Virus corona gây đại dịch ở Đông Á cách đây 20.000 năm
Một nhóm nghiên cứu quốc tế phát hiện dịch bệnh do virus corona từng càn quét khu vực Đông Á thông qua phân tích hệ gene của người dân sống tại đó.
Giáo sư Kirill Alexandrov đến từ Liên minh Sinh học Tổng hợp CSIRO-QUT cùng các nhà nghiên cứu đến từ Đại học Arizona, Đại học California San Francisco, và Đại học Adelaide công bố phát hiện về đại dịch cổ đại trên tạp chí Current Biology hôm 24/6. Trong 20 năm qua, có 3 đợt bùng phát dịch nghiêm trọng do virus corona: SARS-CoV gây Hội chứng suy hô hấp cấp tính nặng bắt nguồn từ Trung Quốc năm 2002 và giết chết hơn 800 người, MERS-CoV dẫn tới Hội chứng hô hấp Trung Đông khiến hơn 850 người tử vong và nCoV lây nhiễm Covid-19, khiến 3,8 triệu người chết.
Tuy nhiên, nghiên cứu về quá trình tiến hóa của hệ gene người hé lộ có một đợt bùng phát dịch do virus corona cách đây hàng nghìn năm. "Hệ gene người hiện đại chứa thông tin tiến hóa từ hàng chục nghìn năm. Tương tự như vòng cây, nó cung cấp thông tin về điều kiện mà nó từng trải qua", Alexandrov giải thích.
Trong nghiên cứu, các nhà khoa học sử dụng dữ liệu từ Dự án 1.000 hệ gene, danh mục lớn nhất về biến thể gene người phổ biến, và xem xét những thay đổi ở gene người mã hóa protein tương tác với nCoV. Sau đó, họ tổng hợp cả protein ở người và protein của nCoV mà không sử dụng tế bào sống. Họ nhận thấy các protein này tương tác trực tiếp, hé lộ bản chất của cơ chế mà virus corona sử dụng để xâm nhập tế bào.
Theo Alexandrov, các nhà khoa học vi tính trong nhóm nghiên cứu ứng dụng phân tích tiến hóa đối với bộ dữ liệu hệ gene người nhằm phát hiện bằng chứng tổ tiên của người dân Đông Á từng trải qua đại dịch liên quan tới virus corona, tương tự như Covid-19. Những người Đông Á đến từ khu vực ngày nay là Trung Quốc, Nhật Bản, Mông Cổ, Hàn Quốc, Triều Tiên và Đài Loan.
"Thông qua tìm hiểu kỹ hơn về dịch bệnh do virus cổ đại, chúng tôi có thể nắm được hệ gene của các quần thể người khác nhau thích nghi như thế nào với virus. Nghiên cứu cũng giúp xác định những virus gây dịch bệnh trong quá khứ và có khả năng tái xuất hiện trong tương lai. Điều này cho phép chúng tôi biên soạn danh mục virus có khả năng gây nguy hiểm và phát triển phương pháp chẩn đoán, vaccine và thuốc điều trị trong trường hợp chúng quay trở lại", Alexandrov chia sẻ.
An Khang (Theo Phys.org)