Covid-19 'hạ nhiệt'

Ngày đăng: 04:06 23/02/2021 Lượt xem: 308

 Covid-19 'hạ nhiệt'

Số ca nhiễm nCoV toàn cầu giảm mạnh tạo cơ hội vàng để kìm hãm đại dịch trong khi vaccine đang được tiêm chủng ở nhiều nước.

Thế giới từng ghi nhận đỉnh điểm 750.000 ca nhiễm mỗi ngày. Giờ đây, con số này giảm khoảng một nửa. Số ca nhiễm không là thước đo hoàn hảo do các báo cáo ghi nhận còn hạn chế và xét nghiệm chưa đủ để xác định quy mô dịch bệnh, đặc biệt tại các khu vực như châu Phi, Mỹ Latinh và Nam Á. Tuy nhiên, số người nhập viện giảm ở nhiều điểm nóng cho thấy Covid-19 hạ nhiệt là thật.

"Đây là niềm vui lớn, nhưng cũng rất mong manh. Phía cuối con đường là ánh sáng nhưng chúng ta còn một chặng dài để đi", Wafaa El-Sadr, nhà dịch tễ học tại trường Y tế Công cộng Mailman, Đại học Columbia, Mỹ, cho biết. Covid-19 lắng xuống tại nhiều ổ dịch trên thế giới tạo cơ hội vàng để kìm hãm sự lây lan của virus trong khi vaccine bắt đầu có tác dụng.

Tuy vậy, các dấu hiệu khả quan đi cùng những rủi ro. Nhiều quốc gia vẫn đang chật vật. Brazil đối mặt với sự trỗi dậy của biến thể mới. Số bệnh nhân Covid-19 phải nhập viện ở Tây Ban Nha vẫn cao dù đã số ca nhiễm mới đã giảm. Tại một số nước châu Âu như Czech, Estonia và Slovakia, tỷ lệ nhiễm đang chuyển biến theo hướng xấu.

Những biến thể nCoV mới với khả năng lây truyền cao hay thiếu sót trong công tác chống dịch vẫn có thể gây ra đợt bùng phát mới, lấn át tác động tích cực của vaccine. Hầu hết quốc gia đều ghi nhận số ca nhiễm đi xuống, nhưng sự tụt giảm trên toàn cầu phần nhiều là nhờ tín hiệu lạc quan ở 6 nước có dịch lớn.

Theo các chuyên gia, có nhiều nguyên nhân dẫn đến số ca nhiễm giảm trên toàn thế giới, như ý thức chấp hành giãn cách và đeo khẩu trang tăng lên, thời tiết ấm lên và miễn dịch tự nhiên tại những nơi có tỷ lệ nhiễm cao.

"Mặc dù Mỹ không phong tỏa toàn quốc, sự tự giác của người dân và miễn dịch tại những cộng đồng bị dịch bệnh hoành hành có thể đã ngăn chặn một kịch bản tệ hơn", Caitlin Rivers, nhà dịch tễ học từ Đại học John Hopkins, phân tích.

Tại Anh, các chuyên gia tin rằng số ca nhiễm nCoV giảm là do lệnh phong tỏa nghiêm ngặt áp dụng sau kỳ nghỉ lễ. Vaccine không phải là nguyên nhân, bởi vì, những người nhận vaccine sớm nhất có miễn dịch trước ngày 10/1, trong khi từ 11/1, số ca Covid-19 mới bắt đầu đi xuống trên biểu đồ. Thêm nữa, những liều ban đầu này chủ yếu dành cho nhân viên y tế và bệnh nhân cao tuổi đã ở viện.

Thách thức kìm hãm dịch bệnh cho tới khi vaccine phát huy hiệu quả lớn hơn đối với các nước có tiến độ tiêm chủng chậm. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), 130 nước chưa bắt đầu tiêm vaccine vào đầu tháng này và hơn 3/4 số liều được sử dụng chỉ tập trung ở 10 quốc gia. Nhiều nước giàu đang tích trữ vaccine đủ tiêm cho người trong nước nhiều lần, trong khi các nước nghèo hơn vẫn chưa nhận được liều nào. Một phát hiện từ Nam Phi cho thấy vaccine AstraZeneca ít hiệu quả hơn trước một biến thể lây lan nhanh. Đây là tin xấu đối với các quốc gia có kế hoạch dựa vào vaccine có giá rẻ, dễ bảo quản.

Các chuyên gia tin rằng vaccine sẽ đóng vai trò quan trọng trong ngăn chặn lây nhiễm, giảm nguy cơ nhập viện và tử vong, đồng thời ngăn virus đột biến. Giai đoạn tiếp theo sẽ rất quan trọng để thế giới tránh một làn sóng dịch khác.

Bruno Ciancio, người đứng đầu bộ phận giám sát dịch bệnh tại Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát Dịch bệnh châu Âu, cho biết: "Chúng ta có một cơ hội nhỏ khi số ca nhiễm mới đang giảm dần. Ta phải duy trì các biện pháp y tế công cộng đã có và tiêm chủng cho càng nhiều người càng tốt".

Biểu đồ biểu thị số ca nhiễm nCoV trung bình mỗi ngày. Ảnh: New York Times.
 

Biểu đồ biểu thị số ca nhiễm nCoV mỗi ngày. Ảnh: New York Times.

Mai Dung (Theo New York Times 

tin tức liên quan