Abdala, vaccine Covid-19 do Cuba tự phát triển, đã được triển khai tiêm chủng khắp thủ đô Havana dựa trên công nghệ đã qua chứng minh về độ an toàn.
Đầu tuần này, phòng thí nghiệm BioCubaFarma của Cuba tuyên bố vaccine Abdala đạt hiệu suất trong phòng ngừa Covid-19 tới 92,28% khi áp dụng liệu trình ba mũi tiêm. Con số này vượt xa mức sàn 50% do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đặt ra đối với vaccine ứng phó virus và dịch bệnh. Tuy nhiên, thông báo ban đầu của BioCubaFarma không nêu cụ thể hiệu suất công bố xét trên phương diện ngừa lây nhiễm, phát bệnh hay tử vong.
Trước đó hai ngày, Cuba cũng tuyên bố Soberana 2 đạt hiệu quả 62% sau hai mũi tiêm đầu. Vaccine cũng do Cuba phát triển với liệu trình ba mũi tiêm và đang được lưu hành trên quy mô toàn quốc để khống chế bùng phát Covid-19.
Idania Caballero, nhà nghiên cứu dược học tại BioCubaFarma, lưu ý toàn bộ vaccine Covid-19 ở Cuba được phát triển dựa trên hàng thập kỷ thành tựu y khoa và đã chứng tỏ hiệu quả với bệnh truyền nhiễm. Ngay cả trong giai đoạn đại dịch Covid-19 bùng phát, tỷ lệ tử vong vì các dạng bệnh truyền nhiễm ở Cuba vẫn dưới 1%. Quốc gia vùng Caribe cho tiêm ngừa toàn dân bằng 11 loại vaccine ứng phó 13 căn bệnh truyền nhiễm, trong đó đến 8 vaccine do họ tự sản xuất.
"Có 6 căn bệnh đã được triệt tiêu hoàn toàn ở Cuba nhờ chương trình vaccine. Vaccine sản xuất bằng những công nghệ này đã được áp dụng cho cả trẻ sơ sinh trong vài tháng đầu đời", bà lưu ý.
Theo John Kirk, chuyên gia về Mỹ Latin và chủ nghĩa quốc tế y học tại Cuba, các lệnh cấm vận từ Mỹ khiến con đường phát triển vaccine Covid-19 ở đảo quốc láng giềng thêm cam go. Việc hợp tác với công ty nước ngoài trở nên khó khăn. Bất kỳ doanh nghiệp nào mua bán với Cuba và sử dụng đồng USD đều chịu rủi ro nhận đơn kiện từ chính phủ Mỹ. Thách thức lớn nhất là nguồn cung vật tư y tế như ống tiêm và lọ đựng vaccine.
Trung tâm Thiết kế Di truyền và Công nghệ sinh học Cuba (CIGB) khởi động thử nghiệm vaccine Abdala từ tháng 11/2020 với 132 tình nguyện viên từ 19 đến 54 tuổi. Ở giai đoạn hai, CIGB thử nghiệm với 660 tình nguyện viên và mở rộng nhóm tuổi lên 80. Vaccine bước vào thử nghiệm lâm sàng giai đoạn ba từ ngày 18/3 với 48.000 tình nguyện viên.
Trả lời Cuba Debate, Tổng giám đốc CIGB Marta Ayala Avila nhấn mạnh hiệu suất vaccine được thẩm định bởi một đơn vị độc lập là Viện Điều khiển học, Toán và Vật lý Cuba. Việc đánh giá chất lượng vaccine không chỉ áp dụng với nCoV thông dụng, mà còn bao gồm các biến chủng Alpha, Beta và Gamma.
Giải thích trên British Medical Journal, bác sĩ Marlene Ramirez Gonzalez cho biết Cuba sử dụng công nghệ vaccine tiểu thể (sub-unit vaccine) cho Abdala lẫn Soberana 2, cùng một số vaccine khác đang trong giai đoạn phát triển sơ khai. Công nghệ dựa trên protein gai của nCoV, vốn là nhân tố kích thích tạo nhiều kháng thể vô hiệu virus nhất. "Đây là một trong những cách tiếp cận kinh tế nhất. Đây cũng là công nghệ mà Cuba am hiểu sâu sắc và có cơ sở hạ tầng mạnh nhất", bà lưu ý.
Abdala là một trong 5 vaccine Covid-19 đang được phát triển tại Cuba. Họ là quốc gia duy nhất trong khu vực Mỹ Latin đang tự phát triển vaccine, với hai ứng viên đã bước vào cuối giai đoạn ba là Abdala và Soberana 2. Toàn bộ vaccine đều do cơ quan trực thuộc chính phủ phát triển. Khu vực công nghiệp sinh học tại Cuba không có tư nhân tham gia. Dù thiếu tính cạnh tranh, các cơ sở nghiên cứu và phát triển lại có ưu thế chia sẻ nguồn lực, kiến thức dễ dàng, giúp việc triển khai nghiên cứu sang thử nghiệm và ứng dụng được nhanh chóng.
