GSTS: Vẹn nguyên chất lính đời thường

Ngày đăng: 09:05 19/08/2016 Lượt xem: 662

 

                    VẸN NGUYÊN CHẤT LÍNH ĐỜI THƯỜNG

 

Trong những năm qua, trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh xuất hiện nhiều tấm gương Cựu chiến binh làm kinh tế giỏi. Trong đó, có Cựu chiến binh Nguyễn Như Thuận - thôn Đường, xã An Bình, huyện Thuận Thành. Một con người bình dị nhưng có ý trí “tuyệt vời”, khắc phục khó khăn phát triển kinh tế làm giàu trên chính mảnh đất quê hương mình.

Vừa tròn 18 tuổi, năm 1978 Nguyễn Như Thuận nhập ngũ vào quân đội cũng như nhiều thanh niên khác cùng nứa tuổi. Nhưng đúng lúc biên giới xảy ra chiến tranh, sau khi huấn luyện gấp, anh được điều lên Bình Liêu – Đình lập, biên chế vào tiểu đoàn 131 thuộc Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Lạng Sơn, trực tiếp tham gia chiến đấu bảo vệ biên giới thiêng niêng của tổ quốc, đến cuối năm 1982 hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ anh được ra quân trở về địa phương, anh xây dựng gia đình với chị Nguyễn Thị Tư cùng quê, thời điểm đó kinh tế địa phương vô cùng khó khăn, vợ chồng anh phải bươn trải từ mấy sào ruộng rồi làm đậu nuôi lợn…vẫn không thoát khỏi đói nghèo, cơm không đủ ăn...

Tháng 10 năm 2001, Xã An Bình có chủ trương cho chuyển đổi, đấu thầu, giao khoán cải tạo những khu đất kém hiệu quả, ao hồ cho các hộ phát triển kinh tế trang trại, anh Nguyễn Như Thuận đã mạnh dạn nhận chuyển đổi khu đất có diện tích gần 2ha. Mảnh đất hoang sơ cằn cỗi, sỏi gạch, thùng vũng nham nhở, cỏ dại um tùm. Bắt tay vào xây dựng cơ nghiệp, bước đầu gia đình anh gặp không ít khó khăn về vốn và lao động. Nhưng, với bản chất của người lính, anh không lùi bước quyết tâm tạo dựng kinh tế gia đình, anh đã tranh thủ ngày đêm dọn dẹp, san nấp, tìm tòi học hỏi, tìm hiểu kinh nghiệm sản xuất. Đầu tư xây dựng chuồng trại chăn nuôi lợn, gà, vịt…kết hợp nuôi cá với hơn 1ha mặt nước. Rồi cũng vấp phải khó khăn, gia cầm mắc bệnh chết hàng loạt, do thiếu kiến thức về chăn nuôi. Không nản lòng, anh đã tự học hỏi, nghiên cứu qua sách, báo và xem các mô hình làm kinh tế mang lại hiệu quả cao đăng trên trang Web, qua đó, áp dụng khoa học kỹ thuật phù hợp với điều kiện địa phương để phát triển chăn nuôi. Những năm trước trong trang trại anh thường nuôi khoảng 50 đến 60 con lợn thịt, và 40 đến 50 con lơn nái. Trừ chi phí bình quân thu nhập hàng năm gần 200 triệu đồng. Tuy nhiên trong một vài năm trở lại đây, nhận thấy chăn nuôi lợn không còn hiệu quả như trước, anh tập trung vào nuôi cá. Đặc biệt từ khi có Nghị quyết về phát triển kinh tế của đảng ủy xã An Bình năm 2015 - 2016. Chương trình phát động toàn dân chuyển đổi cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao. Như: trồng gấc thương phẩm, trong đó lấy mô hình cựu chiến binh để làm điểm. Anh đã mạnh dạn đầu tư hơn 200 triệu đồng để trồng 10 mẫu gấc, giềng, lạc thương phẩm. Theo anh Thuận cho biết: cây gấc có thời gian cho thu hoạch dài từ 15 đến 25 năm, chi phí đầu tư ít, bình quân thu hoạch 1 vụ khoảng 60kg/gốc, theo giá công ty ký kết bao tiêu sản phẩm hiện nay thì mỗi sào cho thu hoạch khoảng 120 triệu đồng. Do trồng gấc phải bắc giàn trên cao, ông còn tận dụng được đất trống ở dưới để trồng các loại cây ưa vóng như: giềng, lạc…tổng thu nhập theo ước tính của anh cũng vào khoảng 300 triệu/sào. “ Đi học hỏi kinh nghiệm của một số mô hình kinh tế trang trại, tôi  nhận thấy  thấy  mô hình làm trang trại kết hợp chăn nuôi với trồng chọt ở mảnh đất chiêm chũng này là phù hợp. Gia đình tôi đã cải tạo đất  trồng cây, đào ao nuôi cá, nuôi ba ba…sau nhiều năm vất vả vừa làm vừa học hỏi vừa rút kinh nghiệm, được sự giúp đỡ của chính quyền địa phương, của nhân dân và nhất là đồng đội, 10 năm nay kinh tế gia đình đã ổn định. Từ kinh nghiệm đó anh đã tư vấn giúp đỡ cho nhiều gia đình ở địa phương làm ăn có thu nhập ổn định. 

Không chỉ chăm lo phát triển kinh tế gia đình, CCB Nguyễn Như Thuận còn nhiệt tình tham gia các hoạt động xã hội. Nhiều năm liền gia đình anh đạt tiêu chuẩn gia đình văn hóa tiêu biểu, bản thân anh là hội viên CCB điển hình làm kinh tế giỏi của tỉnh. anh luôn sẵn sàng tư vấn, giúp đỡ hội viên và con em hội viên CCB về kinh nghiệm phát triển kinh tế gia đình, kinh tế trang trại. Vì vậy anh luôn được hội viên CCB và dân làng quí mến. Đồng chí Trần Danh Tô – Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã An Bình cho biết: “Trong phong trào thi đua CCB gương mẫu của xã An Bình, nhiều năm qua, chúng tôi có nhiều tấm gương điển hình nhưng đặc biệt là tấm gương CCB làm VAC của anh Nguyễn Như Thuận đạt hiệu quả và có giá trị kinh tế cao”. Anh đã đóng góp rất nhiều cho công tác xây dựng phong trào ở địa phương; hoạt động tình nghĩa.

Hiện nay, anh có cả một cơ ngơi khang trang, 3 con của anh chăm ngoan học giỏi, cả 3 đều tốt nghiệp đại học và trên đại học, ổn định công ăn việc làm. Có được những thành quả như ngày hôm nay với anh là cả một quá trình quyết tâm, nâng cao ý chí và nỗ lực không lùi bước trước khó khăn. Anh thật xứng đáng là người lính Cụ Hồ, là một CCB tiêu biểu học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh./.

 

                                          Bài & ảnh: Nguyễn Quốc Lập

 

 


tin tức liên quan