Cà kê chuyện gà năm Dậu - Trung Phụng

Ngày đăng: 04:24 31/01/2017 Lượt xem: 1.062

Cà kê chuyện Gà năm Dậu

.

Tranh Gà Đông Hồ

_ Bên kia sông Đuống
Quê hương ta lúa nếp thơm nồng
Tranh Đông Hồ gà lợn nét tươi trong
Màu dân tộc sáng bừng trên giấy điệp

Câu thơ Hoàng Cầm thật đằm thắm, dù làm trong giai đoạn kháng chiến chống Pháp đang gay gắt, cụ thể là tháng 4/1948. Đông Hồ, quê Hoàng Cầm, là tên làng ven sông Đuống, tỉnh Bắc Ninh, nay là Hà Bắc, nổi tiếng về loại tranh dân gian thường được chưng bày ngày Tết từ thế kỷ XVII.

Hoàng Sĩ Khải, Tiến sĩ khoa 1544, trong bài thơ dài hơn 300 câu, Tứ thời khúc Vịnh, tả cảnh Tết vùng Thăng Long :

_ Tranh vẽ gà cửa treo thiếp yểm
Dưới thềm lầu hoa điểm Thọ Dương

Thọ Dương là hoa mai, theo điển cố

Như vậy tranh Gà, ngày nay là trang trí, xưa kia có tác dụng trừ tà, có lẽ vì con gà gáy sáng, có khả năng xua đuổi bóng tối và tà ma, mang lại ánh sáng, bình an, tin tưởng, sức khỏe, dương khí cho con người. Do đó, tranh gà được phổ biến trong nhiều loại tranh dân gian như Đông Hồ, Hàng Trống và Kim Hoàng.

Thật ra, không cứ gì ở nước ta, con người đâu đâu cũng cần ánh sáng và hơi ấm của mặt trời, hình tượng gà, do đó được trọng vọng ở nhiều nền văn hóa khác nhau, như con gà trên đỉnh nhà thờ Thiên Chúa giáo ở phương Tây.

Tại nhiều nước, gà lại có ý nghĩa riêng : Ở Nhật Bản, gà quan hệ với Thái Dương Thần Nữ ; ở Pháp, gà là biểu tượng dân tộc dòng dõi gô-loa (gaulois) một danh từ đồng âm với tên gà bằng tiếng La-tinh (gallus) - và nhiều chuyện gà khác kê khai ra thêm cà kê dài dòng.

Chúng tôi chỉ nhấn mạnh vào tranh Gà Việt Nam, hình ảnh của ngày Tết âm lịch thịnh hành vì nhiều lý do. Ngoài niềm tin tự nhiên, như trên đã nói, còn có những lý do văn hóa. Theo sách vở xưa và truyền thuyết, thì gà trống ứng vào tháng Giêng, ngày mồng Một cũng mang cầm tinh gà, do đó, con gà biểu tượng cho ngày Tết Nguyên Đán.

Văn, Vũ, Dũng, Nhân, Tín

Hình ảnh gà trống cánh lông sặc sỡ, dáng dấp oai dũng còn tượng trưng năm đức tính : mào đỏ giống mũ cánh chuồn là văn (chữ Hán mào gà gọi là quan, đồng âm với quan (mũ) và quan (chức) ; cựa sắc nhọn như gươm là  ; đấu đá không sợ địch là dũng ; chia mồi cho gà con là nhân, gáy đúng giờ là tín.

Một đức tính không nghe sách vở ca ngợi, là khả năng tính dục, nôm na là "đạp mái". Do đó tranh Gà thường kèm theo phụ đề như Thần Kê (Gà Thần) với chữ Kê thần chú viết thảo, có tác dụng trừ tà ; hay Đại Cát (vui lớn) ; Nghênh Xuân ; tranh "Bé trai ôm gà trống" còn có tên là Vinh Hoa, có phần trọng nam khinh nữ lỗi thời.

Bên cạnh hình ảnh gà trống, còn có tranh Trống Mái : Gà Thư Hùng , Gà Đàn, Trống MáiĐàn con với hảo ý chúc tụng gia đình đông đảo và đông đủ, hòa thuận, ấm no trong truyền thống tư tưởng dân gian.

Gà mái tượng trưng cho tình mẹ con :

_ Con rắn không chưng (chân) lượn năm rừng bảy rú
Con gà không vú nuôi đặng chín mười con

Cho đến gà rừng cũng biết thương con :

Cuốc kêu réo rắt đầu non
Gà rừng táo tác gọi con tha mồi
Lạnh lùng thay láng giềng ơi...

Gà con tượng trưng cho tình cảm anh em, đồng bào, đùm bọc, thương yêu, nhường nhịn lẫn nhau vì "cùng một mẹ". Tranh Đông Hồ gợi lên được những tình ý ấy.

Nhà thơ Hoàng Cầm đã không cường điệu khi viết :

_ Tranh Đông Hồ gà lợn nét tươi trong
Màu dân tộc sáng bừng trên giấy điệp

Màu là cách nói tượng trưng, hoán dụ, ám chỉ tổng thẻ nghệ thuật Đông Hồ, từ chất liệu đến kỷ thuật.

Chất liệu trước tiên là giấy : giấy dó làm bàng cây dó, mọc hoang trong rừng núi, do các làng Bưởi, làng Cót, ngoại thành Hà Nội sản xuất. Nguyễn Tuân co chuyện Cô Dó trong loạt Yêu Ngôn là chuyện làm giấy. Gọi là giấy điệp vì nghệ nhân phất lên một lớp màu trắng, làm bằng vỏ con điệp (một loài sò óc) nghiền thành bột, khiến cho chất giấy cứng xốpvà vân lê màu nền độc đáo.Màu dân tộc khác là màu vàng lấy từ hoa hòe hay hạt đành đành, màu đỏ vang lấy từ gỗ cây vang, màu đỏ son lọc từ sỏi quăng, màu xanh của lá chàm, màu đen than lá tre khô. Nghệ thuật dân gian chơn chất nay đã gây ấn tượng và hứng thú, ngạc nhiên và kính phục cho nhiều họa sĩ tân học như Tô Ngọc Vân, Nguyễn Đõ Cung, Nguyễn Sáng.

Và trong Thơ, nhiều tác giả đã nhắc đến tranh Đông Hồ, như Đoàn văn Cừ :

_ Lũ trẻ con mải ngắm bức tranh gà
Quên cả chị bên đường đang đứng gọi
(Chợ Tết)

Trung Phụng st

tin tức liên quan