Giá trị tài sản bị sụt giảm, ông Phạm Nhật Vượng có còn giàu nhất Việt Nam?
Giá trị tài sản bị sụt giảm, ông Phạm Nhật Vượng có còn giàu nhất Việt Nam?
Nguồn: Báo Điện tử Dân Trí
Ngày 13/1, thị trường rung lắc mạnh, giá trị tài sản của ông Phạm Nhật Vượng bị sụt khoảng 6.324 tỷ đồng. Song theo Forbes, giá trị khối tài sản ròng của người giàu nhất Việt Nam vẫn đạt tới 7 tỷ USD.
Cú rung lắc mạnh diễn ra trong phiên chiều 13/1 đã khiến nhiều nhà đầu tư đánh mất bình tĩnh và buộc phải bán ra cổ phiếu để bảo toàn lợi nhuận. Một nhịp điều chỉnh như lẽ đương nhiên khi thị trường đã liên tục trải qua những phiên tăng nóng và VN-Index dần tiệm cận vùng đỉnh lịch sử 1.200 điểm.
Tuy nhiên, thị trường ở giai đoạn hiện tại đã khác với trước khi lực đỡ của dòng tiền mới vẫn còn rất khỏe.
VN-Index sau khi đạt được mức 1.197,12 điểm ở đầu phiên chiều lập tức rơi mạnh xuống mức 1183,44 điểm lúc 14h tức mất gần 14 điểm chỉ trong 1 tiếng giao dịch. Song, ngay từ thời điểm này, biên độ giảm của chỉ số đã được thu hẹp lại.
VN-Index đóng cửa mất 6,23 điểm, tương ứng 0,52% còn 1.186,05 điểm. HNX-Index lấy lại được trạng thái xanh, tăng nhẹ 0,52 điểm tương ứng 0,23% lên 222,49 điểm và UPCoM-Index tương tự cũng nhích được 0,04 điểm tương ứng 0,06% lên 77,93 điểm.
Tổng giá trị giao dịch trong phiên trên HSX lên tới 18.193,51 tỷ đồng, khối lượng giao dịch đạt 819,29 triệu cổ phiếu. HNX có 197,12 triệu cổ phiếu giao dịch tương ứng 3.004,94 tỷ đồng và trên UPCoM có 54,61 triệu cổ phiếu giao dịch tương ứng 861,69 tỷ đồng.
Bên cạnh yếu tố dòng tiền thì nhìn ở góc độ tích cực, tình trạng "nghẽn mạng" trên sàn HSX cũng hãm bớt các lệnh bán ra và chặn được đà giảm sâu của thị trường.
Trong bức tranh chung của cả thị trường, trên 3 sàn, tương quan số lượng mã tăng giảm vẫn không chênh lệch đáng kể. Có 451 mã giảm giá, 14 mã giảm sàn so với 440 mã tăng, 78 mã tăng trần.
Trong số này, cổ phiếu bluechip bị bán mạnh nhất và cũng là nguyên nhân chính kéo chỉ số đi xuống. Những "tội đồ" gồm có VIC, VHM, VNM, VCB. Bên cạnh đó còn có HVN, BID, VRE, GAS - đều là những mã đầu ngành.
Cụ thể, trong mức giảm của VN-Index, thiệt hại do VIC là 2,99 điểm, do VHM là 2,24 điểm, do VNM là 1 điểm và do VCB là 0,8 điểm.
VIC phiên này giảm mạnh 3.300 đồng tương ứng 2,9% còn 111.100 đồng; VHM giảm 2.500 đồng tương ứng 2,4% còn 100.900 đồng; VNM giảm 1.800 đồng tương ứng 1,5% còn 114.500 đồng và VCB giảm 800 đồng tương ứng 0,8% còn 104.800 đồng.
Phiên giảm khá mạnh của cổ phiếu VIC đã phần nào ảnh hưởng đến giá trị tài sản trên sàn của tỷ phú Phạm Nhật Vượng. Chủ tịch Vingroup hiện đang sở hữu trên 1,9 tỷ cổ phiếu VIC (cả trực tiếp và gián tiếp) và theo đó, trong phiên 13/1, giá trị tài sản của ông Vượng cũng bị sụt khoảng 6.324 tỷ đồng.
Tuy vậy, tính chung tổng giá trị tài sản cổ phiếu mà người giàu nhất Việt Nam hiện đang có vẫn đạt 212.909 tỷ đồng.
Cập nhật theo thời gian thực của tạp chí Forbes - đơn vị chuyên về xếp hạng người giàu thế giới cho thấy, tại thời điểm đóng cửa phiên 13/1, tổng giá trị tài sản ròng của ông Phạm Nhật Vượng đang là 7 tỷ USD, giảm khoảng 209 triệu USD (2,88%) so với ngày trước đó, xếp thứ 286 trong danh sách người giàu toàn thế giới.
Mức này cao hơn nhiều so với tài sản mà Forbes thống kê được hồi tháng 4/2020 khi công bố xếp hạng tỷ phú USD thế giới năm 2020 (khoảng 5,6 tỷ USD).
VIC vẫn đang trên đường chinh phục lại đỉnh cao hồi tháng 8/2019. Thời điểm đó, có lúc VIC đã được giao dịch ở mức giá gần 127.000 đồng.
Trở lại với diễn biến thị trường, nhiều cổ phiếu nhỏ, hoặc những mã chưa tăng nhiều trong thời gian qua lại được nhà đầu tư quan tâm và tiếp tục đổ tiền vào. Một loạt cổ phiếu tăng trần ở phiên điều chỉnh này như HTN, KMR, ROS, DLG, SFI, AGG, GVR, PSH, FCM, HQC, TGG…
Trên HNX chứng kiến đà tăng mạnh ở những cổ phiếu như BII tăng 10%; VIG tăng 10%; VNR tăng 9,6%; TIG tăng 9,1%; UPCoM có sự góp mặt của SAC với biên độ tăng 14,8%; HIG tăng 14,4%; PRT tăng 13,8%...
Ví von vùng đỉnh 1.200 - 1.220 điểm như một "bức tường lịch sử", nhóm chuyên gia VDSC ghi nhận, thị trường chứng khoán đã thẳng tiến và tiếp giáp với những mốc lịch sử, nhưng vẫn chưa thể vượt qua được tại điểm nhạy cảm này.
Để đi tiếp, thị trường cần động lực mạnh mẽ hơn nữa của dòng tiền. VDSC khuyến nghị nhà đầu tư nhà đầu tư cần cẩn trọng với tình hình hiện tại, cũng như là chỉ nắm giữ những cổ phiếu đang có xu hướng tốt, điều này nhằm bảo toàn những thành quả trong quá khứ.
( C. H sưu tầm)