Lý do Trump quyết đấu pháp lý tới cùng
Nguồn: Báo Điện tử VnExpress
Bất chấp nhiều chỉ trích và lời khuyên nhận thua, Trump cùng đồng minh vẫn muốn kiện tụng bầu cử đến cùng, dường như để củng cố nền tảng ủng hộ.
Ứng viên đảng Dân chủ Joe Biden ngày 7/11 được truyền thông Mỹ đồng loạt xướng tên là Tổng thống đắc cử sau khixác định ông giành chiến thắng tại bang chiến trường quyết định Pennsylvania. Chưa đầy một giờ sau, Rudy Giuliani, luật sư của Tổng thống Donald Trump, cáo buộc hệ thống bầu cử ở thành phố Philadelphia có gian lận, dù không đưa ra bằng chứng.
Trong tuần qua, chiến dịch của Trump đã "gây bão" ở các tòa án cấp bang và liên bang với hàng chục vụ kiện mới liên quan tới bầu cử. Phần lớn các vụ kiện được đệ trình ở Pennsylvania, Nevada, Georgia và Michigan, các bang mà Biden giành chiến thắng sít sao hoặc chưa công bố người thắng cuộc.
Trump cũng nhiều lần cáo buộc có gian lận bầu cử và tuyên bố "đấu tranh" tới cùng.
"Đây không còn là về một cuộc bầu cử đơn lẻ nào. Đây là vì tính toàn vẹn của toàn bộ quá trình bầu cử của chúng ta", ông cho biết hôm 6/11. "Chúng tôi sẽ theo đuổi quá trình này thông qua mọi khía cạnh của luật pháp để đảm bảo người dân Mỹ tin tưởng vào chính phủ. Tôi sẽ không ngừng đấu tranh cho bạn và đất nước của chúng ta".
|
Tổng thống Donald Trump tại Nhà Trắng hôm 4/11. Ảnh: AP. |
Bắt đầu từ ngày 4/11, chiến dịch tranh cử của Tổng thống và Ủy ban Quốc gia đảng Cộng hòa cũng đã gửi hàng chục tin nhắn, email mỗi ngày để kêu gọi tài trợ cho cuộc chiến pháp lý của Trump.
"Chúng ta phải bảo vệ cuộc bầu cử này", một tin nhắn hôm 6/11 được gửi dưới danh nghĩa của Trump Jr., con trai Tổng thống. "Bố tôi đang kêu gọi các bạn giúp đỡ để củng cố Quỹ Bảo vệ Bầu cử quan trọng của chúng tôi".
Nhiều đồng minh của Tổng thống Mỹ cũng từ chối công nhận Biden chiến thắng, đồng thời ủng hộ theo đuổi cuộc chiến pháp lý. Lãnh đạo phe đa số tại Thượng viện Mitch McConnell là một trong số đó.
"Tổng thống Trump 100% có quyền xem xét các cáo buộc bất thường và cân nhắc các lựa chọn pháp lý của mình", McConnell nói.
Cuộc chiến pháp lý của ông chủ Nhà Trắng vấp phải nhiều chỉ trích từ những người ủng hộ Biden. Một số đồng minh của Trump dường như không mấy tin vào các tuyên bố gian lận bầu cử của Tổng thống và hoài nghi cuộc chiến pháp lý của ông sẽ mang lại kết quả như mong đợi.
"Tình bạn không có nghĩa là bạn sẽ mù quáng", cựu thống đốc New Jersey Chris Christie, bạn lâu năm của Trump, tuyên bố, nói thêm rằng không có khả năng Tổng thống có thể đưa ra bằng chứng gian lận bầu cử để biện minh cho việc từ chối thất bại.
Tuy nhiên, tìm kiếm bằng chứng gian lận và đảo ngược kết quả bầu cử dường như không phải là trọng tâm cuộc chiến pháp lý của Trump, theo chia sẻ từ các quan chức cấp cao, trợ lý chiến dịch và đồng minh giấu tên của Tổng thống.
Các quan chức này cho biết chiến lược thúc đẩy cuộc chiến pháp lý chống lại chiến thắng của Biden ở Pennsylvania và nhiều bang khác nhằm tạo cho Trump một "lối thoát" trước thất bại khó chấp nhận, hơn là thay đổi kết quả bầu cử.
