Gương sáng Trường Sơn
VƯỢT LÊN SỐ PHẬN
Tôi sinh ra vào đêm 30 tết năm 1947. Có thầy tướng số phán: “sinh phải giờ xấu, sau này phải sống rất vất vả, gian khổ và thua thiệt ”. Năm 1965, đang học lớp 10 thì nhập ngũ vào bộ binh rồi chuyển sang pháo cao xạ huấn luyện đi B. Hết năm học, cả lớp tôi được vào đại học (vì không phải thi), còn tôi được đi B vào chiến trường ác liệt. Đầu năm 1966, đơn vị kéo pháo vào B qua đường Bộ Tư lệnh 559. Vì cháy hết xe, chúng tôi phải dừng lại trên đường ở Mường Noòng thuộc Tuyến 2, Bộ Tư lệnh 559. Đúng lúc này Mỹ giải chất độc hóa học xuống đường. Chất độc bám vào khắp người tôi mà chẳng hiểu là thứ gì. Sau đó đơn vị ở lại chiến đấu bảo vệ đường Trường Sơn mà không vào B nữa. Tôi có văn hóa cao nhất đơn vị, lại là pháo thủ tài năng nên luôn là giáo viên binh khí xạ kích của đại đội. Ngay năm đầu đã là chiến sĩ thi đua độc đắc. Thế là được Binh trạm cấp giấy phép về thăm nhà. Là người được kết nạp Đảng trước cả đồng chí C trưởng, B trưởng. Năm 69 tôi lại được về phép. Thấy các bạn cùng lớp đã là bác sĩ, kỹ sư cả rồi còn mình vẫn chỉ là anh lính thường. Ôi! Số phận tôi sao mà đắng cay thế”!?. Rời quê hương, tâm hồn tôi trào dâng lên một lời quyết tử: lần này ra đi chắc sẽ không còn đường về! Xin vĩnh biệt quê hương! Vì năm 69 chiến sự rất ác liệt. Các trận địa trên đỉnh núi ở cao điểm đã bị lộ, không con chỗ nào để thay đổi trận địa. Tôi xác định quyết đấu súng với giặc Mỹ đến cùng. Tôi lao vào cuộc chiến. Đã dũng cảm chiến đấu hàng trăm trận với máy bay Mỹ, bắn rơi hàng chục máy bay góp phần đưa D6 trở thành đơn vị AHLLVT của Binh trạm 35, F471(1973). Năm 1970 đang ở trận địa rất ác liệt tôi đã bị đau đầu thường xuyên.
Đầu năm 71, tôi được bổ nhiệm làm trợ lý tác chiến, tôi mới dám kêu đau đầu, mất ngủ với quân y và lãnh đạo. Năm 1973, sau ký kết Hiệp định Pari tôi được xuống làm C trưởng kéo pháo vào B2 chiến đấu. Bản thân lại chỉ huy đơn vị bắn rơi máy bay ngụy, và lãnh đạo đơn vị chiến đấu cơ động giỏi, đứng đầu toàn đoàn, trong khi đó tôi vẫn thường xuyên bị đau đầu. Năm 1975 chiến tranh kết thúc, Chủ nhiệm Quân y Sư đoàn đến thăm đơn vị phát hiện ra tôi bị bệnh huyết áp cao. Thế là tôi được ra bắc đợt đầu để giải quyết chính sách. Rời quân đội với kết luận mất sức 61% của hội đồng GĐYK, nhưng tôi vẫn lao vào học nốt chương trình phổ thông, rồi thi vào đại học. Tốt nghiệp đại học tôi về tỉnh nhà làm Trưởng của hàng Thương nghiệp.
Cuối những năm 1980 của thế kỷ trước, toàn Ngành Thương nghiệp của tỉnh làm ăn thua lỗ nặng. Vậy mà chỉ có chỗ tôi vẫn luôn có lãi. Đã xóa bao cấp, chuyển sang cơ chế thị trường, thấy lương ở nhà nước thấp quá, làm đến Bộ trưởng mà chỉ có 100 đô, tôi xin nghỉ hưu non (1991) khi mới hơn 40 tuổi. Ra ngoài bươn chải, thấy nhà ở trong ngõ khó làm ăn, tôi bán nhà, lấy tiền mua ki ốt ở chợ để kinh doanh. Từ lúc rất khó khăn thu nhập ít ỏi, dần dần tôi có thu nhập bằng dăm lần lương Chủ tịch Nước. Tôi lại có tiền mua nhà mặt đường để kinh doanh và có nhà mặt đường để cho thuê. Đến năm 2009, tôi mới biết có Ban Liên lạc Trường Sơn và xin ra nhập. Đến tháng 4/2015, tôi được bầu làm Chủ tịch Thành Hội Trường Sơn, TP. Việt Trì, Phú Thọ. Tháng 7/2015, tôi xuất tiền ra tặng vài chục phần quà cho các đồng chí chí thương binh; đến Tết nguyên đán Bính Thân tôi lại xuất hơn 6 triệu mua 50 yến gạo tám thơm làm quà tặng cho các hội viên có hoàn cảnh khó khăn hơn. Thấy Hội không có trụ sở họp, tôi quyết định xuất ra 300 triệu đồng xây nhà lên tầng 3 để có nơi họp hành riêng biệt to đẹp, rộng 50 m2 cho Hội. Ngày 27/7/2016, tôi lại xuất tiền ra tặng vài chục phần quà cho các đồng chí thương bệnh binh của Hội TS Việt Trì. Như vậy tôi là bệnh binh lại là TB 2/4 đã quyết vượt lên số phận nên vẫn chiến thắng mọi trở lực. Hiện giờ đã qua tuổi 70, xong vẫn làm ăn có thu nhập bằng vài lần lương Chủ tịch Nước. Rõ ràng tôi đã thực hiện được điều Bác Hồ nói: “Thương binh tàn mà không phế” và đã vượt qua số phận hẩm hưu của bản thân mà thầy tướng số đã phán ngày nào.
|
Nguyễn Công Túy
CT HỘI TT TRƯỜNG SƠN TP VIỆT TRÌ
|