Vì sao Triều Tiên vẫn chưa mở cửa biên giới với Trung Quốc?
Nguồn: Báo Điện tử InfoNet
Triều Tiên vẫn vô cùng thận trọng trong công tác phòng chống dịch bệnh nên chưa mở cửa các đường biên giới và tiếp tục giảm giao thương với Trung Quốc.
Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un đã cho tăng cường kế hoạch ngăn chặn đại dịch Covid-19 bằng cách thắt chặt thêm hoạt động kiểm soát vùng biên, cắt đứt gần như toàn bộ giao thương với Trung Quốc và thậm chí đã tử hình một quan chức hải quan trước cáo buộc không làm đúng quy trình nhập khẩu hàng hóa.
CNN đưa tin, theo số liệu của Cục Hải quan Trung Quốc, giá trị xuất khẩu hàng hóa của Bắc Kinh sang Bình Nhưỡng trong tháng 10 là 253.000 USD, sụt giảm tới 99% từ tháng 9 – 10.
|
Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un tiếp tục phong tỏa biên giới, giảm giao thương với Trung Quốc để phòng chống dịch Covid-19. (Ảnh: CNN) |
Trong khi đó, Trung Quốc hiện vẫn là đối tác thương mại lớn nhất và được xem là cứu sinh của nền kinh tế Triều Tiên. Trước khi các lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc được ban hành nhằm ngăn chặn Triều Tiên theo đuổi chương trình phát triển vũ khí hạt nhân vào năm 2016 và 2017, Bắc Kinh từng chiếm tới hơn 90% hoạt động thương mại với nước ngoài của Bình Nhưỡng.
Nếu như số liệu được Cục Hải quan Trung Quốc công bố là chính xác, điều này có nghĩa ông Kim dường như sẵn sàng lùi một bước, cắt đứt gần như toàn bộ hoạt động giao thương với Trung Quốc để ngăn chặn khả năng virus corona chủng mới lây lan sang Triều Tiên. Thậm chí, động thái này còn có thể đẩy Triều Tiên vào cuộc khủng hoảng nguồn cung lương thực và nhiên liệu. Điều đáng nói, Triều Tiên cho tăng cường thêm các biện pháp phòng dịch bệnh ngay cả khi Trung Quốc báo cáo mỗi ngày chỉ có vài ca mắc Covid-19. Trên thực tế, Triều Tiên chưa công khai thừa nhận dịch bệnh là nguyên nhân chính khiến nước này không thể đạt được những chỉ tiêu phát triển kinh tế đã đặt ra.
Trong khi đó, trong buổi họp của Cơ quan Tình báo Hàn Quốc, một quan chức Hàn Quốc cho hay ông Kim đã quyết định xử tử 2 người liên quan tới việc vi phạm các quy định phòng chống Covid-19. Một trong hai người bị tử hình là quan chức hải quan vì không tuân thủ các quy định phòng dịch bệnh trong quá trình nhập khẩu hàng hóa từ Trung Quốc.
Hiện CNN chưa thể xác nhận thông tin 2 trường hợp mới bị tử hình ở Triều Tiên, cũng như chưa có quan chức nào của Triều Tiên lên tiếng bình luận về vụ việc. Nhưng nếu điều này là sự thật, đây sẽ là dấu hiệu cho thấy ông Kim đang vô cùng quyết liệt trong việc triển khai các biện pháp ngăn chặn dịch.
Còn vào ngày 29/11, truyền thông Triều Tiên cho hay chính quyền nước này đã cho tiến hành các biện pháp mới và khắt khe hơn trong công tác phòng chống dịch Covid-19 trên cả nước. Các biện pháp mới như tăng cường lực lượng canh gác ở các cửa khẩu và thắt chắt quy định ra vào trên biển ở các vùng biển. Thậm chí, giới chức Triều Tiên còn hạ lệnh “đốt sạch rác rưởi trên biển”.
Dữ liệu Hải quan Trung Quốc công bố còn cho thấy trong tháng 10, số lượng hàng hóa Trung Quốc nhập khẩu từ Triều Tiên đã giảm 74% so với cùng kỳ năm ngoái. Động thái này khiến nhiều ngành sản xuất ở Trung Quốc như các nhà máy sản xuất tóc giả phải tìm kiếm nguồn lao động giá rẻ từ những quốc gia khác để thay thế.
Các nhà máy sản xuất tóc giả ở Trung Quốc thường để lao động chân tay ở Triều Tiên làm việc bằng cách gửi nguồn nguyên liệu sang Triều Tiên và để các công ty Triều Tiên tự đảm nhận quản lý nhân viên hoàn thiện sản phẩm. Nhưng kể từ khi biên giới Trung – Triều bị đóng cửa vào tháng Một để ngăn chặn dịch Covid-19, hoạt động giao thương hai bên đã bị đình trệ và giá cả cũng tăng mạnh.
