Số ca mắc mới vẫn cao, TP.HCM sống chung với COVID-19 thế nào?

Ngày đăng: 01:36 04/10/2021 Lượt xem: 192

Số ca mắc mới vẫn cao, TP.HCM sống chung với COVID-19 thế nào?

                                                Nguồn: Báo Điện tử VTC

Từ 1/10, TP.HCM thực hiện Chỉ thị 18 về tiếp tục kiểm soát dịch bệnh và từng bước phục hồi, phát triển kinh tế trong bối cảnh số ca mắc COVID-19 mới vẫn cao.

 

TP.HCM mở cửa trở lại, từng bước phục hồi kinh tế trong bối cảnh vẫn ghi nhận số ca COVID-19 mỗi ngày còn cao, từ 2.000 - 3.000 ca mới/ngày (theo số liệu Cổng thông tin COVID-19 TP.HCM), việc trở về "Zero COVID-19" là rất khó.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng từng nói tại cuộc họp Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống COVID-19 ngày 23/9, "đạt "zero COVID-19" là điều rất khó khăn, tại những nước có tỷ lệ tiêm vaccine đạt 90% dân số, điều đó cũng không thể. Chúng ta đang xây dựng hướng dẫn thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch bệnh COVID-19". Điều này có nghĩa là chúng ta phải sống trong điều kiện có dịch, phải “sống chung với COVID-19”.

Phải thay đổi thói quen, nhận thức

Trả lời VTC News, ông Phạm Bình An, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển TP.HCM cho rằng, với tình trạng hiện nay, trở về cuộc sống bình thường mà không có COVID-19 là gần như không thể, thành phố sẽ chuẩn bị phương án “sống chung với COVID-19”, nhưng không phải sống chung với đại dịch.

Số ca mắc mới vẫn cao, TP.HCM sống chung với COVID-19 thế nào? - 1
Ông Phạm Bình An.

Điều này có nghĩa là chúng ta phải chuẩn bị cho một giai đoạn dài hơi, trong đó thay đổi rất lớn về cả xã hội, phương thức vận hành. Tức là nhận thức xã hội và thói quen, hoạt động cũng phải thay đổi theo phương thức “bình thường mới”.

“Ví dụ như đi xe buýt hay đi xem phim không ngồi ghế sát nhau nữa mà ngồi có khoảng cách, rồi vẫn phải khẩu trang, không những 5K mà còn 5T nữa, mở cửa trở lại nhưng không phải bình thường mà là “bình thường mới” với các biện pháp phòng dịch đi kèm. Tăng cường ý thức phòng dịch của người dân rất quan trọng, thì mới tạo cân bằng để sống chung với nó, chứ để dịch bùng lên là rất nguy hiểm”, ông An nhấn mạnh.

Hệ thống kinh doanh phải phù hợp, đưa ra mô hình sản xuất phù hợp, an toàn với dịch bệnh. Trong đó, doanh nghiệp vận hành nhưng về y tế, ăn ở, xử lý xét nghiệm, bán hàng… tất cả mọi thứ phải đồng bộ về an toàn phòng chống dịch để vận hành mà không phải đóng cửa. Tóm lại, chúng ta phải hiểu “sống chung với COVID-19” là luôn sẵn sàng các kịch bản, phương án chống dịch.

“Phải có mô hình phù hợp với dịch, không phù hợp thì không làm được. Sống chung với COVID-19 là hệ thống y tế phải cân bằng, lượng bệnh nhân COVID-19 đến bệnh viện phải điều trị ngay, không có sự quá tải. Quan trọng không được chủ quan, luôn trong tư thế sẵn sàng chống dịch. Phải kiểm soát, chứ thả ra mà bùng lên thì không thể nào sống chung được”, ông An nói.

Về an sinh xã hội, theo ông An, thành phố cần thay đổi cách hỗ trợ, linh hoạt để làm sao càng nhiều người dân được tiếp cận hỗ trợ. Theo cách thông thường, giấy tờ, hành chính hóa thì sẽ không phát được cho người dân, bài học về gói hỗ trợ 62.000 tỷ còn đó, còn nhiều người, nhiều hộ chưa tiếp cận được. Phải linh động trong hỗ trợ để dân có cuộc sống tốt thì sống chung với COVID-19 mới hiệu quả.

