Do tình trạng lây lan của dịch Covid-19 quá nhanh nên toàn bộ các tuyến đường trong khu vực TP Chí Linh đã bị phong tỏa khiến nhiều hàng quán phải đóng cửa, tiểu thương không bán được hàng, cuộc sống của nhiều người dân bị đảo lộn.
Đặc biệt, tại các khu dân cư, phường có người dân trồng nhiều loại cây ăn quả phải bỏ vốn cao hay rau xanh như bắp cải, su hào, súp lơ, cà chua các loại... đến lứa thu hoạch song vẫn vắng bóng người mua. Hàng hóa bị ứ đọng, không thể lưu thông ra các tỉnh khác khiến không ít người rơi vào cảnh nợ nần chồng chất nhưng không biết kêu ai.
Một ví dụ điển hình như gần 20.000 m2 vườn cam của chị Soan Hồng tại Thanh Tân, Lê Lợi, TP Chí Linh, Hải Dương đang trong tình trạng 'mắc kẹt" không thể tiêu thụ được do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Gia đình chị Hồng hiện đang sinh sống tại tâm dịch Chí Linh, vì trước đó không lường trước được dịch bệnh nên đã mạnh dạn vay vốn ngân hàng với số tiền 1 tỷ đồng để mua cây cam giống. Nhưng bất ngờ dịch Covid-19 ập tới, ngay nơi chị sống có bệnh nhân nhiễm nên hoạt động đều bị dừng lại. Các chốt chặn ngay đầu ngõ được dựng lên khiến cho hàng nghìn cây cam đang vào mùa thu hoạch cũng bị "đóng băng".
"Hiện tại, tôi đang gặp rất nhiều khó khăn và lo sợ do không có tiền trả lãi ngân hàng và những khoản nợ khác. Nếu tình trạng cam không bán được trong thời gian dài chắc tôi lại phải xoay sở đi vay mượn hoặc bán đất. Cứ như vậy nợ lại càng thêm nợ", chị Hồng tâm sự.
Vài ngày gần đây, chị Hồng đã thực hiện việc bán online những quả cảm lên mạng xã hội nhằm cứu vớt phần nào số vốn nhưng vẫn không ăn thua. Chị Hồng cho biết, dù đã xoay sở đủ cách, nhờ cả bạn bè đăng bán nhưng chỉ được vài tạ. "Hầu hết toàn là người dân gần nhà mua vài cân ủng hộ nên số lượng bán ra được rất ít", chị Hồng nói. Chị Hồng hiện đang rao bán cam với giá 15.000 đồng/kg.
Trước đó, vào những ngày trước Tết, nhiều hộ gia đình trồng đào với số lượng lớn tại khu dân cư Trại Trống (phường Hoàng Tiến, TP Chí Linh, tỉnh Hải Dương) cũng đã đứng ngồi không yên bởi sau lệnh phong tỏa TP Chí Linh để phòng dịch Covid-19 những hộ gia đình này không thể tiêu thụ được đào. Ông Nguyễn Văn Cường, người trồng đào tại TP Chí Linh thở dài khi 2.500 gốc đào bích, đào phai bắt đầu nở rộ trên 2,5 ha diện tích đất trồng và không thể trung chuyển đi được.
Gia đình ông Cường thuê tổng hơn 300m2 ở Quảng Ninh để bán đào Tết với giá gần 5 triệu đồng/30m2 (cả tiền đặt cọc). Chỉ riêng tiền thuê "lốt", người dân trồng đào phường Trại Trống thiệt hại khoảng 300 triệu đồng vì nhà ít nhất cũng thuê diện tích 60m2. Để đầu tư cho diện tích trồng đào lớn, gia đình ông Cường đã phải cầm cố ngân hàng 2 sổ đỏ nhưng đào không bán được, lãi ngân hàng vẫn phải trả khiến ông Cường càng thêm sốt ruột. Thêm vào đó, tiền thuê công nhân, tiền thuê ô tô chở đào… thiệt hại của gia đình ước tính khoảng 1,5 tỷ đồng.
"Đào cũng chuẩn bị, lốt đã thuê, vì dịch bệnh nên không chuyển đi chuyển được. Gần như nhà ai ở khu dân cư Trại Trống cũng phải vay ngân hàng. Với 7-8 nghìn gốc đào, cả thôn Trại Trống thiệt hại lên tới vài tỷ đồng", ông Cường thở dài.
Không riêng gia đình chị Hồng, ông Cường, nhiều hộ nông dân khác tại phường Cộng Hòa, Phường Đại Tân hay Xã Hoàng Tiến, Chí Linh Hải Dương cũng rơi vào tình trạng khốn đốn khi lượng tiêu thụ rau màu chậm. Nông dân đành bán rẻ như cho hoặc vứt đi tại đồng chẳng buồn thu hoạch khiến rau quá lứa vứt thành hàng.
Mức tiêu thụ các loại rau tại TP Chí Linh gần đây rất chậm, giá chỉ còn bằng 1/3 so với trước khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Thời điểm trước Tết một tuần, giá rau cải, cải cúc 5.000 đồng/mớ, nay chỉ còn 2.000 đồng/kg.
Mới đây, ngày 17/2, UBND tỉnh Hải Dương yêu cầu Sở NN&PTNT, các huyện thị xã trên địa bàn khẩn trương thực hiện các giải pháp hỗ trợ nông dân tiêu thụ nông sản sau Tết. Các xã, phòng ban đảm bảo tổ chức sản xuất nông nghiệp được diễn ra bình thường, kể cả khu vực có phong tỏa, các hộ gia đình có F2 bị cách ly nhưng phải hướng dẫn đảm bảo thực hiện 5K theo khuyến cáo ngành Y tế.
Các phương tiện vận tải nông sản phải cam kết theo hướng dẫn chuyển hàng hóa ra vào khu phong tỏa, cách ly của Sở GTVT. Giấy xác nhận phương tiện đã khử khuẩn, có ghi rõ thông tin tổ chức, cá nhân thực hiện trước khi đến các chốt kiểm soát. Tài xế phải thực hiện khuyến cáo 5K của ngành Y tế trong suốt quá trình vận chuyển, xếp dỡ hàng hóa và không được dừng đỗ để tiếp xúc với người khác trong quá trình vận chuyển. Phải đeo khẩu trang và thực hiện đo thân nhiệt khi đi qua chốt kiểm dịch và cung cấp giấy khai báo y tế theo mẫu của ngành Y tế.
Tố Linh từ thành phố Chí Linh