Trong ngôi nhà ở huyện Bắc Sơn, tỉnh Lạng Sơn, con gái anh Tùng, bé Hà Lâm Trúc, cặm cụi vặt lông gà để chuẩn bị bữa tối. Vùng quê nơi Trúc sống chưa có những cửa hàng gà rán, thế nên em phải tự làm món này ở nhà. Vừa làm gà, Trúc vừa nói bằng tiếng Anh trước máy điện thoại, ngữ điệu uyển chuyển.
Việc nói tiếng Anh và tự quay video thuyết trình trở thành hoạt động thường ngày của Trúc. Bối cảnh có thể là phòng khách, phòng học, gian bếp nhỏ hoặc ngoài trời. Khi nút quay trên điện thoại được bật lên, Trúc giống như phát thanh viên.
Cô bé dân tộc Tày sống ở miền quê nghèo, cách thành phố Lạng Sơn khoảng 70 km, đã tự học tiếng Anh với sự đồng hành của bố.
Ở vùng quê hẻo lánh ngày đó, việc phụ huynh kèm con tiếng Anh còn lạ lẫm. Ông bố trẻ bị nhiều người dè bỉu là "hấp". Thấy anh Tùng mất thời gian với việc "vô bổ", mẹ anh thường xuyên xuống "giải cứu" cháu nội.
"Nhưng ai nói gì kệ, tôi vẫn làm, quan trọng là kết quả của con", ngồi trong một quán cà phê ở Hà Nội, anh Tùng từ từ lần giở ký ức ngày đầu cùng con học tiếng Anh.
Lâm Trúc sinh ra ở Hà Nội nhưng hơn một tuổi thì bà nội đón về Lạng Sơn. Suốt 2-3 năm sau đó, anh Tùng sống mất phương hướng. Anh làm việc ở Hà Nội và ít để ý đến con. Một ngày nọ, anh về thăm, cô bé không nhận ra bố.
"Tôi không đành lòng thấy con như vậy. Nhìn con của bạn bè giỏi giang, trong khi con mình ở quê, lại thiếu sự quan tâm của bố, nếu tôi sống mãi thế này thì con gái sẽ ra sao?", ông bố lắc đầu, chậm rãi nói từng từ để kìm nén cảm xúc.
Tự xốc lại mình, ông bố đọc sách về nuôi dạy con, tham gia hội nhóm học hỏi câu chuyện thành công. Anh muốn con gái sử dụng thành thạo ngoại ngữ, mạnh mẽ, độc lập và tự tin. Ở quê không có trung tâm tiếng Anh, giáo viên còn nhiều hạn chế nên anh quyết định học cùng con. Mông lung không biết bắt đầu từ đâu, anh đến các trường quốc tế để xem mô hình và phương pháp dạy học.
Thời gian đầu, Lâm Trúc chưa quen nên sợ học, còn bố dễ nổi cáu vì nhắc nhiều lần con không nhớ, phát âm không chuẩn. Con không hợp tác, lại thêm tác động từ bên ngoài khiến anh Tùng chán, nhiều lần tính bỏ cuộc, tự hỏi mình có quá ích kỷ với con không?
Anh ví việc dạy con những ngày đầu giống như "dắt ốc sên đi dạo" vì luôn phải dụ con học. Anh cho con xem các chương trình trẻ em trên YouTube, nghe bài hát tiếng Anh và dần dần làm quen với phần mềm dạy phát âm.
Không ở gần con nhưng tối nào bố Tùng cũng gọi điện thoại giao bài tập và kèm cặp. Anh tạo lịch làm việc từng ngày và con gái phải báo cáo kết quả vào cuối ngày. Cuối tuần, anh từ Hà Nội về Lạng Sơn để học cùng con, đánh giá kết quả bằng cách dựa vào bài mẫu và xem con hiểu được đến đâu.
Tuy nhiên, việc dạy con từ xa của anh Tùng vẫn chưa được người thân ủng hộ, khiến Lâm Trúc chưa thực sự tập trung. Có lần, anh phải về Lạng Sơn liên tục trong tháng để rèn con vào nếp. Anh nhận ra việc quát nạt là phản tác dụng, nếu có học, bé cũng không vui và cảm thấy bị ép buộc. Anh nghĩ ra cách đặt kỷ luật mềm, có thưởng, phạt rõ ràng khiến Lâm Trúc hứng thú hơn.
Anh nuôi dưỡng thói quen nói tiếng Anh của con bằng những cuộc trò chuyện qua điện thoại của hai bố con hàng ngày. Từ những chia sẻ, bố Tùng lồng ghép câu chuyện, tấm gương để truyền cho con cảm hứng học tập. Hai bố con vì thế gần gũi nhau hơn. Với Lâm Trúc, bố Tùng vừa là bố, vừa là thầy và vừa giống như một người bạn. Hai bố con xưng hô "you - me" hay "ông - tôi".
