Hành trình 1 triệu liều Remdesivir Ấn Độ về Việt Nam
Nguồn: Báo Điện tử VTC
Đại sứ Phạm Sanh Châu cho biết, đối tác Ấn Độ kinh ngạc trước quyết tâm của Đại sứ quán Việt Nam để đưa thuốc Remdesivir về Việt Nam trong thời gian nhanh chóng.
Ngày 4/8, Ấn Độ cam kết cung cấp cho nước ta khoảng 1 triệu liều thuốc điều trị COVID-19 Remdesivir chỉ trong vòng 1 tháng. Hành trình nhanh chóng đưa 1 triệu liều Remdesivir thu hút sự quan tâm của người dân trong nước. Trong cuộc trò chuyện với VTC News, Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ Phạm Sanh Châu đã chia sẻ câu chuyện đặc biệt về hành trình này.
|
Lô thuốc điều trị COVID-19 Remdesivir đầu tiên về đến sân bay Tân Sơn Nhất, TP Hồ Chí Minh. (Ảnh: Facbook Đại sứ Phạm Sanh Châu) |
- Vì sao ông có ý tưởng đàm phán với đối tác Ấn Độ để đưa thuốc Remdesivir về điều trị cho bệnh nhân COVID-19 tại Việt Nam?
Có nhiều lý do khiến tôi nghĩ đến ý tưởng đàm phán với đối tác Ấn Độ để đưa thuốc Remdesivir về điều trị cho bệnh nhân COVID-19 tại Việt Nam.
Thứ nhất, Ấn Độ được mệnh danh là nhà thuốc của thế giới, quốc gia sản xuất 60% vaccine của thế giới, trong đó có một số loại thuốc như Paracetamol chiếm 80%. Trên thế giới có loại thuốc nào thì Ấn Độ gần như có loại thuốc đó.
|
sanh chau.jpg |
Tốc độ đàm phán của Đại sứ quán Việt Nam khiến đối tác Ấn Độ kinh ngạc và nể phục
Đại sứ Phạm Sanh Châu
Trước tình hình dịch bệnh tại Việt Nam, được sự yêu cầu của lãnh đạo Chính phủ, Bộ Ngoại giao và Bộ Y tế, Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ đã thành lập "Nhóm phản ứng nhanh về thuốc và Vaccine”. Sau đó nhóm phản ứng nhanh của sứ quán đã đến thăm Trung tâm nghiên cứu, thử nghiệm dược phẩm và vaccine ClinSync Clinical, tại thành phố Hyderabad, bang Telangana phía Nam Ấn Độ.
Tại đây, đoàn công tác của đại sứ quán Việt Nam gặp được rất nhiều tập đoàn dược phẩm khác nhau. Họ cho biết có rất nhiều biệt dược khác nhau trong ngừa COVID-19, ngoài Remdesivir còn có Favipiravir, 2-deoxy-D-glucose (2-DG)… và mới nhất là Molnupiravir. Các tập đoàn này sẵn sàng tạo điều kiện thuận lợi để cung cấp nếu Việt Nam có yêu cầu và được sự cấp phép của Chính phủ Việt Nam.
Thứ hai, trong số các biệt dược mà các tập đoàn Ấn Độ giới thiệu, Đại sứ quán Việt Nam chỉ biết mỗi loại thuốc Remdesivir. Bởi vì, qua 2 đợt dịch COVID-19 lây lan trong sứ quán - đợt một có 10 người vào bệnh viện, đợt hai có 3 người phải nhập viện, đã được sử dụng thuốc Remdesivir. Thuốc này ưu tiên dành cho những người mắc COVID-19 nặng.
Thứ ba, vào thời điểm đó, tập đoàn Vingroup liên hệ Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ, đề nghị hỗ trợ cho việc nhập khẩu 500.000 liều Remdesivir. Đại sứ quán đã hỗ trợ để Vingroup đặt hàng một đơn vị sản xuất nhưng đơn vị này đưa ra mặt hàng 120.000 liều cho loại thuốc chỉ được phép sử dụng ở Ấn Độ. Do đó, Đại sứ quán đã đồng hành, đi tìm các nguồn hàng khác cho Vingroup.
