Sau cơn sốt hầm hập, giá đất hiện giờ ra sao?
Nguồn: Báo Điện tử VTC
Sau cơn "sốt" hồi đầu năm, nhiều người tò mò về giá đất tại Hà Nội và nhiều địa phương lân cận.
Theo khảo sát, tại nhiều địa phương, giao dịch đất nền đã chậm lại, cảnh tập trung đông người tấp nập mua bán, đi xem đất đã chấm dứt. Tuy nhiên, giá đất vẫn neo ở mức cao, có chăng chỉ giảm 1 - 2 triệu đồng/m2.
Chưa hạ nhiệt
Đại diện một nhóm các nhà đầu tư bất động sản tại khu vực Cầu Giấy (Hà Nội) cho hay, cả nhóm đã thắng lớn trong "cuộc chơi" đất nền, biệt thự tại Hoài Đức, Đông Anh và Mê Linh, nay đang cất tiền để tìm cơ hội đầu tư khác, bởi tuy giá hiện đã giảm nhưng còn neo ở mức khá cao.
Cụ thể, ở khu vực Hoài Đức, Hà Nội, nhiều căn liền kề/biệt thự tại dự án An Lạc Green Symphony lúc "sốt" có giá 100 triệu đồng/m2, Hado Charm Villas: khoảng 60 triệu đồng/m2, Hinode Royal Park: 65-76 triệu đồng/m2. Đến nay, môi giới vẫn chào bán với giá xấp xỉ, thậm chí nhích lên ở vị trí đẹp.
|
Giá đất vẫn chưa hoàn toàn hạ nhiệt sau cơn sốt. (Ảnh minh họa) |
Tương tự, khu biệt thự Xanh Villa (Thạch Thất) chào bán đất nền từ 31-34 triệu đồng/m2, giá xây dựng 6,5 triệu đồng/m2. Theo môi giới, mức giá này cao hơn so với thời điểm "sốt nóng" khoảng 1-2 triệu đồng/m2.
Hay tại Bắc Giang, Hưng Yên, Bắc Ninh,...những điểm nóng trong cơn sốt đất đầu năm 2021 vừa qua, hiện các giao dịch chững lại, nhưng giá thì gần như không giảm, chỉ xảy ra tình trạng cắt lỗ ở những nhà đầu tư nhỏ lẻ, vốn mỏng.
Báo cáo thị trường quý II/2021 vừa công bố của kênh thông tin Batdongsan.com.vn cho thấy, do tác động của COVID-19, hầu hết loại hình bất động sản trong tháng 5 đều có xu hướng suy giảm lượt quan tâm, đặc biệt là đất nền. Mức độ quan tâm đất nền của các địa phương giảm sâu gồm Bắc Giang (49%), Bắc Ninh và Hà Nam (46%), Vĩnh Phúc (38%)…
Tuy nhiên, theo báo cáo của Savills Hà Nội, trong quý II/2021, giá sơ cấp trung bình của biệt thự đạt 4.907 USD/m2, tăng 10% theo quý và 3% theo năm; giá trung bình của nhà liền kề là 5.173 USD/m2, tăng 11% theo quý và 16% theo năm.
Giá sơ cấp trung bình của các loại hình bất động sản Hà Nội đều tăng trong quý này, với mức tăng hơn 20% tại một số dự án ở quận Hoàng Mai, huyện Đông Anh và Hoài Đức. Tính chung, trong vòng 5 năm vừa qua, giá chào bán thứ cấp của biệt thự/nhà liền kề đã tăng khoảng 7% mỗi năm.
Bên cạnh đó, giá của nguồn cung tồn không có sự thay đổi đáng kể qua các quý. Tuy nhiên, nguồn cung mới tại các giai đoạn sau đều có sự tăng giá, cao nhất ở những dự án có tốc độ hấp thụ tốt. Các chủ đầu tư chia dự án thành nhiều khu để xây dựng nhằm tăng giá trị và gia tăng mức giá.
Ông Nguyễn Quốc Anh, Phó tổng giám đốc Batdongsan.com.vn nhận định, hiện tượng này là xu hướng diễn ra tất yếu sau giai đoạn "sốt nóng" của đất nền.
Khó giảm sâu
Lý giải về hiện tượng giá bất động vẫn còn cao ngất ngưởng, chuyên gia cho rằng trong "cơn sốt" quý I, nhiều nhà đầu tư cá nhân tham gia thị trường khiến giá đất nền đã tăng lên ngưỡng cao. Từ nửa cuối tháng 4, thị trường bắt đầu hạ nhiệt, giá chững và nhu cầu giảm. Sang tháng 5, thị trường gặp khó do dịch bệnh bùng phát trở lại, khiến sự quan tâm có sự dịch chuyển. Tuy nhiên, bất động sản vẫn là kênh đầu tư trú ẩn an toàn và hấp dẫn, nên giá không thể giảm sâu hơn.
Bên cạnh đó, thị trường trong quý II cũng có tín hiệu tích cực. Trong tháng 5, số lượng doanh nghiệp bất động sản mới tiếp tục tăng 60,4% so với cùng kỳ năm trước, báo hiệunhững tín hiệu tích cực về sự hồi phục thị trường.
Việc dòng tiền đổ mạnh vào chứng khoán cũng báo hiệu thời điểm tốt để doanh nghiệp bất động sản đón dòng vốn vào thị trường khi dịch được kiểm soát.
Còn theo ông Nguyễn Văn Đính - Tổng thư ký Hội môi giới bất động sản Việt Nam - đến nay "cơn sốt" đã được kiềm chế. Tuy nhiên, nói thị trường xuống giá hay chưa thì chưa thể đánh giá được vì không ghi nhận giao dịch.
Cũng theo ông Đính, hiện giá bất động sản nhiều nơi đang không phản ánh đúng giá trị thực. Do đó, vị chuyên gia khuyến cáo các nhà đầu tư cần chú ý đến việc định giá sản phẩm để xác định giá đầu tư phù hợp với thị trường.
Ông Matthew Powell, Giám đốc Savills Hà Nội cho rằng, hiện tượng tăng giá đất, về bản chất, sẽ dẫn tới việc thị trường cần thời gian nhất định để cân bằng lại giữa cung và cầu thật, có thể xác lập một nền giá mới, làm nên dư địa phát triển cho các địa phương và tỉnh thành. Và tại những thị trường mà đã phát sinh giao dịch với giá tăng cao thì việc điều chỉnh lại về mức giá cân bằng sẽ mất nhiều thời gian hơn.
“Bất động sản, đặc biệt là bất động sản nhà ở vẫn luôn là kênh đầu tư dài hạn hấp dẫn, một trong những phương án đa dạng hóa kênh đầu tư của các nhà đầu tư. Nhưng chúng ta vẫn cần lưu ý về việc cân nhắc giá trị của kênh đầu tư về dài hạn này, chỉ trong điều kiện khu vực được đầu tư có tiềm năng phát triển thì khi đó đầu tư mới là một quyết định nên làm”, ông Matthew Powell đưa ra lời khuyên.
( C. H sưu tầm)