CIGB đặt tên vaccine Abdala dựa theo một bài thơ của nhà cách mạng Cuba và anh hùng dân tộc Jose Marti. Theo Helen Yaffe, chuyên gia về Cuba và Mỹ Latin tại Đại học Glasgow, CIGB phát triển vaccine bằng phương pháp cấy thông tin di truyền vào vi sinh vật đơn bào có mức tiến hóa thấp. Phương pháp này vốn là thế mạnh của CIGB với nhiều năm kinh nghiệm cùng bản thành tích đáng nể. Vaccine ngừa viêm gan siêu vi B do CIBG chế xuất với công nghệ tương tự đã được lưu hành ở Cuba suốt 25 năm.
Giới chuyên gia nhận định Cuba có đủ năng lực vận hành hai dây chuyền vaccine độc lập với hơn 90 triệu đơn vị xuất xưởng mỗi năm, nhưng vẫn duy trì được việc sản xuất các dược phẩm khác cho thị trường trong nước và xuất khẩu. Dù liệu trình tiêm ba mũi có thể tốn nhiều thời gian hơn, vaccine Cuba dùng công nghệ truyền thống nên chỉ cần bảo quản ở nhiệt độ 2-8 độ C và không cần các nước mua thêm thiết bị trữ lạnh đặc biệt.
Trả lời truyền thông Mỹ vào tháng 4, tiến sĩ Vicente Verez Bencomo, giám đốc Viện Vaccine Finlay của Cuba, chia sẻ nước này đang "đánh cược an toàn" khi tự phát triển vaccine bằng công nghệ truyền thống. Tương tự Abdala, vaccine Soberana 2 do cơ quan này phát triển đang chứng tỏ rủi ro thấp khi tiêm chủng và tiềm năng ngày một lớn. Viện Vaccine Finlay, được thành lập vào năm 1991 bởi cố lãnh tụ Fidel Castro, là một trong những cơ sở nghiên cứu có tên tuổi trong ngành y thế giới. Trung tâm nghiên cứu ung thư của viện đang phát triển một loại vaccine thử nghiệm tại Mỹ và nhiều nước khác.
Theo giám đốc Viện Vaccine Finlay, vaccine Cuba được khởi động trễ hơn một số vaccine khác trên thế giới vì nước này muốn chờ đợi để hiểu thêm về virus, cơ chế lây nhiễm tế bào của nCoV. "Chúng ta phải làm cho đúng cách, dù tốn nhiều thời gian hơn. Chúng ta không thể bỏ qua bất kỳ bước nào. Chúng ta chọn phát triển vaccine bằng những phương pháp truyền thống, đòi hỏi thử nghiệm nhiều hơn, bằng chứng nhiều hơn và chỉ dấu về độ an toàn rõ hơn", Vicente Verez Bencomo tái khẳng định trên sóng truyền hình quốc gia vào tháng 5.
Chủ tịch BioCubaFarma, Eduardo Martinez Diaz, đưa ra khẳng định tương tự vào tháng 4. Ông tự tin vaccine do nước này phát triển rất an toàn. Sau khi tiêm hàng nghìn liều, các nhà nghiên cứu chỉ ghi nhận tác dụng phụ rất nhẹ hoặc ở mức vừa phải trong một phần nhỏ tình nguyện viên. Diaz lưu ý cả Abdala và Soberana 2 đã tạo được mức miễn dịch cao sau khi tiêm ngừa, có thể xuất khẩu với giá cả hợp túi tiền hơn cho những nước thu nhập thấp và vừa.
Trước khi có kết quả thử nghiệm lâm sàng giai đoạn ba, chính phủ Cuba vẫn đủ tự tin vào công nghệ vaccine để mở chiến dịch tiêm chủng đại trà từ ngày 12/5 bằng Abdala ở Havana và nhiều địa phương trên cả nước. Chiến dịch nhằm khống chế làn sóng Covid-19 bùng phát sau khi Cuba tái mở cửa hàng không quốc tế vào tháng 12/2020 và ngăn chặn nguy cơ từ những biến chủng nCoV mới.
Theo kế hoạch, tất cả người dân ở thủ đô Havana sẽ được tiêm ít nhất một mũi vaccine Covid-19 trước cuối tháng 6. Khoảng 50% dân số thành phố dự kiến được tiêm hai mũi trong liệu trình ba mũi vaccine. Dự kiến đến cuối tháng 7, toàn thủ đô Cuba hoàn tất liệu trình tiêm ngừa Covid-19.
Phát biểu trước Hội đồng Y tế Toàn cầu (WHA), Bộ trưởng Y tế Cuba Jose Angel Portal Miranda dự tính mở rộng tiêm ngừa 70% người dân cả nước trước cuối tháng 8. Chiến lược can thiệp bằng vaccine đã chứng tỏ lợi ích nhiều hơn rủi ro.
"Một khi hoàn tất mọi thử nghiệm và cấp phép, chúng tôi sẽ tiêm chủng cho toàn dân và đủ sức giúp đỡ những nước khác", ông tuyên bố.
Trung Nhân (Theo AFP/NYTimes)