Triều Tiên không đủ sức đối phó dịch bệnh
Triều Tiên là một trong những quốc gia đầu tiên trên thế giới đóng cửa các đường biên giới, sau khi thông tin dịch Covid-19 xuất hiện ở thành phố Vũ Hán thuộc tỉnh Hồ Bắc của Trung Quốc.
Hầu hết hoạt động đi lại trong lãnh thổ Triều Tiên cũng bị tạm dừng sau quyết định phong tỏa biên giới. Hồi mùa hè, thành phố biên giới Kaesong của Triều Tiên đã bị phong tỏa sau khi có tin một nam công dân đào tẩu từ Hàn Quốc trở về nước và người này được cho mắc Covid-19. Ngoài ra, truyền thông Triều Tiên cũng thường xuyên cho đăng bài viết để nhắc nhở người dân về tầm quan trọng của chiến dịch ngăn chặn dịch bệnh khẩn cấp.
Các chuyên gia nhận định, phản ứng ngay lập tức của Triều Tiên xuất phát từ việc chính quyền của ông Kim nhận ra rằng, ngay cả những quốc gia có hệ thống chăm sóc y tế tốt nhất thế giới cũng “sụp đổ” trước dịch Covid-19.
Trên thực tế, cơ sở hạ tầng chăm sóc y tế của Triều Tiên sẽ không có khả năng đối phó với loại virus có tốc độ lây lan nhanh và cùng lúc khiến số lượng lớn người mắc như Covid-19. Hiện tại, hệ thống y tế của Triều Tiên cũng đang gặp không ít khó khăn trong việc điều trị một số bệnh truyền nhiễm khác như bệnh lao.
Cụ thể, những công dân Triều Tiên đào tẩu cho biết các bệnh viện và cơ sở y tế của Triều Tiên thường đổ nát và thiếu trầm trọng trang thiết bị cũng như thuốc men điều trị.
Dù cho tới nay, Triều Tiên vẫn khẳng định quốc gia này chưa ghi nhận bất cứ trường hợp nào mắc Covid-19, nhưng nhiều chuyên gia nghi ngờ không thể loại trừ dịch bệnh đã xuất hiện ở Triều Tiên. Hiện Covid-19 đã khiến hơn 1,4 triệu người trên thế giới tử vong và 62,6 triệu người mắc bệnh.
Ông Evans Revere, cựu trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách khu vực Đông Á và Thái Bình Dương cho hay, những biện pháp mới nhất của nhà lãnh đạo Kim Jong-un cho thấy “tình hiện hiện nay đã nghiêm trọng và dịch bệnh đang diễn biến xấu hơn nhiều”.
Cũng theo ông Revere, tình hình ở Triều Tiên càng trở nên phức tạp và khó khăn do nhiều yếu tố gộp lại bao gồm dịch bệnh diễn biến trầm trọng hơn, thời tiết khắc nghiệt, thiếu hụt lương thực cùng áp lực từ lệnh trừng phạt quốc tế và cắt giảm giao thương với Trung Quốc. Trong khi đó, ông Kim buộc phải tìm cách giải quyết những thách thức lớn này, trong bối cảnh Triều Tiên sắp tiến hành cuộc họp quan trọng của đảng Lao động vào tháng 1/2021. Sự kiện được cho sẽ là nơi ông Kim sẽ cho công bố kế hoạch kinh tế 5 năm mới.
“Tình hình hiện đặc biệt nghiêm trọng đối với nhà lãnh đạo Triều Tiên, điều này cũng có thể giải thích vì sao Triều Tiên hoàn toàn yên ắng kể từ cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ 3/11”, ông Revere nói thêm.
Triều Tiên hiện vẫn chưa đưa ra lời bình luận hay chúc mừng sau khi ứng cử viên đảng Dân chủ Joe Biden trở thành Tổng thống đắc cử trong cuộc đua vào Nhà Trắng năm nay trước ứng cử viên đảng Cộng hòa kiêm đương kim Tổng thống Donald Trump.
Giới chuyên gia cho rằng, khả năng sau khi nhậm chức, ông Biden sẽ có phương thức đàm phán với Triều Tiên hoàn toàn khác với những gì chính quyền của ông Trump đã làm. Trong giai đoạn lãnh đạo, ông Trump hướng tới xây dựng mối quan hệ cá nhân tốt đẹp với ông Kim nhằm hy vọng giúp Mỹ - Triều tạo ra bước đột phá ngoại giao.
( C. H sưu tầm)