Tên tuổi hai đại gia mới lộ túi tiền vượt 1 tỷ USD
Nguồn: Báo Điện tử Vietnamnet
Ông Nguyễn Văn Đạt, Chủ tịch Bất động sản Phát Đạt, trở thành người mới nhất lọt danh sách sở hữu lượng cổ phiếu trị giá 1 tỷ USD. Trước đó, ông Bùi Thành Nhơn cũng lọt danh sách này.
Tỷ phú USD mới trên sàn
Thị trường chứng khoán tuần qua tiếp tục chứng kiến dòng tiền đổ vào và nhiều cổ phiếu tăng mạnh. Hàng loạt tỷ phú mới xuất hiện. Ông Nguyễn Văn Đạt, Chủ tịch CTCP Bất động sản Phát Đạt (PDR), vừa trở thành người mới nhất lọt danh sách sở hữu lượng cổ phiếu trị giá 1 tỷ USD trên sàn chứng khoán.
Cổ phiếu Phát Đạt nằm trong nhóm cổ phiếu ngành bất động sản tăng trưởng tốt nhất kể từ giữa năm ngoái, gấp gần 5 lần. Thị giá cổ phiếu PDR đóng cửa phiên giao dịch 11/6 ở mức 87.400 đồng.
Năm 2020, Phát Đạt ghi nhận doanh thu 3.911 tỷ đồng, lợi nhuận ròng 1.220 tỷ đồng. Công ty đặt kế hoạch năm nay lần lượt ở mức 4.700 tỷ đồng và 1.868 tỷ đồng, tiếp tục chuỗi tăng trưởng trong nhiều năm.
|
Tỷ phú Nguyễn Văn Đạt |
Tính giá trị cổ phiếu nắm giữ, ông Đạt đang là người giàu thứ 6 Việt Nam, xếp sau ông Phạm Nhật Vượng - Chủ tịch Vingroup, ông Trần Đình Long - Chủ tịch Hòa Phát, ông Bùi Thành Nhơn - Chủ tịch Novaland, ông Hồ Hùng Anh - Chủ tịch Techcombank, ông Nguyễn Đăng Quang - Chủ tịch Masan và xếp trên bà Nguyễn Thị Phương Thảo - Tổng giám đốc Vietjet.
Một tỷ phú USD mới, ông trùm bất động sản phía Nam Novaland Bùi Thành Nhơn tiếp tục có những động thái đẩy mạnh đế chế Novaland sau khi doanh nghiệp này đạt những kết quả kinh doanh ấn tượng và giá cổ phiếu lên đỉnh cao lịch sử.
Với đà tăng cổ phiếu thời gian qua, ông Nhơn cũng có tài sản vượt 1 tỷ USD. Đây là lần thứ 2 ông Nhơn đạt mốc này trong những năm qua.
NVL tăng chóng mặt trong thời gian vừa qua và lên đỉnh cao lịch sử: trên 140.000 đồng/cp. Việc chia tách sẽ khiến thị giá cổ phiếu NVL giảm xuống và cơ hội tăng giá tiếp là khá lớn. Trước đó, cổ phiếu Novaland đã tăng mạnh từ dưới 80.000 đồng/cp hồi đầu tháng 4 và có lúc lên tới 142.000 đồng/cp vào giữa tháng 5. Cổ phiếu này được kỳ vọng lên tới 150.000-160.000 đồng.
Một tên tuổi khác mới nổi gần đây là ông Nguyễn Đức Thụy - Bầu Thụy. Cổ phiếu THD của Thaiholdings đang khiến giới đầu tư quan tâm. THD là một trong những cổ phiếu có thị giá cao nhất thị trường. Sau chuỗi tăng điểm 13 phiên liên tiếp, đến phiên 7/6 đã quay đầu giảm điểm, THD đóng cửa ngày giao dịch 10/6 ở mức 193.000 đồng/cổ phiếu - với thị giá này, vốn hóa công ty đạt xấp xỉ 67.550 tỷ đồng. Điều này giúp ông Thuỵ đang trên đà tiến tới mốc tài sản đạt 1 tỷ USD
Ông Thuỵ còn tham gia vào lĩnh vực ngân hàng. Theo thông báo của Ngân hàng Bưu điện Liên Việt, từ ngày 8/6 đến 8/7, ông Nguyễn Đức Thụy, Phó chủ tịch HĐQT ngân hàng, đăng ký mua vào 32,54 triệu cổ phiếu LPB để nâng tỷ lệ sở hữu ở LPB lên 4,92%.
Đồng thời, em trai của ông Thụy là Nguyễn Xuân Thủy cũng đăng ký mua vào 1 triệu cổ phiếu LPB cùng thời gian. Như vậy, tổng cộng anh em Bầu Thụy sẽ mua vào hơn 33,5 triệu cổ phiếu LPB.
Còn tại Hoà Phát, tỷ phú Trần Đình Long tiếp tục ghi nhận tài sản tăng thêm nhờ giá cổ phiếu tăng. Về cơ cấu cổ đông hiện nay, Chủ tịch Trần Đình Long đang là cổ đông lớn nhất sở hữu 864 triệu cổ phiếu, tương đương 26,08% vốn điều lệ HPG.