Các trợ lý và đồng minh của Tổng thống Trump thừa nhận rằng cuộc chiến pháp lý nếu thành công sẽ giúp ngăn cản kịch bản thất cử. Song họ nói rằng mục tiêu chính của Tổng thống Trump và nhóm đồng minh cốt lõi là giữ được nền tảng ủng hộ trung thành của ông ngay cả khi thất cử.
Trong lịch sử gần đây của Mỹ, chưa có cuộc bầu cử nào bị cáo buộc gian lận nhiều như năm nay. Lần gần nhất là cuộc bầu cử năm 1960, khi ứng viên Dân chủ John F. Kennedy đánh bại Richard Nixon, một số cáo buộc được lan truyền rằng Kennedy chiến thắng nhờ gian lận bầu cử.
Một nguồn tin thân cận với các cuộc thảo luận pháp lý của Trump nói với CNN rằng Tổng thống bắt đầu nói với các trợ lý rằng ông khó có thể giành được chiến thắng sau cuộc chiến này. Nhưng ngay cả khi Trump thừa nhận rằng mình không có lợi thế, ông vẫn khẳng định cuộc chiến pháp lý kéo dài và các luận điệu về gian lận bầu cử sẽ đủ gây ra hoài nghi để từ chối chấp nhận kết quả bầu cử.
Hai trợ lý chiến dịch nói rằng Tổng thống Trump sẽ sử dụng triệt để mọi con đường pháp lý để tranh chấp kết quả tại một số bang chiến trường, trước khi đưa ra bất kỳ cân nhắc nhượng bộ nào.
"Ông ấy đang trong trạng thái chiến đấu", một nguồn tin thân cận với Tổng thống nói. "Ông ấy nghĩ nó đem lại lợi ích cho mình".
Nhận thua và chấp nhận cuộc sống hậu Nhà Trắng là những chủ đề không được thảo luận rộng rãi trong nhóm của Trump. Đối với ông, thua cuộc là điều khó chấp nhận.
"Thua cuộc chưa bao giờ dễ dàng", Trump nói tại trụ sở chiến dịch hôm 3/11. "Đối với tôi thì không".
Jason Miller, cố vấn cấp cao của Tổng thống Trump, hôm 9/11 nói rằng chiến dịch của họ không tính đến việc nhận thua, sau khi truyền thông đồng loạt xướng tên Biden là người chiến thắng.
"Từ đó thậm chí không có trong từ điển của chúng tôi lúc này", Miller trả lời phỏng vấn của Fox Business. "Chúng tôi sẽ tiếp tục và tận dụng tất cả phương tiện pháp lý và phương pháp kiểm phiếu lại. Chúng tôi sẽ tiếp tục vạch trần và điều tra tất cả trường hợp gian lận hoặc lạm dụng, để đảm bảo rằng... công chúng Mỹ có thể hoàn toàn tin tưởng vào các cuộc bầu cử".
Miller thêm rằng quan chức quản lý bầu cử sẽ "tiến hành kiểm phiếu lại" ở Arizona và Georgia, cũng như ở Wisconsin. Ông cũng đề cập đến khả năng có thêm các vụ kiện mới ở Michigan, Pennsylvania và nhiều bang khác trong những ngày tới.
Trong một cuộc phỏng vấn khác với Fox Business, Tim Murtaugh, giám đốc truyền thông chiến dịch tranh cử của Trump, từ chối trả lời liệu Tổng thống có chấp nhận kết quả hay không.
"Tôi nghĩ luật pháp có điều khoản về kiểm phiếu lại và cũng có những con đường để đòi lại pháp lý. Tổng thống đang nợ hơn 70 triệu người bỏ phiếu cho ông ấy để theo đuổi tất cả những điều này", Murtaugh nói.
Murtaugh khẳng định chiến dịch của họ sẽ tìm ra bằng chứng về phiếu bầu không hợp pháp ở Georgia và dự đoán Tổng thống Trump sẽ "lật ngược thế cờ" ở Arizona.
"Chúng tôi tin rằng khi Tổng thống theo đuổi cuộc chiến pháp lý của mình, gồm kiểm phiếu lại ở Georgia và Wisconsin, chúng tôi thực sự cảm thấy có cơ hội để ông ấy chiến thắng và tái đắc cử", Murtaugh cho biết.
( C. H sưu tầm)