Đợt rét "kỷ lục" ở miền Bắc kéo dài đến khi nào?
Nguồn: Báo Điện tử Dân Trí
Từ đêm 29/12, đợt không khí lạnh có cường độ mạnh đã ảnh hưởng đến nhiều tỉnh thành khu vực miền Bắc. Các chuyên gia nhận định, đợt rét này sẽ kéo dài vài ngày, sau đó lại tiếp tục đón đợt rét mới.
Liên quan đến đợt rét đậm, rét hại đang diễn ra ở miền Bắc, ông Nguyễn Văn Hưởng, Trưởng phòng Dự báo khí hậu (Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia) cho biết, sáng sớm nay (30/12), bộ phận không khí lạnh rất mạnh đã ảnh hưởng đến hầu hết các tỉnh phía Đông Bắc Bộ. Ở vịnh Bắc Bộ đã có gió Đông Bắc mạnh cấp 7, giật cấp 9.
Dự báo, ngày hôm nay (30/12), bộ phận không khí lạnh rất mạnh này sẽ ảnh hưởng đến phía Tây Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ, sau đó ảnh hưởng đến Trung Trung Bộ và Nam Trung Bộ.
Có khả năng xảy ra băng tuyết, sương muối ở vùng núi cao
Trưởng phòng Dự báo khí hậu cho biết thêm, do ảnh hưởng của không khí lạnh rất mạnh nên ngày và đêm nay (30/12) ở các tỉnh Bắc Bộ có mưa nhỏ vài nơi; từ ngày hôm nay (30/12) ở các tỉnh Trung Bộ có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to.
Từ hôm nay (30/12), ở các tỉnh Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ trời chuyển rét đậm, rét hại (trọng tâm rét hại tập trung ở Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Hà Giang, Tuyên Quang, Lào Cai, Yên Bái) với nhiệt độ thấp nhất phổ biến từ 6-9 độ, C vùng núi 3-6 độ, vùng núi cao dưới 0 độ C và có khả năng cao xảy ra băng giá và sương muối; ở các tỉnh Trung Trung Bộ trời chuyển rét với nhiệt độ thấp nhất phổ biến 13-16 độ C; các tỉnh Nam Trung Bộ, Tây Nguyên trời chuyển lạnh, có nơi chuyển rét; từ ngày 31/12, ở Nam Bộ trời chuyển lạnh vào đêm và sáng sớm.
"Thời điểm duy trì rét sâu nhất ở miền Bắc là vào đêm 31/12/2020 và đêm 1/1/2021. Sau đó, nhiệt độ khu vực này sẽ tăng dần lên, nhưng đến ngày 5/1/2021 lại có một đợt không khí lạnh mới tăng cường xuống miền Bắc nước ta. Do đó, khu vực miền Bắc sẽ duy trì chuỗi ngày có nền nhiệt tương đối thấp", ông Hưởng nói.
Về thời điểm và khu vực nào có thể xuất hiện băng tuyết trong đợt rét "kỷ lục" này, ông Hưởng cho biết: Đêm 31/12/2020 và đêm 1/1/2021 là thời điểm có khả năng xảy ra hiện tượng băng tuyết, sương muối tại khu vực núi cao của các tỉnh Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Hà Giang, Tuyên Quang, Lào Cai, Yên Bái.
Tuy nhiên, theo ông Hưởng, do đợt rét này mưa rất ít, độ ẩm thấp hơn so với đợt rét trước đó (từ ngày 15/12/2020) nên ít khả năng xảy ra mưa tuyết có thể có băng giá.
Đặc biệt chú ý đến sức khỏe đàn đại gia súc
Về tác động của đợt rét đậm, rét hại này đối với cây trồng, vật nuôi, ông Ngô Tiền Giang, Phó Giám đốc Trung tâm Ứng dụng công nghệ khí tượng thủy văn cho biết: Khi nhiệt độ giảm xuống thấp sẽ gia tăng độ lạnh gây ảnh hưởng chủ yếu cho các đại gia súc, đặc biệt liên quan đến các hiện tượng như gây sốc nhiệt, các bệnh viêm phổi, hay cước chân. Do vậy, đối với đại gia súc ở các chuồng trại kiên cố, bán kiên cố cần gấp rút kiểm tra lại, đặc biệt che chắn hướng đón gió.
"Còn đối với đàn gia súc chăn thả bên ngoài phải tiến hành nhốt lại hoặc cho xuống khu vực thấp hơn. Nếu chăn nuôi quy mô nhỏ thì có thể gửi nhờ hàng xóm có chuồng trại kiên cố để đảm bảo an toàn cho gia súc", ông Giang nói.
Cũng theo ông Giang, người dân nên bổ sung thêm các nguồn thức ăn, đặc biệt là thức ăn tinh, muối cho đàn đại gia súc và phải dự trữ thức ăn trong vòng toàn bộ giai đoạn của mùa lạnh. Về lâu dài cố gắng kiên cố chuồng trại, tích trữ thích ăn để có kế hoạch sản xuất tốt hơn.
Thời tiết rét sâu và khô sẽ tác động xấu đến cây trồng, đặc biệt là rau màu có khả năng bị cháy, táp có thể xảy ra. Do đó, sáng sớm người dân cần phun nước để làm giảm băng giá trên các cây rau màu.
Theo ông Giang, đợt rét này nhiều điểm du lịch ở vùng núi cao phía Bắc có khả năng xảy ra băng tuyết, sương muối, do đó, các cơ sở kinh doanh du lịch cần có những khuyến cáo và hướng dẫn cụ thể để đảm bảo sức khỏe cho nhân viên và du khách...
( C. H sưu tầm)