Nghiên cứu mới: Dùng nước bọt xét nghiệm Covid-19 thay cho "ngoáy mũi"?
Nghiên cứu mới: Dùng nước bọt xét nghiệm Covid-19 thay cho "ngoáy mũi"?
Nguồn: Báo Điện tử Dân Trí
Xét nghiệm thông qua mẫu nước bọt có thể là một giải pháp thay thế "ít đau và tiết kiệm hơn" so với phương pháp "ngoáy mũi" mà vẫn đảm bảo được tính chính xác.
Xét nghiệm nhanh và xét nghiệm khẳng định là 2 công cụ quan trọng trong chiến lược kiểm soát sự lây lan của Covid-19. Ở thời điểm hiện tại, xét nghiệm RT-PCR thông qua mẫu dịch tỵ hầu là phương pháp xét nghiệm tiêu chuẩn để khẳng định việc một người có mắc Covid-19 hay không.
Một thực tế là việc lấy mẫu qua dịch tỵ hầu gây không ít cảm giác khó chịu và thậm chí là đau cho người được lấy mẫu, khi phải sử dụng một que lấy mẫu dài đưa sâu vào bên trong mũi.
Tuy nhiên, một nghiên cứu mới đây đã cho thấy, việc xét nghiệm thông qua mẫu nước bọt có thể là một giải pháp thay thế "ít đau và tiết kiệm hơn" mà vẫn đảm bảo được tính chính xác.
Nghiên cứu được thực hiện bởi một nhóm các nhà khoa học, đứng đầu bởi TS Anne L. Wyllie từ Trường Y tế Công cộng Yale, Hoa Kỳ.
Nghiên cứu được thực hiện trên 70 bệnh nhân Covid-19, đã được khẳng định dương tính SARS-CoV-2 thông qua xét nghiệm dịch tỵ hầu bằng phương pháp RT-PCR tại bệnh viện ở nhiều thời điểm.
Trong thời gian 70 bệnh nhân này điều trị, nhóm nghiên cứu đã thu thập mẫu nước bọt (bệnh nhân tự lấy) và mẫu dịch tỵ hầu (do nhân viên y tế lấy) tại cùng một thời điểm.
Khi tiến hành xét nghiệm bằng phương pháp RT-PCR 2 loại mẫu bệnh phẩm này, nhóm nghiên cứu phát hiện trong các mẫu bệnh phẩm nước bọt có nhiều bản sao ARN của virus SARS-CoV-2 hơn so với mẫu dịch tỵ hầu. Bên cạnh đó, ở thời điểm 10 ngày kể từ khi các bệnh nhân chẩn đoán khẳng định mắc Covid-19, các mẫu nước bọt cho kết quả dương tính chiếm tỷ lệ cao hơn so với mẫu dịch tỵ hầu.
Tại thời điểm 1-5 ngày sau khi bệnh nhân được chẩn đoán mắc Covid-19, có 81% mẫu nước bọt cho kết quả dương tính, trong khi đó chỉ có 71% mẫu dịch tỵ hầu cho kết quả dương tính.
Theo nhóm tác giả, những kết quả thu được cho thấy, mẫu nước bọt và mẫu dịch tỵ hầu có độ nhạy tương đồng với nhau trong việc phát hiện SARS-CoV-2, trong thời gian bệnh nhân nằm viện.
Bên cạnh đó, nhóm tác giả cũng quan sát thấy nồng độ ARN của virus SARS-CoV-2 trong các mẫu nước bọt ít có sự biến động hơn so với các mẫu dịch tỵ hầu.
Các nghiên cứu gần đây cũng chỉ ra rằng, SARS-CoV-2 có thể được phát hiện trong mẫu nước bọt của các bệnh nhân không có triệu chứng lâm sàng và bệnh nhân không phải nhập viện. Do đó, nhóm nghiên cứu cũng đã tiến hành thử nghiệm trên các nhân viên y tế mắc Covid-19 không có triệu chứng.
Cụ thể thông qua xét nghiệm, các nhà khoa học đã phát hiện ARN của virus SARS-CoV-2 trong mẫu nước bọt của 13 nhân viên y tế. Những người này không hề có bất kì triệu chứng nào trước và trong thời điểm lấy mẫu. Kết quả dương tính này được khẳng định bằng xét nghiệm chẩn đoán bởi một phòng thí nghiệm đã được cấp phép.
Trong số 13 người này, nhóm nghiên cứu tiếp tục lấy mẫu tỵ hầu của 9 người trong cùng một ngày lấy mẫu nước bọt. Kết quả cho thấy 7/9 mẫu có kết quả xét nghiệm âm tính SARS-CoV-2.
Theo nhóm tác giả, sai số trong quá trình lấy mẫu tỵ hầu có thể là lời giải thích cho kết quả âm tính giả.
Nhóm tác giả cũng nêu quan điểm rằng, việc bệnh nhân tự lấy mẫu nước bọt sẽ không đòi hỏi sự tiếp xúc trực tiếp giữa bệnh nhân và nhân viên y tế, trong khi đây vốn là hạn chế của phương pháp xét nghiệm thông qua dịch tỵ hầu làm chậm tốc độ xét nghiệm. Bên cạnh đó, tránh tiếp xúc trực tiếp cũng sẽ giảm được nguy cơ lây nhiễm chéo.
Một vấn đề quan trọng khác, việc bệnh nhân có thể tự lấy mẫu nước bọt để phục vụ cho công tác xét nghiệm cũng sẽ giảm được tiêu hao: que lấy mẫu bệnh phẩm và phương tiện phòng hộ cá nhân so với việc nhân viên y tế phải trực tiếp lấy mẫu dịch tỵ hầu cho bệnh nhân.
"Trong bối cảnh nhu cầu xét nghiệm Covid-19 ngày càng tăng. Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy tiềm năng của phương pháp xét nghiệm SARS-CoV-2 thông qua mẫu nước bọt", nhóm tác giả nhấn mạnh.
( C. H sưu tầm)