Mở tiêm vaccine COVID-19 dịch vụ

BS Trương Hữu Khanh, Cố vấn chuyên môn Khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM) cho rằng, yếu tố then chốt giúp thành phố trở lại “bình thường mới” là phủ vaccine”.

Theo ông Khanh, biến chủng Delta lây lan nhanh đến đâu không quan trọng bằng việc không để mắc bệnh, nếu có mắc bệnh thì chỉ là triệu chứng nhẹ, đó là tiêm ít nhất 1 mũi vaccine. Muốn “sống chung với COVID-19”, không còn cách nào khác là tiêm đủ 2 mũi vaccine cho người dân, đặc biệt là đối tượng có thể bệnh nặng và tử vong.

Tuy nhiên ông Khanh cho rằng, cách tiếp cận vaccine hiện nay theo hình thức công còn chậm, muốn trở lại sản xuất, kinh doanh thì phải phủ đủ vaccine (2 mũi) nhanh hơn nữa bằng cách mở tiêm dịch vụ, vì tiêm dịch vụ thì vaccine sẽ tới gần dân hơn, hiệu quả hơn.

Khuyến khích hình thức tư nhân thay vì tiêm vaccine hình thức công hiện nay, vì tiêm vaccine dịch vụ mình đã làm từ xưa đến giờ, chứ không phải bây giờ mới làm. Nếu tư nhân làm được hãy để cho họ làm, mới nhanh chóng phủ vaccine để phục hồi kinh tế vì hình thức công làm không kịp. Một trong những yếu tố quan trọng để “sống chung với COVID-19” là có vaccine đáp ứng miễn dịch cộng đồng. Do đó, có vaccine phải đẩy nhanh chích hơn nữa”, BS Khanh nói.

Số ca mắc mới vẫn cao, TP.HCM sống chung với COVID-19 thế nào? - 2
BS Trương Hữu Khanh.

Trong vấn đề điều trị, muốn “sống chung với COVID-19”, theo BS Khanh, thành phố phải tăng năng lực phát hiện sớm những người nguy cơ để “ngăn cản” họ lây nhiễm và lây lan cộng đồng. Đồng thời khi phát hiện sớm người mắc COVID-19 để bảo vệ họ không bệnh nặng, tránh tử vong. Do đó, phục hồi kinh tế phải đi đôi với tăng khả năng đáp ứng điều trị của y tế.

Những F0 khỏi bệnh cũng là một lực lượng quan trọng trong để khôi phục sản xuất, kinh doanh và các hoạt động khác, bởi theo BS Khanh họ chưa cần tiêm vaccine (vì tiêm cũng không hiệu quả) và có hệ miễn dịch với COVID-19 tự nhiên. Theo nguyên tắc dịch tễ học, F0 khỏi bệnh có hệ miễn dịch kéo dài ít nhất 6 tháng hoặc cũng có thể kéo dài suốt đời, do đó họ có thể “sống chung với COVID-19” mà không sợ lây lan dịch bệnh.

Theo BS Khanh, 4 nhóm người cần được lãnh đạo TP.HCM xem xét cơ chế riêng trong giai đoạn phục hồi kinh tế, “bình thường mới” là F0 khỏi bệnh, người tiêm đủ 2 mũi vaccine, người tiêm mũi 1 qua 14 ngày, gia đình trẻ.

“Bởi người đã khỏi bệnh sẽ khó nhiễm lại, người tiêm 2 mũi vaccine nếu bị nhiễm sẽ có triệu chứng nhẹ và rất ít tử vong. Người mới tiêm 1 mũi vaccine ít có nguy cơ bệnh nặng. Các gia đình trẻ nếu bị nhiễm cũng sẽ bệnh nhẹ, ít chuyển nặng”, BS Khanh nói.

( C. H sưu tầm)

tin tức liên quan