Bản tin số 5: Hội TS xã quỳnh Hoa - Một điển hình xuất sắc

Ngày đăng: 09:18 17/07/2016 Lượt xem: 562

HỘI TS XÃ QUỲNH HOA MỘT ĐIỂN HÌNH XUẤT SẮC

Ở huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An mấy năm nay nổi lên một điển hình tiên tiến về hoạt động Hội Truyền thống Trường Sơn – Đường Hồ Chí Minh ở cơ sở. mang lại nhiều hiệu quả thiết thực. Đó là Hội Truyền thống Trường Sơn – đường Hồ Chí Minh xã Quỳnh Hoa.

Cách thị trấn Cầu Giát khoảng 2 kilômét về phía bắc, tây bắc theo đường chim bay, xã Quỳnh Hoa với dân số hơn 5.600 người. Đây là xã miền Núi theo Nghị định của Chính phủ và là xã thuần nông. Tuy đời sống kinh tế còn khó khăn nhưng Quỳnh Hoa giàu truyền thống cách mạng. Trong cuộc khởi nghĩa giành chính quyền Tháng Tám năm 1945, Quỳnh Hoa là xã thứ 2 của huyện Quỳnh Lưu giành chính quyền về tay nhân dân trước khi Mặt trận Việt Minh ra lời kêu gọi. Đây cũng là khu vực trọng điểm, là tọa độ lửa đánh phá vô cùng ác liệt của kẻ thù trong cuộc chiến tranh phá hoại (1964 – 1973) do nằm bên cạnh Ga Cầu Giát, nơi tập kết và trung chuyển hàng hóa của hậu phương chi viện cho cuộc chiến tranh giải phóng miền Nam.

Thành lập Ban Liên lạc tháng 4 năm 2011 với 48 hội viên ban đầu, đến nay hội đã tiến hành Đại hội lần thứ nhất với tổng số 75 hội viên, trong đó 96% là nữ. Đây là hội ra đời sớm nhất ở Quỳnh Lưu sau khi có chủ trương của Trung ương Hội Truyền thống Trường Sơn – Đường Hồ Chí Minh Việt Nam. Tiêu chí xây dựng Hội được xác định là phát huy truyền thống Bộ đội Cụ Hồ, Bộ đội Trường Sơn, đoàn kết giúp nhau vượt qua khó khăn xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc. Hội được kết nạp làm Thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xã. Hàng năm, Hội  luôn bám sát nhiệm vụ chính trị của địa phương, của huyện Hội; duy trì tốt chế độ hội nghị định kỳ hàng tháng, hàng quý để kiểm tra, đánh giá, rút kinh nghiệm, bổ sung vào chương trình hoạt động của Hội. Ngày đầu, không có kinh phí hoạt động, những người đứng ra thành lập Ban Liên lạc đã kêu gọi các hội viên đóng góp tùy khả năng và đến nay đã có nguồn quỹ hơn 50 triệu đồng. Hội cho cac hội viên vay quay vòng để đầu tư vào sản xuất, chăn nuôi. Hội thành lập Câu lạc bộ chăn nuôi với hơn 40 hội viên tham gia. Mỗi tháng  mỗi hội viên đóng góp 500.000 đồng, đến nay đã có trên 126 triệu đồng tiền vốn cho các hội viên trong Câu lạc bộ vay để phát triển sản xuất, chăn nuôi. Đối với những hội viên đặc khó khăn, hội mua 8 con bê, 3 con nghé và 7 con lợn nái cho các hội viên nhận chăn nuôi. Sau khi sinh sản lứa đầu thì chuyển giống cho hội viên khác.  Ngoài ra, Hội còn xây dựng được 15 mô hình làm kinh tế giỏi, trong đó đáng chú ý 2 mô hình nuôi cá thu nhập mỗi hộ từ 30-40 triệu đồng mỗi năm và 2 mô hình kinh doanh dịch vụ tổng hợp, mỗi hộ đạt doanh thu xấp xỉ 100 triệu đồng một năm. Nhờ kết quả này, Hội đã xóa được 15 hộ nghèo sau 4 năm thành lập. Những mô hình làm ăn tốt trong Câu lạc bộ đều được Hội tổ chức cho các hội viên khác tham quan, học hỏi, rút kinh nghiệm để nhân rộng. Nhiều gia đình hội viên nhờ thế đã phấn đấu từ nghèo lên khá, đủ sức nuôi con ăn học đại học. Hội rất chú trọng công tác hoạt động tình nghĩa. Những hội viên ốm đau, những hội viên cao tuổi…đều được Hội thăm hỏi chu đáo, tuy chưa nhiều nhưng  đây là tấm lòng thơm thảo, sẻ chia, biểu hiện nghĩa cử cao đẹp về tình đồng đội. Hội còn tham gia hàng trăm ngày công lao động công ích; những lần đóng góp giúp đỡ đồng bào bị thiên tai, bão lũ, ủng hộ các nạn nhân chất độc da cam, trẻ em cơ nhỡ, tàn tật v.v…Hội còn xây dựng được một đội văn nghệ, quy tụ những cựu chiến binh có khả năng tham gia, phục vụ mỗi lần đại hội, trong các dịp lễ, Tết, giao lưu với Đoàn Thanh niên.

Chủ tịch Hội Bùi Thị Phúc không giấu nổi niềm vui khi cho biết: dẫu đã về với cuộc sống đời thường, trở thành bà nội, bà ngoại, nhưng các hội viên đều rất có ý thức trong việc xây dựng Hội. Các chủ trương do Ban Chấp hành Hội đề ra đều được hội viên hưởng ứng tích cực, mang lại hiệu quả thiết thực. Thời gian này một số hội viên đang làm chế độ dân công hỏa tuyến hoạt động trên các chiến trường B, C, K để hưởng sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, về chính sách bảo hiểm y tế dành cho đối tượng người có công. 

Phó Chủ tịch huyện Hội Quỳnh Lưu Lê Văn Hinh thì khẳng định: Quỳnh Lưu có gần 40 xã, nhưng Hội Truyền thống Trường Sơn – Đường Hồ Chí Minh xã Quỳnh Hoa đang nắm giữ danh hiệu ngọn cờ đầu của huyện trong nhiều năm liền, năm nào cũng được Huyện Hội khen thưởng. Điểm mạnh của Hội Trường Sơn xã Quỳnh Hoa là từ Ban Chấp hành đến các hội viên luôn giữ vững được phẩm chất, phong cách và truyền thống tốt đẹp của người lính mặc dù tuổi đã cao, sức khỏe đã hạn chế. Nhiều chị em còn mang trên mình nhiều bệnh tật do di chứng hậu quả của chiến tranh để lại, một số gia đình hội viên kinh tế khó khăn… Nhưng tất cả vẫn hăng hái, đồng tâm, chung vai xây dựng Hội đạt nhiều thành tựu rất đáng ghi nhận, góp phần vào việc xây dựng phong trào nông thôn mới đang được xã này xây dựng ./.

                                                   Võ Năng Nhẫn.

 (PCT Hội Truyền thống Trường Sơn – Đường Hồ Chí Minh tỉnh Kon Tum).

                                     Điện thoại 0913455172.

tin tức liên quan