57 năm Ngày mở Đường Hồ Chí Minh - Ngày truyền thống Bộ đội Trường Sơn (19/5/1959 - 19/5/2016)
Thương hiệu “Tư vấn Trường Sơn”
Trường Sơn
Trong 5 năm, trúng thầu và được chỉ định thầu 122 công trình với tổng giá trị 505,5 tỷ đồng; doanh thu hằng năm đạt mức tăng trưởng 19%, đảm bảo cho người lao động thường xuyên có đủ việc làm, đáp ứng yêu cầu tăng trưởng và mở rộng quy mô sản xuất; đứng thứ 5 trong Bảng xếp hạng năng lực tư vấn thiết kế của Việt Nam... Đó là những kết quả nổi bật của Tư vấn Trường Sơn - tên gọi quen thuộc và là thương hiệu đáng tự hào của Viện Khảo sát thiết kế, Binh đoàn 12 với tên gọi doanh nghiệp là Công ty Tư vấn và khảo sát thiết kế xây dựng - Tổng công ty xây dựng Trường Sơn.
Đại đội Khảo sát Công binh, Bộ Tư lệnh 559 - tiền thân của Tư vấn Trường Sơn ra đời cuối năm 1965, đúng lúc cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước bước vào giai đoạn ác liệt nhất. Ngay sau khi thành lập, lực lượng khảo sát, thiết kế của Đại đội luôn đi phía trước, vạch hướng - tuyến, đồng hành cùng với những mạch đường hướng ra tiền tuyến. Trong suốt 10 năm chiến đấu ác liệt, gian khổ, không chùn bước trước mọi khó khăn thử thách, dấu chân của những chiến sĩ Khảo sát công binh luôn đi trước trên khắp tuyến đường, góp phần quan trọng cùng các lực lượng Bộ đội Trường Sơn làm nên Đường Hồ Chí Minh huyền thoại, một hệ thống đường vận tải quân sự chiến lược gồm 5 trục dọc và 21 trục ngang với tổng chiều dài gần 20.000 km.
Đất nước thống nhất, sau khi Binh đoàn 12 được thành lập, Viện Khảo sát thiết kế được biên chế trong đội hình của Binh đoàn. Năm 1992, do đặc điểm tình hình mới, Viện chuyển sang hình thức tự hạch toán theo cơ chế thị trường. Mặc dù gặp rất nhiều khó khăn, phải chịu sự cạnh tranh gay gắt và quyết liệt của cơ chế thị trường, nhất là trong lĩnh vực xây dựng cơ bản, với bản lĩnh của đơn vị giàu truyền thống, chỉ trong thời gian ngắn, Viện Khảo sát thiết kế đã ổn định đội hình theo mô hình quản lý mới và ngày càng khẳng định thương hiệu của mình.
Đặc biệt, những năm gần đây đơn vị đã trực tiếp tham gia và hoàn thành nhiều công trình trọng điểm đạt tiến độ và chất lượng cao. Trong đó nổi bật là hoàn thành việc thực hiện khảo sát thiết kế Dự án đường Trường Sơn Đông đi qua 7 tỉnh Miền Trung - Tây Nguyên, có điểm đầu từ Thạnh Mỹ (Quảng Nam) đến điểm cuối Đà Lạt - Lâm Đồng. Đây là dự án có tầm chiến lược quan trọng của Đảng, Nhà nước và quân đội trong việc phát triển kinh tế - xã hội và giữ vững an ninh quốc phòng khu vực miền Trung và Tây Nguyên. Tự hào tham gia từ những ngày đầu thực hiện nhiệm vụ của dự án này cho đến bây giờ, Trung tá, Thạc sĩ, Viện trưởng Nguyễn Anh Tuấn cho biết: Năm 2006, tôi là Thượng úy, Phó Trưởng Phòng Thiết kế nhận nhiệm vụ đi khảo sát thiết kế tuyến đường Trường Sơn Đông dài khoảng 700 km. Lúc đó còn trẻ hăng hái nhận nhiệm vụ nhưng tôi cũng không khỏi lo lắng. Đây là một dự án lớn liên quan đến việc phối hợp xin ý kiến, chỉ đạo của nhiều ban, ngành. Khối lượng công việc đồ sộ, với “tầm” của mình tôi tưởng không kham nổi... Cuối cùng với sự nỗ lực, đồng lòng của toàn đơn vị trong đó có cả sự giúp đỡ tận tình của đồng bào Tây Nguyên, sau hơn 3 tháng triển khai chúng tôi đã hoàn thành nhiệm vụ.
