Chính quyết định bán búp hoa thanh long là một hình thức để góp phần điều tiết sản lượng thanh long ngay từ đầu, mà không phải mất chi phí, vì lưu kho lạnh…
Hoa thanh long hút hàng
Mùa chong điện năm nay, có lúc giá búp hoa thanh long mà các thương lái mua đã lên 6.000 – 7.500 đồng/kg, loại búp có độ dài 20 - 25 cm với 4 búp/kg; còn hoa thanh long giá thấp nhất cũng dừng ở 4.000 đồng/kg. Trong khi đó, giá trái thanh long lại thường xuyên nằm từ 4.000 – 5.000 đồng/kg, có lúc mới lên được 7.000 - 8.000 đồng/kg, dù là vào dịp tết và khi hết hàng, giá mới băng qua khoảng 15.000 đồng/kg.
Kết lại, mùa chong đèn năm nay, người trồng thanh long trong tỉnh Bình Thuận bị lỗ hết đợt này đến đợt khác, phá vỡ quy luật tưởng rằng đã thành lệ trong sản xuất thanh long lâu nay là mất lần này sẽ được bù lần khác.
Không còn yếu tố may rủi cao, vốn từng khích lệ những ai tích lũy nhiều kinh nghiệm trong theo dõi giá thanh long biến động, thăm dò thời tiết đánh đèn cho trái trái vụ thành công sẽ trúng lớn. Chỉ có một thực tế, thị trường ăn trái thanh long đã không còn nhộn nhịp như trước, vì nhiều lý do, trong đó có liên quan đến dịch Covid-19.
Nhưng cũng trong thời gian trên, thị trường, chủ yếu là Trung Quốc, Đài Loan, Malaysia lại quan tâm nhiều đến sản phẩm búp hoa thanh long.
Không chỉ thế, các nhà hàng ở TP.HCM cũng bắt đầu lên thực đơn với nhiều món nấu từ búp hoa thanh long, với tên gọi rất hoàng tộc là hoa bá vương. Do vậy, búp hoa thanh long tăng giá trong thời gian qua là tất yếu.
Lý do có thể thấy rất rõ qua những món ăn mà các đầu bếp người Tàu chế biến từ búp thanh long ra với mục đích mang lại sức khỏe cho người dùng.
Thường từ thành phẩm búp thanh long đã được xẻ, sấy khô, các đầu bếp sẽ nấu các món lẩu hoặc canh với tác dụng giải độc, giải cảm, tăng sức đề kháng cho cơ thể.
Trong bối cảnh dịch Covid-19 này, đó là những món ăn được chú ý nhiều, vì nó tốt cho sức khỏe. Như món canh dùng búp hoa thanh long khô nấu với chân gà hoặc xương heo với lửa nhỏ suốt 2 - 3 tiếng đồng hồ sẽ tạo ra món canh rất bổ, thanh nhiệt giải độc, tốt cho những người hay hút thuốc.
Hay món búp hoa thanh long kho tiêu cùng nấm mỡ, món lẩu búp hoa thanh long cùng hải sản với cánh bông mềm dẻo, thân bông giòn sần sật, phần vỏ xanh ngoài cùng hơi nhơn nhớt tựa như đọt mồng tơi…
Ngắt bán hoa thanh long-Lưỡng lự và giá như
Video Player is loading.
Cũng trong mấy tháng qua, khi giá trái thanh long bán ra không đủ chi phí, nhiều nhà vườn đã tiếc rẻ theo hướng giá như hơn 2 tháng trước biết giá sẽ như vậy thì ngắt búp hoa thanh long bán lấy 6.000 - 7.500 đồng/4 búp có phải tốt cả đôi đường. Thứ nhất là bán hoa thanh long có lời, vì búp hoa thanh long chỉ ở trên cây khoảng 20 ngày, từ khi dây nảy búp nhỏ bằng hạt bắp nên cũng chỉ tốn 2 lần bón phân NPK. Trong khi để có trái thanh long chín phải chờ thêm 2 tháng 10 ngày nữa, tức trải qua thêm 2 lần bón phân khác cùng rất nhiều chi phí qua mướn công, phun xịt thuốc như lựa búp, rút râu, vuốt tai…mà cũng thu về chỉ chừng ấy tiền/kg, kèm theo dây thanh long bị mất sức cần phải bón phân bồi bổ liền sau khi thu hoạch để có thể tiếp tục lứa khác. Nhưng nếu thu không đủ chi trả nợ nần thì chuyện tiếp tục lứa khác trên là không thể. Phần lớn nhà vườn thanh long tỉnh Bình Thuận đang rơi vào cảnh này nên vườn cây hanh long càng ngày càng mất sức. Từ đây nghĩ đến vấn đề thứ hai, đó là nếu bán búp hoa thanh long thì trong 2 tháng 10 ngày ấy, dây thanh long không mất sức, chuyện chăm sóc cây thanh long cũng đỡ chi phí hơn.
