Trump 'dựng thành lũy' chặn Biden tiếp quản Nhà Trắng

Ngày đăng: 11:20 19/11/2020 Lượt xem: 379

Trump 'dựng thành lũy' chặn Biden tiếp quản Nhà Trắng

Lần đầu tiên sau hơn nửa thế kỷ, một chính quyền sắp mãn nhiệm cản trở chính quyền kế nhiệm ở mọi cấp độ mà không có ý định từ bỏ.

Tổng thống Donald Trump chưa gọi điện cho Tổng thống đắc cử Joe Biden. Chiến dịch của Trump chưa liên lạc với chiến dịch của Biden. Đệ nhất phu nhân Melania chưa mời Jill Biden đến Nhà Trắng uống trà.

Tổng thống Trump tại Nhà Trắng ngày 13/11. Ảnh: Reuters.

Tổng thống Trump tại Nhà Trắng ngày 13/11. Ảnh: Reuters.

Đội ngũ chuyển giao quyền lực của Biden không nhận được báo cáo từ Nhà Trắng và các cơ quan liên bang về Covid-19, rút quân ở Afghanistan và Iraq, các hành động của Trung Quốc và Iran. Việc kiểm tra lý lịch hay xúc tiến cấp quyền tiếp cận thông tin mật cho những người dự kiến được bổ nhiệm cũng không được thực hiện. Chính quyền Trump đang "dựng thành lũy" để chặn mọi nẻo đường tiếp quản quyền lực của Biden.

Sự im lặng có thể tiếp tục kéo dài đến tháng 12, khi các bang phải xác nhận kết quả của họ trước quốc hội, theo một số đảng viên Cộng hòa am hiểu kế hoạch. Họ cho rằng cho đến lúc đó, Trump và nhóm của ông vẫn sẽ tiếp tục khẳng định cuộc bầu cử "bị đánh cắp". Họ cáo buộc đã có gian lận, đâm đơn kiện và yêu cầu kiểm phiếu lại để thách thức kết quả.

Đây là tình huống chưa từng có, kể từ ít nhất là năm 1963, khi luật liên bang đặt ra thủ tục chuyển giao quyền lực hiện đại, quy định về việc chia sẻ không gian văn phòng và chi tiêu cho quá trình này.

Tình thế này có nguy cơ khiến đội ngũ của Biden rơi vào thế thiếu chuẩn bị vào tháng 1/2021, khi họ tiếp quản lượng nhân sự liên bang hàng triệu người. Điều này còn có thể gửi đi thông điệp đến thế giới rằng Mỹ, vốn được coi là hình mẫu của toàn cầu, dễ bị tổn thương và không thể tiến hành được quá trình chuyển đổi quyền lực liền mạch.

"Việc chuyển giao quyền lực, kể cả miễn cưỡng, là điều quan trọng vì cả thế giới đều chứng kiến", Andy Card, cựu chánh văn phòng Nhà Trắng dưới thời tổng thống George W. Bush, người đã tham gia vào ba cuộc chuyển giao quyền lực, cho biết.

Ngay cả vào năm 2000, khi Mỹ không xác định được người chiến thắng cho đến 5 tuần sau ngày bầu cử, đội ngũ của tổng thống Bill Clinton đã cho phép Bush nhận báo cáo an ninh quốc gia. Đối thủ của Bush là phó Tổng thống lúc bấy giờ Al Gore nên ông vốn đã nhận được chúng.

Năm nay, Biden được xác định là người chiến thắng vào ngày 7/11, 4 ngày sau ngày bầu cử. Ông nhận được 306 phiếu đại cử tri. Tuy nhiên, Emily Murphy, người đứng đầu Cơ quan Quản lý Dịch vụ Công Mỹ (GSA), quan chức do Trump bổ nhiệm, không khẳng định rằng Biden đã đắc cử và từ chối kích hoạt quy trình cho phép đội ngũ của Biden tiếp cận các nguồn lực liên bang.

Nhóm của Biden đã cố gắng giải quyết tình trạng bế tắc, thuê nhân viên, chỉ định nhóm đánh giá cách hoạt động của các cơ quan và liên hệ với các cựu nhân viên liên bang từng làm việc cho tổng thống Barack Obama. Họ cũng liên hệ với các quan chức bang và địa phương, dù nhiều quan chức đảng Cộng hòa, bao gồm Lãnh đạo Phe đa số tại Thượng viện Mitch McConnell, không thừa nhận Biden đắc cử. Trump, người nhận được 232 phiếu đại cử tri, chưa nhận thua và phản đối kết quả. Ông thường xuyên tuyên bố trên Twitter rằng mình đã chiến thắng.

Nhà sử học tổng thống Michael Beschloss cho biết từng có một số tổng thống sắp mãn nhiệm "tức giận" về kết quả bầu cử. "Nhưng ngay cả trong những giấc mơ điên rồ nhất, các nhà lập quốc cũng chưa bao giờ hình dung ra một tổng thống từ chối nhận thua hoặc rời Nhà Trắng", ông nói.

