Vaccine Sputnik V do Việt Nam sản xuất hiệu quả ra sao?
Nguồn: Báo Điện tử Thời Mới
Vừa qua, lô vaccine Sputnik V mã số SV-030721M sản xuất tại VABIOTECH đã được Viện Nghiên cứu quốc gia về dịch tễ học và vi sinh vật Gamaleya, Liên bang Nga phân tích, thẩm định và đánh giá đáp ứng yêu cầu của tài liệu quy chuẩn.
Tiến sĩ Đỗ Tuấn Đạt, Chủ tịch VABIOTECH cho biết: “Chúng tôi rất vui công bố sản xuất thành công lô vaccine Sputnik V đầu tiên tại Việt Nam. Lô vaccine này đã được phía Nga phân tích và đánh giá đáp ứng yêu cầu quy chuẩn. Với lô vaccine đầu tiên này sẽ giúp cho người dân Việt Nam sớm tiếp cận được nguồn vaccine chất lượng, góp phần đẩy lùi dịch bệnh COVID-19”.
Theo kế hoạch, vaccine Sputnik V do VABIOTECH sản xuất sẽ được sử dụng trong Chương trình tiêm chủng toàn dân.
Về công nghệ, vaccine Sputnik V được phát triển dựa trên vector virus, tương tự như vaccine COVID-19 của AstraZeneca, Janssen của Johnson & Johnson, Convidecia của CanSino và một vaccine COVID-19 do VABIOTECH đang phát triển. Lịch tiêm là 2 mũi, khoảng cách giữa 2 mũi là 3 tuần.
Vector là những virus vô hại đã được chỉnh sửa để vô hiệu hóa khả năng sao chép. Sau đó, các nhà khoa học tiếp tục thêm vào virus này một gen biểu hiện protein gai của virus SARS-CoV-2. Các vector virus tái tổ hợp cuối cùng được tiêm vào cơ thể.
Tuy nhiên, các nhà khoa học Nga cho biết có điểm khác biệt giữa vaccine Sputnik V với các loại vaccine vector virus khác, đó là Sputnik V là một vaccine vector phối hợp. Nó sử dụng tới 2 vector virus: Ad26 cho thành phần hay mũi tiêm đầu tiên, và Ad5 cho thành phần hay mũi tiêm thứ hai.
Các loại vaccine cùng công nghệ khác chỉ sử dụng một vector virus cho cả hai mũi, chẳng hạn như AstraZeneca sử dụng vector virus ChAdOx1, Janssen của Johnson & Johnson sử dụng Ad26, Convidecia của CanSino sử dụng Ad5.
Vậy nên thực chất có thể coi hai liều vaccine Spunik V là 2 loại vaccine khác nhau hoặc một loại vaccine kép. Các nhà khoa học Nga gọi đó là một sự kết hợp đột phá, độc đáo và duy nhất trên toàn cầu. Theo họ, việc tiêm một vaccine khác loại ở mũi thứ hai sẽ giúp hệ miễn dịch củng cố khả năng nhận diện và chống lại virus SARS-CoV-2.
Đồng thời, điều này sẽ kéo dài thời gian miễn dịch hơn so với chỉ tiêm một liều hoặc 2 liều nhưng cùng một loại vaccine sử dụng một vector virus duy nhất. Kết hợp 2 loại vector virus cho hai mũi tiêm sẽ khắc phục được khuyết điểm của vaccine dựa trên công nghệ này, đó là sự miễn dịch sẵn có trong quần thể với chính vector sẽ làm yếu khả năng bảo vệ của vaccine.
Theo kết quả thử nghiệm lâm sàng được công bố trên tạp chí “The Lancet”, vaccine Sputnik V đạt hiệu quả lên tới 91,6 %. Riêng đối với tình nguyện viên trên 60 tuổi, tỉ lệ này là 91,8%. Sau tiêm, 98% tình nguyện viên có kháng thể chống lại virus SARS-CoV-2.
Quá trình tiêm chủng ở Nga cũng cho thấy Sputnik V không gây ra các biến chứng đông máu hiếm gặp, huyết máu tĩnh mạch não (CVT) và viêm cơ tim như các loại vaccine COVID-19 dựa trên vector virus khác là AstraZeneca và Jennsen. Không có trường hợp tử vong nào liên quan đến vaccine Sputnik V được ghi nhận.
Vào khoảng thời gian tháng 7 và tháng 8, cơ quan y tế nhà nước Nga cho biết khoảng 95% các ca nhiễm COVID-19 tại nước này là từ biến thể Delta. Cùng lúc, một nghiên cứu thực hiện trên gần 14.000 người tại thành phố St.Petersburg cho thấy hai liều vaccine Sputnik V có hiệu quả bảo vệ 81% khỏi các ca nhiễm COVID-19 viêm phổi nặng phải chuyển viện lên tuyến cao hơn.
Điều đáng nói là nghiên cứu này bao gồm dữ liệu chụp cắt lớp CT phổi của cả bệnh nhân nhiễm COVID-19 nhẹ và nặng, một điều mà các nghiên cứu phương tây ít khi làm được. Nó cho phép các bác sĩ Nga đánh giá đúng mức độ viêm phổi của từng bệnh nhân.
Trước đó vào đầu tháng 8, hãng tin nhà nước RT của Nga dẫn nguồn từ RDFI cho biết hiệu quả dịch tễ học của vaccine Sputnik V đối với biến thể Delta là 83,1%. Hai liều vaccine Sputnik V có khả năng chống lại 94,37% các ca nhiễm biến thể Delta nặng phải nhập viện.
Tại Việt Nam, vaccine Sputnik V đã được Bộ Y tế cấp phép sử dụng khẩn cấp có điều kiện vào ngày 23/3/2021. Ngày 21/7, VABIOTECH đã chính thức công bố việc sản xuất thử nghiệm vaccine Sputnik V tại Việt Nam.
Các chiến dịch tiêm chủng Sputnik V lớn nhất đã được thực hiện tại Nga, Argentina, Belarus, Serbia. Ngoài ra, có 42 quốc gia và vùng lãnh thổ khác trong số 70 quốc gia đã cấp phép cho vaccine này đã tiến hành tiêm vaccine Sputnik V.
( C.H sưu tầm)