Nữ đại gia giàu nhất Việt Nam có thêm hơn 600 tỷ đồng trong 1 ngày
Nguồn: Báo Điện tử Dân Trí
Thị trường tiếp tục giằng co rất căng thẳng, nhà đầu tư quay cuồng với diễn biến giá của cổ phiếu. Trong khi đó, cổ phiếu hàng không hồi phục, VJC tăng mạnh mang về cho bà Phương Thảo hơn 600 tỷ đồng.
"Tàu lượn siêu tốc" VN-Index trong phiên hôm qua (25/2) một lần nữa lại cho nhà đầu tư trải nghiệm cảm giác mạnh, đứng ngồi thấp thỏm không yên.
Chỉ số hết tăng lại giảm, hết giảm lại tăng, rung lắc liên tục quanh ngưỡng tham chiếu 1.164 điểm. Đến cuối phiên, VN-Index khiến nhà đầu tư được thở phào khi kết thúc với trạng thái tăng 3,42 điểm tương ứng 0,29% lên 1.165,43 điểm.
Trên sàn HNX, chỉ số HNX-Index bật tăng từ đầu phiên sáng và duy trì được mức tăng ấn tượng 8,31 điểm, tương ứng 3,5% lên 246,2 điểm. UPCoM-Index tăng 0,26 điểm, tương ứng 0,34% lên 76,48 điểm.
Thanh khoản thị trường đạt 15.838,3 tỷ đồng tổng khớp lệnh, giảm 14,1% so với phiên 24/2. Trong đó, trên HSX là 13.165,3 tỷ đồng; HNX là 1.912,1 tỷ đồng và trên UPCoM là 761 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận cũng giảm 29,2% so với phiên trước, đạt 913,5 tỷ đồng và chiếm 5,8% tổng giá trị giao dịch.
Rất đáng chú ý là trong phiên 25/2, nhà đầu tư nước ngoài vẫn bán ròng miệt mài, giá trị bán ròng trong phiên ở mức 438,3 tỷ đồng. Trong đó, trên HSX, khối ngoại bán ròng 458,8 tỷ đồng nhưng lại mua ròng 10,43 tỷ đồng trên HNX và 10 tỷ đồng trên UPCoM. Đây là phiên bán ròng thứ 3 liên tục của khối này trên HSX, tổng giá trị 2.400 tỷ đồng.
Tính riêng giao dịch khớp lệnh trên sàn HSX, trong khi nước ngoài bán ròng 472,5 tỷ đồng, tổ chức trong nước bán ròng 204,4 tỷ đồng thì tự doanh lại mua ròng 103 tỷ đồng và nhà đầu tư cá nhân trong nước mua ròng 574 tỷ đồng.
Có thể thấy, trong nhiều phiên vừa qua, sức mua của nhà đầu tư cá nhân (hay là nhà đầu tư nhỏ lẻ) vẫn đang "cân" được thị trường trước áp lực bán ra của nhà đầu tư tổ chức và khối ngoại.
Ở phiên hôm qua, độ rộng thị trường vẫn đang nghiêng về phía các mã tăng giá với 459 mã tăng, 55 mã tăng trần so với 393 mã giảm, 19 mã giảm sàn.
ACB, VIC, GAS, HPG, VJC là những cổ phiếu đang tác động tích cực nhất đến VN-Index, trong khi tình trạng giảm tại VNM, MSN, CTG, BCM là những yếu tố kìm hãm đà hồi phục của thị trường chung.
Khối tự doanh các công ty chứng khoán trong ngày này đã bán ra ACB, TCB, MSN, FPT, REE nhưng tập trung mua vào VRE, GAS, MWG, VPB, LPB. Trong khi đó, khối ngoại lại tập trung mua ròng ở VJC, VHM, GAS, VIC nhưng lại bán ròng tại VNM, PLX, KDH, SSI, DXG, NLG, VCB, HPG.
Nếu quan sát có thể thấy nhà đầu tư nước ngoài và khối tự doanh trong hoạt động mua vào bán ra thường luân chuyển các nhóm cổ phiếu trụ. Hoạt động giao dịch của nhóm này có yếu tố lướt, chốt lời ngắn hạn.
Trong bối cảnh các mã cổ phiếu dao dộng biên độ hẹp thì mức tăng 2,4% lên 135.000 đồng của VJC đáng chú ý. Với mức tăng này, giá trị tài sản của bà Nguyễn Thị Phương Thảo - CEO Vietjet Air cũng tăng thêm 627 tỷ đồng chỉ trong 1 ngày.
Cùng lĩnh vực hàng không, HVN cũng tăng 0,7% lên 29.000 đồng và đây cũng là phiên tăng thứ tư liên tiếp của mã cổ phiếu này, ghi nhận mức tăng 6,42% trong vòng 1 tuần.
Theo nhận định của MBS, phiên tăng nhẹ 25/2 rất ổn về mặt kỹ thuật khi thị trường đang hình thành vùng tích lũy trước đỉnh lịch sử.
Nhìn chung, nhịp tích lũy tính đến thời điểm hiện tại vẫn được xem là lành mạnh. Bối cảnh thị trường quốc tế còn nhiều bất ổn, cộng thêm khối ngoại tiếp tục bán ròng là rào cản lớn cho khả năng quay trở lại đà tăng của thị trường.
Tuy nhiên, dòng tiền có xu hướng dịch chuyển sang nhóm cổ phiếu vốn hóa trung bình (midcap) và vốn hóa nhỏ (smallcap), cho thấy dòng tiền chưa có dấu hiệu rút ra khỏi thị trường. Do đó, góc nhìn về thị trường trong tuần này là cẩn trọng, nhưng không bi quan.
( C. H sưu tầm)