Trong câu chuyện của mình, anh Tuấn Anh còn nhắc đến Dự án khảo sát xây dựng đường Tuần tra biên giới đơn vị được giao đảm nhận cách đây gần 10 năm. Có những khu vực khảo sát cách xa khu dân sinh, nơi gần nhất cũng hơn 10km đường rừng. Đoàn công tác của đơn vị đã phải trèo đèo, lội suối đi bộ ba, bốn ngày mới tới nơi. Do địa hình hiểm trở, lại có đoạn đường trong thời kỳ chiến tranh vắt qua nước bạn Lào, nay xây dựng về đất Việt Nam nên việc khảo sát càng thêm phần khó khăn. Anh kể: Thời điểm ban đầu, chúng tôi tiến hành quá trình thăm dò, khảo sát, lập dự án tiền khả thi, dự án khả thi và thiết kế kỹ thuật chưa có nhiều sự hỗ trợ của các phương tiện kỹ thuật hiện đại như bây giờ. Chỉ với con người và tâm huyết, nhận lệnh là lên đường. Chuyện xa gia đình dài ngày, phải làm lán trại, ăn lương khô, rau rừng hằng tuần liền mới có tiếp tế là bình thường. Nhớ nhất là có lần, để kiểm tra thực tế việc khảo sát tuyến Trường Sơn Đông, Ban Quản lý Dự án Đường Hồ Chí Minh (Bộ GTVT) và Đoàn kiểm tra liên ngành Bộ Quốc phòng đã thành lập tổ gọn nhẹ xuyên rừng nguyên sinh vào đến đoạn ranh giới Quảng Nam - Quảng Ngãi, thấy cọc khảo sát của chúng tôi đã cắm ở đó, họ không khỏi ngỡ ngàng”.
Quả thật có tận mắt kiểm chứng mới thấy những khó khăn, nhọc nhằn của những người đi trước, xoi đường ở Tư vấn Trường Sơn. Đánh giá về năng lực nghiệp vụ của đơn vị, ông Lâm Văn Hoàng, Tổng Giám đốc Ban Quản lý Đường Hồ Chí Minh nói: Cùng với thành công của một số dự án, trong 2 năm 2013-2014, Tư vấn Trường Sơn được Bộ GTVT tin tưởng giao nhiệm vụ cùng 2 đơn vị tư vấn của Bộ thực hiện công tác khảo sát, thiết kế dự án mở rộng Quốc lộ 1 đoạn Thanh Hóa - Cần Thơ và Quốc lộ 14 qua Tây Nguyên. Kết quả công việc của Tư vấn Trường Sơn một lần nữa khẳng định niềm tin của chúng tôi là đúng.
Còn nhớ có lần, khi đi trên Đường Hồ Chí Minh vừa thông tuyến, cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt từng thốt lên “đã quá, đã quá”. Làm nên con đường mới huyết mạch nối hai đầu đất nước ấy có một phần đóng góp không nhỏ của Tư vấn Trường Sơn. Khi chỉ lên các cung đường ghi dấu sự có mặt của những người lính Tư vấn Trường Sơn trên tấm bản đồ hình chữ S, Trung tá Nguyễn Tuấn Anh tự hào nói: Hơn 50 năm trước, lớp cán bộ khảo sát, thiết kế đường Trường Sơn đã thiết kế con đường tiếp viện nối hai đầu chiến tuyến. Còn ngày nay, lực lượng khảo sát, thiết kế của chúng tôi đã, đang có mặt trên 20 tỉnh, thành phố thuộc cả ba miền Bắc, Trung, Nam viết tiếp hành trình gìn giữ và phát triển thương hiệu "Tư vấn Trường Sơn”.
Cán bộ, chiến sĩ Viện Khảo sát-thiết kế triển khai nhiệm vụ thực địa