UAE làm mưa nhân tạo khi nắng nóng vượt 49 độ C
Chính phủ UAE sử dụng máy bay không người lái phóng điện vào đám mây để giải nhiệt trong nắng nóng kéo dài.
Một nhóm nhà khoa học ở Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) làm mưa nhân tạo, sử dụng dòng điện phóng ra từ drone để điều khiển thời tiết và tạo mưa trên khắp cả nước. Các nhà chức trách ở cơ quan khí tượng chia sẻ video ghi hình mưa nhân tạo ở Ras al Khaimah cũng như vài khu vực khác. Phương pháp làm mưa nhân tạo mới hứa hẹn giúp giảm thiểu hạn hán trên khắp thế giới mà không gây nhiều lo ngại về môi trường như các phương pháp trước đó sử dụng muối.
UAE nhận được khoảng 10 cm mưa mỗi năm. Nhiệt độ mùa hè thường trên mức 49 độ C. Tầng nước ngầm của UAE, nguồn cung cấp nước ngọt thiết yếu, cũng đang lún dần, tạo ra nguy cơ nghiêm trọng. Kết quả là năm 2017, UAE đầu tư tổng cộng 15 triệu USD cho 9 dự án để tăng lượng mưa. Theo báo cáo của Trung tâm Khí tượng Quốc gia UAE (NCM), gây mưa nhân tạo cũng góp phần vào lượng mưa lớn trên khắp cả nước đầu tháng 7.
Chính phủ hy vọng phóng điện vào đám mây thường xuyên để tạo mưa sẽ giúp làm dịu bớt những đợt nắng nóng hàng năm ở quốc gia khô cằn này. Theo nghiên cứu từ Đại học Reading ở Anh, các nhà khoa học tạo ra truyền điện vào đám mây để tạo ra hạt mưa lớn. Kích thước hạt mưa lớn hơn rất cần thiết ở nước nóng, nơi giọt mưa nhỏ thường bốc hơi trước khi tới mặt đất. "Công nghệ tạo mưa một ngày nào đó có thể hỗ trợ các quốc gia ở môi trường khan hiếm nước như UAE", Mansoor Abulhoul, đại sứ của UAE tại Anh, cho biết.
Từ đầu năm 2021, NCM đã tiến hành 21 lần gây mưa nhân tạo. UAE là một trong những nước đầu tiên ở vùng Vịnh sử dụng kỹ thuật này. Ít nhất 8 bang ở miền tây nước Mỹ cũng đang gây mưa nhân tạo bằng kỹ thuật hơi khác biệt, sử dụng drone rải iot bạc.
An Khang (Theo CBS/Newsweek