Chuyện lạ Trường Sơn

Ngày đăng: 07:30 18/10/2015 Lượt xem: 791

CHUYỆN LẠ TRƯỜNG SƠN

 

                             CÂY BỒ ĐỀ

                                 

Đầu năm 1976, Nghĩa trang Trường Sơn mới hoàn thành giai đoạn 1. Khi ấy Đài Tổ quốc ghi công đã hoàn thành.

Lạ thay, ngay phía sau của Đài không biết từ đâu mọc ra một cây Bồ Đề, lúc này đã cao 0,8 m. Thấy vậy, Tư lệnh Đồng Sĩ Nguyên đã ra lệnh cho xây gạch xung quanh để bảo vệ cây Bồ Đề này. Cây Bồ Đề lớn nhanh như thổi. Chỉ một thời gian ngắn sau cây đã mọc cao vượt lên trên Đài Tổ quốc ghi công. Cành của cây như chiếc ô xòa che lấy Đài Liệt sĩ.

Cây Bồ Đề là cây của Nhà Phật. Phật Thích ca ngày xưa đã ngồi 49 ngày nhịn ăn, nhịn uống dưới gốc cây Bồ Đề để thiền định và đã đắc đạo thành Phật… Vì thế, cây Bồ Đề chỉ mọc ở nơi đất thiêng. Rõ ràng Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn là nơi đất thiêng.

Năm 1994, khi cải tạo Nghĩa trang Trường Sơn, Tư lệnh Đồng Sĩ Nguyên đã ra lệnh cho những người chịu trách nhiệm cải tạo Nghĩa trang rằng: “ Phải giữ cho bằng được cây Bồ Đề này. Tôi còn thì cây Bồ Đề này phải còn!”. Vì thế khi thi công, Đài Tổ quốc ghi công đã lùi ra xa gốc cây Bồ Đề một chút. Ngày nay, chúng ta thấy cây Bồ Đề đã cao lớn, ba nhánh của cây tỏa đều ra ba hướng và xòa che rợp mát một vùng phía sau Đài Liệt sĩ. Nhiều bậc cao tăng của Hội Phật giáo Việt Nam khi đến cầu siêu ở Nghĩa trang đã ngồi dưới gốc cây Bồ Đề để làm lễ.

Tự hào thay, các liệt sĩ Trường Sơn đã được quần tụ yên nghỉ tại một vùng đất thiêng của Tổ quốc. Cây Bồ Đề là một minh chứng cho điều này.

 

                      HỒ NƯỚC TRƯỚC NGHĨA TRANG

                                                      

Khi thiết kế xây dựng Nghĩa trang Trường Sơn, Tư lệnh Đồng Sĩ Nguyên đã chỉ đạo phải xây dựng một hồ nước phía trước Đài Liệt sĩ, vừa hài hòa với cảnh quan lại phù hợp với phong thủy.

Trong lúc thi công, anh em công binh vô tình đào nơi trũng nhất của mảnh đất dự kiến đào hồ nước thì một mạch nước ngầm vọt nước lên. Không ai nghĩ nơi giữa lưng trừng đồi này lại có mạch nước ngầm lớn đến vậy. Có lẽ Trời đã cho Nghĩa trang một hồ nước đẹp và đầy nước như thế!

Ngày nay, những người đến viếng Nghĩa trang đều nhìn thấy một chiếc hồ rộng 3,5 héc ta lúc nào cũng đầy ắp nước. Mùa khô hạn khủng khiếp như năm nay mà hồ chỉ vơi đi chút ít.

Tư lệnh Đồng Sĩ Nguyên đã cho đắp giữa hồ một đảo nhỏ. Trên đấy, ông cho dựng một bức tượng cô gái giao liên Trường Sơn rất đẹp. Đảo và tượng đã làm cho hồ nước trước Nghĩa trang Liệt sĩ Trường Sơn đẹp một cách hài hòa và rất có ý nghĩa.

 

LIỆT SĨ TRƯỜNG SƠN

BẢO VỆ BIÊN CƯƠNG PHÍA BẮC

                                          

Trưởng ban Quản lý Đền Bảo Hà - một di tích văn hóa lịch sử Quốc gia nổi tiếng của tỉnh Lào Cai hiện nay là cựu chiến sĩ lái xe Trường Sơn Phạm Văn Chiến (hiện anh là Phó Chủ tịch Thường trực Hội Trường Sơn tỉnh Lào Cai). Đền Bảo Hà thờ Đức Hoàng Bảy - một vị tướng thời Lê đã có công bảo vệ vùng biên cương phía Bắc của Tổ quốc lúc bấy giờ. Ông đã hy sinh oanh liệt trong lúc chiến đấu với giặc phương Bắc. Đền Bảo Hà nổi tiếng linh thiêng từ xưa tới nay.

Đầu năm 2011, Phạm Văn chiến mang cuốn Trường Sơn huyền thoại (ghi danh sách của 10.230 liệt sĩ Trường Sơn) vào hậu cung của Đền. Anh kính cẩn thưa với Đức Hoàng Bảy về ý định xin phép được mời các liệt sĩ Trường Sơn - đồng đội của anh về đầu quân dưới trướng của Đức Hoàng Bảy để bảo vệ biên cương Tổ quốc. Khấn xong anh xin đài thì Ngài đồng ý ngay.

Thời gian sau, anh và đồng đội hành hương vào Nghĩa trang Trường Sơn. Anh cũng dâng cuốn Huyền thoại Trường Sơn lên Đài Liệt sĩ và khấn thưa muốn mời các liệt sĩ Trường Sơn gia nhập đội quân của Đức Hoàng Bảy ở Đền Bảo Hà. Anh xin đài cũng được chấp nhận ngay.

Một thời gian sau, có rất nhiều gia đình ở Hà Nội và một số tỉnh phía Bắc đi lễ ở Đền Bảo Hà, báo tin: Liệt sĩ Trường Sơn về báo mộng hoặc gia đình đi xem thì được “báo”: “bây giờ liệt sĩ không còn ở Trường Sơn nữa mà đã được ra Đền Bảo Hà làm tướng sĩ dưới trướng của Đức Hoàng Bảy rồi!”

Đã có hàng chục gia đình báo tin như thế với Trưởng ban Phạm Văn Chiến. Anh vô cùng mừng vì từ nay có thêm nhiều anh linh đồng đội Trường Sơn “đứng trong đội ngũ bảo vệ biên cương” của Đức Nguyễn Hoàng Bảy.

Hồng Châu

tin tức liên quan