Cố vấn An ninh Quốc gia của Trump Robert O'Brien đã hứa sẽ chuyển giao quyền lực một cách có trật tự nếu Biden được chứng nhận là người chiến thắng, nhưng một số đồng minh đảng Cộng hòa của Tổng thống, bao gồm các nhân viên cũ của Trump, nói rằng không rõ liệu Trump có tham dự lễ nhậm chức của Biden hay không. Nếu không, Trump sẽ trở thành tổng thống thứ tư trong lịch sử Mỹ cố tình không dự lễ nhậm chức của người kế nhiệm, sau John Adams, John Quincy Adams và Andrew Johnson, theo Thomas Balcerski, giáo sư tại Đại học bang Eastern Connecticut. Hai tổng thống khác không tham dự vì lý do khác.

"Điều này chưa từng có trong thời hiện đại", Bal Cancerki nói. "Tổng thống Trump một lần nữa chính trị hóa một khía cạnh của nền quản trị dân chủ vốn phải phi chính trị".

Chính quyền Trump đã bắt đầu lên kế hoạch cho một quá trình chuyển đổi tiềm năng vào tháng 5, theo quy định của luật Mỹ. Họ thành lập các nhóm để tư vấn cho các bộ và cơ quan về cách chuẩn bị. Nhóm của Biden cũng bắt đầu chuẩn bị cho khả năng thành lập chính quyền từ vài tháng trước, tập trung vào nhân sự và chính sách.

Nhưng nhiều khả năng đến khi GSA xác nhận người chiến thắng, nhóm của Biden mới được cấp quyền tiếp cận thông tin. Đó là một kịch bản chưa từng có.

"Mỗi ngày trôi qua, sự việc càng đáng lo ngại hơn khi đội ngũ an ninh quốc gia, tổng thống đắc cử và phó tổng thống đắc cử không được tiếp cận các đánh giá về các mối đe dọa, báo cáo tình báo và thông tin thời gian thực về các cam kết của chúng tôi trên khắp thế giới", Jen Psaki, một cố vấn cho quá trình chuyển giao của Biden, nói. "Để chuẩn bị lãnh đạo đất nước, họ phải được tiếp cận những thông tin đó".

Trước đây, tổng thống đắc cử sẽ điều các nhóm nhân viên đến các cơ quan liên bang. Những nhóm này có không gian văn phòng để làm việc trong khi xem xét tài liệu, nhận báo cáo và gặp gỡ các nhân viên hiện tại.

Trong những ngày gần đây, ngay cả một số thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa cũng bắt đầu tranh luận rằng ít nhất Biden nên nhận được báo cáo tình báo cấp cao hàng ngày.

"Điểm mấu chốt là các đối thủ của chúng ta có thể coi giai đoạn chuyển giao quyền lực như một thời điểm chúng ta yếu ớt và họ sẽ khai thác nếu có thể", Michael Chertoff, cựu bộ trưởng an ninh nội địa dưới thời Bush nói. Ông thúc giục chính quyền Trump cho phép quá trình chuyển đổi diễn ra.

Ủy ban 9/11 từng nói rằng việc thiếu thông tin trong quá trình chuyển giao là một trong những yếu tố khiến Mỹ không thể ngăn cản vụ khủng bố năm 2001, năm Bush trở thành tổng thống.

Trong một bài phát biểu hồi đầu tuần về khôi phục kinh tế, Biden kêu gọi chính quyền Trump tạo điều kiện cho quá trình chuyển đổi để Mỹ có thể thành công về nhiều mặt, đặc biệt là trong cuộc chiến chống Covid-19. "Nhiều người hơn có thể chết nếu chúng ta không phối hợp", ông nói.

Chris Lu, người điều hành quá trình chuyển giao cho Obama, cho biết năm 2008 GSA đã xác nhận kết quả chỉ vài giờ sau ngày bầu cử và ông ngay lập tức bắt đầu trò chuyện hai lần một ngày với quan chức phụ trách hỗ trợ quá trình chuyển giao của Bush, phó chánh văn phòng Blake Gottesman. Hai người đã thảo luận về rất nhiều vấn đề, từ việc cho phép phụ tá tiếp cận thông tin mật cho đến cho nhân viên truy cập máy tính.

Quá trình diễn ra tốt đẹp đến mức khi Obama ký luật cải thiện quá trình chuyển đổi hai năm sau đó, Lu đã lấy hai chiếc bút Tổng thống dùng để ký làm quà tặng cho chánh văn phòng của Bush, Josh Bolten, và Gottesman. Lu là cựu thứ trưởng lao động và hiện là người đứng đầu đội chuyển giao quyền lực của Biden tại bộ này.

"Chúng ta đã thực hiện quy trình chuyển giao quyền lực trong 200 năm ở đất nước này", Lu nói. "Chúng ta đã làm điều đó kể cả trong chiến tranh và suy thoái, chúng ta đã làm điều đó khi cả lưỡng đảng đều có những ứng viên rất cay đắng về thất bại của mình. Đây là truyền thống của đất nước chúng ta".

Phương Vũ (Theo Politico)

tin tức liên quan