hài của ông đi chôn cất.
Khi con đường quan lộ còn rộng mở, bản thân Hòa Thân cũng đã tốn ròng rã mấy năm trời, lại bỏ ra vài trăm ngàn lượng bạc trắng để tự xây dựng cho mình một lăng mộ trang trọng ở Kế Châu, Hà Bắc (Trung Quốc) ngày nay.
Tương truyền rằng lăng mộ ấy được thiết kế theo kiểu địa cung, bài trí xa hoa, cất giữ không ít vật quý giá. Thế nhưng không ai biết rằng, tới thời điểm Hòa Thân bị ban chết, nơi an nghỉ ấy đã kịp hoàn thành hay chưa.
Bấy giờ, lăng mộ do Hòa Thân xây dựng cũng chẳng kém lăng của Hoàng tộc là bao nếu xét về quy mô hay độ xa hoa. Bách tính vùng Kế Châu năm ấy đều biết tới nơi này, còn truyền tai nhau gọi đó là "Hòa Lăng".
Tuy nhiên tới thời điểm gặp nạn, Gia Khánh đã phái một vài đại thần trong triều đi tới Kế Châu để tra xét lăng mộ mà Hòa Thân xây trước cho bản thân mình.
Trong lần thẩm tra ấy, tất cả những đồ quý giá ở nơi đó đều bị phá dỡ hoặc mang đi. Hòa Lăng khi đó chỉ còn là một ngôi mộ trống trơn với vẻn vẹn hai bức tượng sư tử đá làm bằng bạch ngọc được để lại vì… khó di chuyển.
Kết quả là khi 20 đại tội của tham quan này bị công bố, lăng mộ xa hoa của ông cũng từng bị nhắc tới:
"Mộ phần ở Kế Châu thiết kế cả đường hầm, điện thờ, bách tính gọi là Hòa Lăng, đây là đại tội thứ 14".
Sau sự biến của gia tộc họ Hòa năm đó, "Hòa Lăng" dù đã bị hủy, nhưng không ít người vẫn tin rằng Phong Thân Ân Đức đã lén đưa di thể của cha mình vào an táng tại nơi này.
Năm tháng trôi qua, vận đổi sao dời, "Hòa Lăng" giờ đây đã bị nhấn chìm trong biển nước của mảnh đất Kế Châu.
Chỉ mỗi khi tới mùa nước cạn vào mùa xuân hàng năm, nếu đứng ở trên bờ của đập chứa nước từ xa nhìn lại, người ta mới có thể lờ mờ trông thấy chóp đỉnh của ngôi mộ xa hoa từng nức tiếng một thời ấy.
Thậm chí, hai bức tượng sư tử đá làm bằng bạch ngọc cũng chẳng còn ở lại nơi ấy mà được di dời tới trước cổng của một ngôi chùa cũng nằm tại Kế Châu.
Giả thiết về nơi an nghỉ của tham quan họ Hòa: Bị đào bới tới lộ cả hài cốt
Tuy nhiên cũng có ý kiến cho rằng, sự tồn tại của lăng mộ xa hoa kia vốn từng bị giai cấp thống trị xem là đại tội, vì vậy một Phong Thân Ân Đức vừa mới nhờ vào danh phận Phò mã mới được tha chết khi đó sẽ chẳng dại gì an táng cha mình ở nơi này.
Bởi nếu làm như vậy thì chẳng khác gì gia tộc họ Hòa một lần nữa cố tình chống lại vua Gia Khánh.Tuy nhiên câu hỏi được đặt ra là, giả sử không được đưa tới "Hòa Lăng" thì di thể của Hòa Thân rốt cục an táng tại nơi nào? Về đáp án cho câu hỏi nói trên, giai thoại được lưu truyền nhiều nhất và cũng được xem như câu trả lời hợp lý nhất chính là địa danh: Thôn Thượng Vạn ở Phòng Sơn, cách "Hòa Lăng" ở đất Kế Châu cũ khoảng 300 dặm.Theo đó, tại thôn Thượng Vạn có một quả núi nhỏ, trên núi có 5 ngôi mộ không mấy nổi bật, trước mộ không có bất kỳ một tấm bia nào, được dân bản địa gọi là "mộ Hòa gia".Thế nhưng dân bản xứ nơi đây lại chẳng có ai mang họ Hòa. Vì vậy họ đều tin vào những câu chuyện mà tổ tiên truyền lại, cho rằng đó chính là nơi an nghỉ của đại tham quan khét tiếng Thanh triều là Hòa Thân và một vài người trong gia tộc của ông.
Vào năm 2009, hai ngôi mộ trong số này từng bị kẻ gian đào bới tới mức lộ ra cả hài cốt. Theo lời của những người ở đây, "mộ Hòa gia" từng nhiều lần bị đạo tặc ghé thăm. Những kẻ này đều tin rằng nơi đây là mộ địa của Hòa Thân nên mới tìm đến.
Còn theo giới chức địa phương, khu mộ này trước đó từng được kiểm tra và được xác định là mộ cổ. Dù vậy, việc đó có thực sự là mộ của Hòa Thân hay không thì vẫn chưa có chứng cứ xác thực.
Có ý kiến khác lại cho rằng, muốn biết Hòa Thân được an táng ở đâu thì chỉ có thể lần theo dấu vết ngôi mộ của con trai ông là Phong Thân Ân Đức.
Tương truyền rằng sau khi cha qua đời, Phong Thân Ân Đức mặc dù giữ được tính mạng nhưng lại đem lòng oán hận người vợ có thân phận là công chúa của mình.
Kể từ đó, ông liền sủng ái tiểu thiếp, lại thêm việc bị người khác vu cáo là âm thầm nuôi tư binh, trù tính báo thù cho cha. Gia Khánh ngoài mặt tuy không truy cứu, nhưng vẫn điều ông đi nơi xa nhậm chức.
Phải tới vài năm sau, khi đã lâm bệnh nặng, Phong Thân Ân Đức mới được cho phép hồi kinh, không lâu sau thì qua đời khi mới ngoài 30 tuổi.
Sau khi ông mất, hậu sự đều do họ hàng xử lý. Tương truyền rằng linh cữu của Phong Thân Ân Đức được đưa tới an táng ở thôn Lưu, thuộc Kế Châu, Hà Bắc.
Vì vậy không ít người tin rằng rất có thể đây cũng là nơi an nghỉ trước đó của cha ông là Hòa Thân.
Thế nhưng cũng tương tự như "mộ Hòa gia" ở Phòng Sơn, nơi này cũng không có bất kỳ tài liệu nào chứng minh là có chôn cất Hòa Thân.
Vì vậy, việc đại tham quan họ Hòa được an táng tại nơi nào cho tới nay vẫn là một bí ẩn chưa có lời giải đáp.