Trong chuyến thăm Trung tâm nghiên cứu, thử nghiệm dược phẩm và vaccine ClipSync Clinical, các tập đoàn dược của Ấn Độ cho biết sẵn sàng cung cấp 1 triệu liều Remdesivir cho Việt Nam. Trong 1 triệu liều Remdesivir thì 500.000 liều là của tập đoàn Vingroup.
|
Đại sứ Phạm Sanh Châu làm việc với đối tác Ấn Độ. |
- Đại sứ quán Việt Nam đóng vai trò rất lớn trong việc đạt được thoả thuận đưa 1 triệu liều Remdesivir từ đối tác Ấn Độ về Việt Nam, thưa ông?
Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ đóng vai trò hỗ trợ, kết nối thông tin cho tất cả các bên và cũng đang kết nối cho các đơn vị khác của Việt Nam. Trước khi kết nối, chúng tôi phải hỏi xem phía đối tác có sản phẩm mà Việt Nam yêu cầu không, họ có đồng ý bán không. Trong trường hợp họ đồng ý, thì còn phải xin Bộ Ngoại giao Ấn Độ xem có đồng ý bán không.
Sau khi Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ kết nối và phía đối tác của bạn nhất trí cung cấp cho Việt Nam 1 triệu thuốc Remdesivir thì vấn đề tiếp theo sẽ là hỏi xem đối tác, công ty nào của Việt Nam có nhu cầu mua để sứ quán liên hệ, kết nối trước. Bởi vì mỗi đối tác của Ấn Độ ở mỗi tỉnh thành, địa phương khác nhau, các tập đoàn cung ứng số lượng thuốc khác nhau, góp nhặt mỗi nơi một ít, nơi có 30.000 liều, nơi 40.000, 50.000 liều…
- Quá trình đàm phán với phía đối tác Ấn Độ để đạt được thoả thuận 1 triệu liều Remdesivir?
Quá trình này khó khăn vì sứ quán phải chia ra nhiều mũi, nhiều nhóm đàm phán để làm việc với phía đối tác Ấn Độ. Nhóm công tác của sứ quán chỉ dao động từ 5-7 người, ngồi lại cùng nhau, trao đổi, xem xét giá thành chỗ nào cao, chỗ nào thấp, đặc biệt là đánh giá xem là thuốc đó dạng lỏng, bột hay viên…
Sau khi kết nối với phía Việt Nam và đối tác Ấn Độ, Đại sứ quán còn phải tính đến thời gian vận chuyển về nước của sản phẩm, về trong tháng 8, 9 hay tháng 10. Bên cạnh đó, Đại sứ quán phải vạch ra một sơ đồ, dự kiến các phương án để trả lời khi trong nước hỏi, nhu cầu về số lượng, chủng loại…
- Lý do gì khiến cho quá trình đàm phán giữa Đại sứ quán Việt Nam với các đối tác Ấn Độ diễn ra với tốc độ nhanh chóng, trong thời gian ngắn kỷ lục?
Trong các đàm phán với phía đối tác, tôi mời tất cả lãnh đạo Bộ Ngoại giao, Bộ Y tế, các Vụ trưởng Bộ Ngoại giao và Bộ Y tế, lãnh đạo của tập đoàn Vingroup… cùng vào nhóm tương tác để trao đổi. Mục đích là để cho phía đối tác Ấn Độ thấy rằng, vấn đề này rất được Chính phủ Việt Nam quan tâm khi có sự tham gia của Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Thứ trưởng Bộ Y tế Việt Nam…
Làm như vậy để chứng minh với đối tác rằng, Đại sứ Việt Nam sẽ tác động, kết nối với phía đối tác tại Ấn Độ, đầu nhập đã có sự tham gia của Bộ Y tế, còn trong đối ngoại nếu có vấn đề phát sinh, cần phải giải quyết thì đã có Bộ Ngoại giao sẵn sàng tham gia, xử lý.