Nhìn thấy sự tiến bộ ở con, anh Tùng biết mình đi đúng hướng. Khi con đã có thể nói được những câu cơ bản và tự thuyết trình trước điện thoại, anh nghĩ đến việc phải tìm cách khác vì không thể dạy mãi. Cách tốt nhất là gặp Tây.
Chưa từng tiếp xúc người nước ngoài nên lần đầu tiên gặp hai du khách ở chợ quê, Lâm Trúc sợ. Nghe anh Tùng nói ý định muốn cho con rèn luyện tiếng Anh, vị khách nở nụ cười, cúi xuống thấp để hỏi chuyện Lâm Trúc.
Sau lần ấy, anh Tùng giải thích cho con việc cúi xuống ngang tầm mắt người đối diện để nói chuyện là hành động lịch sự của người nước ngoài. Anh cũng giúp con tích lũy kiến thức về lịch sử, văn hóa, phong tục tập quán và hướng dẫn bé kỹ năng giao tiếp để tự tin hơn khi gặp du khách đến Bắc Sơn.
Muốn con có nhiều cơ hội rèn luyện, anh trao đổi với chủ homestay ở địa phương, nói có khách nước ngoài thì gọi Trúc đến trò chuyện. Sau vài lần bỡ ngỡ, Lâm Trúc trở thành hướng dẫn viên du lịch cho các đoàn khách ở homestay. Nhiều vị khách ở Pháp, Đức, Australia giờ trở thành bạn và thường gửi quà cho Trúc.
"Trúc hay dẫn khách đi thăm chợ nên ở đó, ai cũng biết bà ấy. Ông bà nội bán hàng ở chợ cũng thấy hãnh diện", anh Tùng nở nụ cười, gương mặt giãn ra, đôi mắt ánh lên niềm tự hào.
Mùa hè năm Lâm Trúc 8 tuổi, anh Tùng đưa con xuống Hà Nội. Biết con thích kem Tràng Tiền, anh mua những con thú nhỏ để con đi bán dạo quanh Hồ Gươm và đặt chỉ tiêu nói chuyện với 5-10 người nước ngoài sẽ được bố thưởng kem. Ban đầu, Trúc ngại, cần bố hỗ trợ, nhưng sau đó chủ động bắt chuyện du khách.
"Tôi đứng từ xa quan sát con. Nếu gặp vị khách nói tốt, Trúc sẽ ngồi rất lâu; nếu không buổi nói chuyện sẽ nhanh chóng kết thúc. Hết mùa hè ấy, Trúc tự tin hẳn", anh Tùng nói.
Từ đó, anh đưa con xuống Hà Nội mỗi cuối tuần để con có cơ hội nói tiếng Anh và làm thiện nguyện. Năm ngoái, trong một lần đến Hồ Gươm, Lâm Trúc tình cờ gặp và trò chuyện cùng đại sứ Mỹ tại Việt Nam, ông Daniel J. Kritenbrink, khi ông đang đi bộ ở đây. Ông Daniel ngạc nhiên trước khả năng tiếng Anh của Trúc.
Anh Tùng dẫn con gái đến làng trẻ SOS để nuôi dưỡng sự đồng cảm, sẻ chia trong con. Hàng tháng, Trúc đều đặn gửi tiền tiết kiệm xuống ủng hộ làng trẻ.
Không chỉ tiếng Anh, Lâm Trúc còn mê nhảy, lồng tiếng cho phim hoạt hình, đọc rap bằng tiếng Anh và thích xuất hiện trước ống kính. Cô bé tự học nhảy từ các video trên mạng, tự thực hiện video thuyết trình bằng điện thoại.
Ở trường, Trúc học tốt nhất môn tiếng Anh và luôn đạt học sinh xuất sắc. Cô bé cũng giúp bạn cùng lớp và các em gần nhà học ngoại ngữ. Ngoài giờ học ở trường, Trúc học online chương trình của trường Phổ thông Trực tuyến Mỹ Ivy Global School nhờ học bổng toàn phần.
"Tôi không tin mình đã làm được, là giúp con gái trở thành một Lâm Trúc hiện tại: tự tin, tiếng Anh ổn và giành học bổng của trường quốc tế Mỹ tại Việt Nam. Sang năm lớp 6, con muốn về Hà Nội học để gần bố và hy vọng đỗ vào một trường quốc tế nào đó", anh Tùng nói.
Bình Minh