Gia đình ông Long đang gia tăng sở hữu số cổ phiếu tại Hoà Phát. Ông Trần Vũ Minh, con trai Chủ tịch Trần Đình Long muốn mua thêm 5 triệu cổ phần, đưa tổng tỷ lệ sở hữu của cả gia đình vượt 35%. Giao dịch dự kiến diễn ra từ 21/5 đến 18/6 theo phương thức khớp lệnh hoặc thỏa thuận.
Hiện, vợ ông Long là bà Vũ Thị Hiền đang nắm giữ 243,06 triệu cổ phần, tương đương 7,34% vốn và là cổ đông lớn thứ 2. Con trai là Trần Vũ Minh nắm giữ 48 triệu đơn vị. Công ty riêng của ông Minh (Công ty TNHH Thương mại và Đầu tư Đại Phong) có 1,56 triệu cổ phiếu HPG.
Một tuần lao đao của nhà đầu tư
Từ đầu tháng 6, nhà đầu tư không chỉ chứng kiến biến động của thị trường chứng khoán mà còn ghi nhận cả những sự cố giao dịch trên HoSE khi nghẽn lệnh diễn ra thường xuyên. Ông Lê Hải Trà, Tổng giám đốc HoSE, lý giải nguyên nhân dẫn tới sự cố này đến từ lượng lệnh và thanh khoản vào sàn quá lớn. Vị lãnh đạo HoSE cho biết những phiên trước đó, khi thanh khoản và số lượng lệnh tăng cao đã tạo áp lực rất lớn cho hệ thống.
Tình trạng nghẽn hệ thống đã kéo dài nhiều tháng qua. Nhiều nhà đầu tư cho biết họ thiệt hại lớn. Sự ức chế của các nhà đầu tư bao trùm trên mạng xã hội và các diễn đàn chứng khoán khi sàn giao dịch chứng khoán TP.HCM (HoSE) bị đơ, giật và loạn giá.
Trước phản ứng dữ dội từ các nhà đầu tư và tình trạng nghẽn lệnh ngày càng nghiêm trọng, Bộ Tài chính đã ra quyết định thanh tra hành chính khẩn với HoSE.
|
Bộ trưởng Hồ Đức Phớc: Tháng 7 sẽ hết nghẽn lệnh trên HOSE |
Trao đổi với báo chí về các giải pháp triệt để khắc phục tình trạng nghẽn lệnh giao dịch chứng khoán trên Sở GDCK TP. Hồ Chí Minh (HOSE) hiện nay, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc khẳng định: Các bên đang tích cực và nỗ lực cao nhất hoàn thành dự án hệ thống giao dịch mà HOSE phối hợp với FPT xây dựng, để đưa vào vận hành đầu tháng 7.
Cổ đông độc nhất vô nhị
Cổ đông độc nhất vô nhị trên TTCK đang có số tiền khủng là Công đoàn của Rạng Đông. Cổ phiếu RAL vẫn đứng thứ hai về thị giá trên thị trường chứng khoán, thanh khoản duy trì đều đặn vài chục nghìn cổ phiếu khớp lệnh mỗi phiên. Giá cổ phiếu Rạng Đông cao ngất ngưởng, xấp xỉ 200.000 đồng.
Công ty này đang có kế hoạch phát hành thêm 11 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu (tỷ lệ 91,1%). Mục đích của việc tăng vốn này là chuẩn bị nguồn lực đầu tư dự án nhà máy mới tại Hòa Lạc, tổng mức đầu tư lên tới 2.700 tỷ đồng.
Rạng Đông xác định thu về tối thiểu 1.210 tỷ đồng từ thương vụ phát hành này. Trong đó, cổ đông lớn nhất là Công đoàn Rạng Đông sẽ phải bỏ ra ít nhất 500 tỷ đồng nếu quyết định mua. Đây là số tiền không hề nhỏ.
Không chỉ có hoạt động kinh doanh tăng trưởng mạnh, Rạng Đông còn là doanh nghiệp trả cổ tức bằng tiền cao hàng đầu trên sàn chứng khoán (khoảng 50% mỗi năm).
Trong quý I/2021, RAL ghi nhận doanh thu đạt 1.532,2 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 110 tỷ đồng, lần lượt tăng 38,4% và 45,9% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, biên lợi nhuận gộp giảm từ 31,9% về còn 29,7%.
Tiền nhiều góp sức cùng đất nước
Tuần qua, sau khi quỹ vắc xin Covid-19 ra mắt. Quỹ được vận động và tiếp nhận các khoản tài trợ, hỗ trợ, đóng góp tự nguyện bằng tiền, vắc xin;... được sử dụng các nguồn tài chính của quỹ để tài trợ, hỗ trợ cho hoạt động mua, nhập khẩu vắc xin.
Ngay sau đó, hàng loạt các tỷ phú, mạnh thường quân đã ủng hộ số tiền lên tới hàng trăm tỷ đồng như Vingroup, Sụn Group, Sovico, Golf Long Thành,...
Theo số liệu cập nhật của Ban Quản lý Quỹ Vắc xin phòng Covid-19, số dư Quỹ vắc xin phòng, chống Covid-19 tính đến 17h00 ngày 12/6 là 4.845 tỷ VND (đã bao gồm ngoại tệ quy đổi).
( C. H sưu tầm)