Phía Ấn Độ rất kinh ngạc, nể phục về việc Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ có thể huy động được toàn bộ lực lượng tham gia, thể hiện sự đồng lòng của phía Việt Nam trong việc đàm phán với đối tác Ấn Độ về việc cung cấp thuốc chữa COVID-19. Chúng ta thể hiện mong muốn sớm đưa thuốc về để điều trị cho người dân Việt Nam.
Đối tác Ấn Độ không thể ngờ Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ có thể kết nối một cách nhanh chóng, mạnh mẽ đến như vậy. Họ cũng bất ngờ trước việc Đại sứ Việt Nam sẵn sàng lên Bộ Ngoại giao, các cơ quan tại Ấn Độ để chờ đợi, “chầu chực” xin bằng được giấy phép nhập khẩu thuốc về Việt Nam.
Hoàn toàn bất ngờ trước sự quyết tâm của Việt Nam nói chung và Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ nói riêng, đối tác của Ấn Độ cho biết: “Chúng tôi chưa bao giờ thấy sự đồng lòng, quyết tâm của một quốc gia khi mà ngài Đại sứ đã huy động lực, sẵn sàng vượt qua các trở ngại, thủ tục, giấy tờ hành chính của Ấn Độ”.
|
Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ tích cực làm việc, đàm phán cùng đối tác để sớm đưa thuốc Remdesivir về điều trị cho các bệnh nhân COVID-19 tại Việt Nam. |
- Kế hoạch của Đại sứ quán Việt Nam việc kêu gọi đối tác tại Ấn Độ cung cấp vaccine, thuốc chữa COVID-19 cho Việt Nam sắp tới?
Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ có rất nhiều công việc, trong đó "Nhóm phản ứng nhanh về thuốc và Vaccine” sẽ tập trung vào các nhiệm vụ chính như sau:
Thứ nhất, Đại sứ quán Việt Nam đang đàm phán, thương lượng vaccine COVID-19 với đối tác và đang chờ Chính phủ Ấn Độ cho phép để nhập về Việt Nam. Trong trường hợp thuận lợi, nếu Chính phủ Ấn Độ đồng ý thì Việt Nam có thể nhập được khoảng 15 triệu liều vaccine Covaxin từ Ấn Độ.
Thứ hai, tính toán cách thức để đưa thuốc Remdesivir về Việt Nam càng sớm càng tốt.
Thứ ba, đưa được vaccine Nanocovax của Việt Nam sang thử nghiệm tại Ấn Độ. Sau khi thử nghiệm thành công thì sẽ thúc đẩy sản xuất tại Ấn Độ.
Remdesivir là thuốc kháng virus được Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) phê duyệt điều trị cho bệnh nhân COVID-19 từ ngày 22/10/2020. Với khả năng rút ngắn thời gian chữa trị và đẩy nhanh phục hồi ở bệnh nhân diễn tiến nặng, Remdesivir đã được 50 quốc gia như Mỹ, EU, Úc, Nhật Bản, Singapore, Ấn Độ... đưa vào phác đồ điều trị và là một trong những loại thuốc đặc trị khó tiếp cận hàng đầu thế giới. Remdesivir được sử dụng cho bệnh nhân COVID-19 thể trung bình và nặng theo hướng dẫn trong phác đồ điều trị của Bộ Y tế.
Remdesivir là thuốc điều trị COVID-19 được FDA Mỹ cấp phép. Vingroup sẽ trao tặng toàn bộ số thuốc cho Bộ Y tế ngay trong tháng 8/2021, nhằm góp phần đẩy nhanh phục hồi cho bệnh nhân COVID-19. Với 500.000 lọ, số thuốc trên có khả năng hỗ trợ điều trị cho khoảng 80.000 đến 100.000 bệnh nhân COVID-19 tại Việt Nam.
( C. H sưu tầm)