Điều đáng nói, so sánh trên mới nảy sinh trong suy nghĩ của dân trồng thanh long, vì việc tính toán bán búp hoa thanh long hay bán trái thanh long đã được người trồng rạch ròi từ mấy năm qua, kể từ khi các thương lái rao mua búp hoa thanh long.
Đó là chỉ bán búp hoa thanh long vào vụ thuận, tức từ tháng 5 đến tháng 9 hàng năm, do dây ra rất nhiều nụ và người dân không lưỡng lự, vì biết giá trái thanh long không cao, có khi ngang hoặc thấp hơn giá bán búp hoa.
Còn vụ nghịch, tức phải chong điện, từ tháng 9 đến tháng 4 năm sau thì phần lớn là không bán búp hoa thanh long, vì tin là vụ nghịch sản lượng ít, giá thanh long sẽ cao. Nhưng thực tế, vụ nghịch năm nay giá trái thanh long đã cho thấy không như thế.
Nên “chia trứng nhiều giỏ”
Theo cách bán của nông dân nên vào thời gian hàng mùa, các cơ sở sấy búp hoa thanh long hoạt động liên tục cả ngày lẫn đêm, vì nguyên liệu mua về rất nhiều, có khi dư phải bỏ, do kho lạnh không tải hết.
Nhưng sang thời gian hàng điện thì việc mua búp hoa thanh long rất ít, rải rác, dồn góp nhưng cũng không đủ công suất để sấy khô, khiến các cơ sở bị thiếu nguyên liệu trầm trọng.
Do vậy, thị trường búp hoa thanh long sấy khô vốn dĩ hút hàng ngay cả trong vụ thuận nên càng thêm khan hiếm hàng trong vụ nghịch. Nhưng các cơ sở trên không có cách nào khác, ngoài ngưng hoặc hoạt động cầm chừng, chờ sang vụ mùa chính.
Trong khi đó, ngay cả các sản phẩm chế biến từ trái thanh long cũng đang lúng túng đầu ra, vì chỉ đang tiêu thụ nội địa.
Do vậy, dù 6 cơ sở chế biến thanh long, với tổng năng lực chế biến vào khoảng 182.000 tấn, chiếm 29,26% tổng sản lượng thanh long của tỉnh Bình Thuận nhưng thực tế lượng thanh long đưa vào chế biến hàng năm rất thấp.
Do đó, một trong những giải pháp phát triển thanh long bền vững được các đơn vị chuyên môn đưa ra là khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp lớn đầu tư kho bảo quản dự trữ thanh long, nhằm điều tiết sản lượng thanh long cung cấp ra thị trường…
Theo phân tích của những người quan tâm đến cây thanh long, với giá búp hoa thanh long cao ngang trái vừa qua, đang thấy rõ cả cơ hội lẫn thách thức từ thị trường này. Đó là cơ hội giúp củng cố, tạo thương hiệu cho mặt hàng mới từ búp hoa thanh long, có thể quan tâm thực hiện chỉ dẫn địa lý tương tự như trái thanh long Bình Thuận.
Nhưng thách thức cũng đặt ra bài toán trong vụ nghịch là lứa nào để trái bán, lứa nào bán búp thanh long, khi mà việc dự đoán thị trường sản phẩm này lâu nay xem như bế tắc. Vì vậy, quyết định khôn ngoan trong hoàn cảnh thị trường thanh long hiện nay vẫn nên theo hướng “chia trứng nhiều giỏ”.
Tức khi thấy giá búp hoa đang cao thì có thể chia diện tích vườn cây ra để vẫn thu tiền sớm nhưng cũng không mất cơ hội bán trái chín. Nếu giá trái không cao thì tiền mất sẽ ít, ngược lại giá trái cao thì cũng không phải chi tiền ra nhiều để tái đầu tư cho cả vườn. Chính quyết định bán búp hoa thanh long là một hình thức để góp phần điều tiết sản lượng thanh long ngay từ đầu, mà không phải mất tiền lưu kho lạnh…
Theo thống kê chưa đầy đủ, hiện trên địa bàn tỉnh Bình Thuận có 4 cơ sở sấy khô búp hoa thanh long. 1 ở Tân Thuận - Hàm Thuận Nam và 3 ở Hàm Thuận Bắc, tập trung trên tuyến quốc lộ 28, trong đó có 1 cơ sở tại Hàm Thuận Bắc bị UBND tỉnh đình chỉ hoạt động, do gây tiếng ồn trong khu dân cư. Để sấy búp hoa thanh long đã xẻ từ tươi sang khô phải mất đến 28 tiếng đồng hồ, ở nhiệt độ từ 0 độ đến 65 độ C và cứ 10 kg tươi sẽ cho ra thành phẩm 1 kg khô xuất khẩu.