4 cấp độ dịch - bước ngoặt về chiến lược ứng phó với dịch Covid-19

Ngày đăng: 08:19 14/10/2021 Lượt xem: 133

  4 cấp độ dịch - bước ngoặt về chiến lược ứng phó với dịch Covid-19

                                                 Nguồn: Báo Điện tử Dân Trí

Sức khỏe và an toàn của Nhân dân là trên hết nhưng khôi phục, phát triển kinh tế - xã hội, ổn định mọi mặt đời sống phù hợp với tình hình mới cũng là yêu cầu hết sức quan trọng.

 

                                                                              

Nghị quyết 128 quy định rõ từng cấp độ dịch khác nhau đối với việc mở cửa các hoạt động dịch vụ.

Ngày 11/10, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã ký ban hành Nghị quyết 128/NQ-CP quy định tạm thời "thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19".

Nghị quyết này tiếp tục khẳng định mục tiêu cao nhất của Chính phủ là "bảo vệ tối đa sức khỏe, tính mạng của người dân; hạn chế đến mức thấp nhất các ca mắc, ca chuyển bệnh nặng, tử vong do Covid-19; khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội; thực hiện "mục tiêu kép", đưa cả nước chuyển sang trạng thái bình thường mới sớm nhất có thể, phấn đấu trong năm 2021".

Sau thời gian dài huy động tổng lực để chống dịch, nỗ lực bao phủ vaccine, chúng ta đã đạt được nhiều thành quả đáng ghi nhận, nhiều địa phương cơ bản kiểm soát tốt dịch bệnh nhưng nguy cơ vẫn luôn hiện hữu với nhiều thách thức mới. Bởi vậy, có thể nói, đây là một quyết định có tính bước ngoặt về chiến lược ứng phó với dịch Covid-19 trong tình hình mới và yêu cầu về khôi phục, phát triển kinh tế - xã hội.

Việc tạm thời không áp dụng các quy định về phòng, chống dịch với những biện pháp hành chính mạnh như Chỉ thị 15, Chỉ thị 16 hay Chỉ thị 19 không chỉ khẳng định hiệu quả đã đạt được của công tác chống dịch thời gian qua mà được xem là sự linh hoạt, biện pháp "giải nén tâm lý" để người dân chuẩn bị cho một giai đoạn mới, sẵn sàng cùng đất nước bước qua đại dịch.

Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ phân làm 4 cấp độ dịch gồm vùng có nguy cơ thấp, vùng có nguy cơ trung bình, vùng nguy cơ cao và vùng nguy cơ rất cao, tương ứng với các màu xanh, vàng, cam và đỏ. Với việc xác định 4 cấp độ dịch ngay từ cấp xã (thậm chí là dưới cấp xã) với những quy định cụ thể, thống nhất trong toàn quốc, chúng ta đang chuyển hẳn từ thế "phòng ngự" sang chủ động thích ứng với diễn biến của dịch Covid-19.

Tại Nghị quyết này, Chính phủ cũng phân công cụ thể, chi tiết trách nhiệm của các bộ, ngành trong việc thực hiện "mục tiêu kép". Đặc biệt  là các địa phương đã được "trao quyền" chủ động xác định, phân loại cấp độ dịch cũng như áp dụng các biện pháp chống dịch một cách sáng tạo, phù hợp với các giải pháp khôi phục, ổn định đời sống, sản xuất...

Đảm bảo sự linh hoạt trong chống dịch và phát triển kinh tế, ổn định xã hội đòi hỏi trách nhiệm cao hơn và tầm nhìn bao quát hơn của lãnh đạo bộ ngành cũng như các địa phương. Và sự linh hoạt, chủ động, sáng tạo trong chỉ đạo, điều hành chỉ thực sự phát huy được hiệu quả khi có sự phối hợp đồng bộ, thống nhất, chấm dứt tình trạng cát cứ hay đề ra các giải pháp trên mức cần thiết ảnh hưởng không tốt tới sản xuất kinh doanh, đời sống xã hội tại các địa phương.

Cuộc chiến chống dịch Covid-19 vẫn đang đặt ra nhiều thách thức lớn đối với mỗi quốc gia, mỗi dân tộc. Khi chưa có thuốc điều trị Covid-19 đặc hiệu, tỉ lệ bao phủ vaccine chưa đạt được như kỳ vọng, các biến thể mới của virus liên tục được phát hiện với những chủng phức tạp, khả năng tác động mạnh và lây lan nhanh đe dọa thành quả chống dịch, chúng ta không được phép lơ là, chủ quan.

Hơn lúc nào hết, mỗi người dân, mỗi doanh nghiệp, mỗi địa phương cần phải chủ động, tích cực gánh vác nhiệm vụ chung, để mục tiêu "đưa cả nước chuyển sang trạng thái bình thường mới sớm nhất có thể, phấn đấu trong năm 2021" trở thành hiện thực.

( C. H sưu tầm)

tin tức liên quan