Đại dịch Covid-19 toàn cầu sắp bị 'xóa sổ'?

Ngày đăng: 09:47 02/11/2021 Lượt xem: 200

                        Đại dịch Covid-19 toàn cầu sắp bị 'xóa sổ'?

                                                                     Nguồn: Báo Điện tử InfoNet

Giới chuyên gia nhận định, viễn cảnh tương lai của đại dịch Covid-19 trên toàn cầu sẽ dựa vào tình hình tiêm phòng vắc xin ở các nước. 

 

Khi thế giới chính thức ghi nhận hơn 5 triệu ca tử vong vì Covid-19, các chuyên gia nhận định con đường tương lai của đại dịch sẽ phụ thuộc lớn vào tình hình tiêm phòng vắc xin ngừa virus corona của các nước.

Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP) dẫn lời các chuyên gia, số người tử vong do Covid-19 thực tế còn cao hơn con số 5 triệu ca dựa trên số liệu chính thức được các nước cập nhật hàng ngày.

 
Đại dịch Covid-19 toàn cầu sắp bị ''xóa sổ''?
 
Thế giới ghi nhận hơn 5 triệu ca tử vong vì Covid-19. (Ảnh: Reuters)

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ước tính, tổng số ca tử vong vì Covid-19 có thể cao gấp 3 lần so với số liệu chính thức được công bố.

Tạp chí Economist cũng cho rằng, khoảng 17 triệu người trên toàn thế giới đã tử vong vì nhiễm virus corona.

“Với tôi, con số này đáng tin hơn”, Giáo sư Arnaud Fontanet tại Viện Pasteur nói.

Song số ca tử vong vì Covid-19 hiện vẫn thấp hơn so với các đại dịch xảy ra trong quá khứ như dịch cúm Tây Ban Nha từng cướp đi sinh mạng của 50 – 100 triệu người từ năm 1918 – 1919.

Hay như bệnh AIDS cũng đã khiến hơn 36 triệu người tử vong trong vòng hơn 40 năm.

Nhưng nhà virus học tại Viện Pasteur là ông Jean-Claude Manuguerra nhấn mạnh, Covid-19 “đã gây ra rất nhiều ca tử vong chỉ trong một khoảng thời gian ngắn”.

“Đại dịch Covid-19 có thể còn khủng khiếp hơn, nếu như tất cả biện pháp ngăn chặn không được thực hiện mà nhất là hạn chế hoạt động đi lại của người dân và tiêm phòng vắc xin”, ông Fontanet cho hay.

Dịch đã lắng xuống?

Ông Fontanet giải thích virus bùng phát thành dịch thường chia làm 2 giai đoạn.

Đầu tiên là “giai đoạn dịch bùng nổ” khi virus lây lan nhanh trong cộng đồng. Giai đoạn thứ hai là “lắng xuống” khi hệ miễn dịch đã được xây dựng và dịch trở thành bệnh ở địa phương.

Ông Fontanet nhấn mạnh thêm đối với Covid-19, “đây là lần đầu tiên trong lịch sử dịch bệnh mà toàn cầu cùng cố gắng đẩy nhanh quá trình chuyển đổi của 2 giai đoạn”, ông Fontanet cho hay.

Cụ thể, hoạt động chuyển giao được tăng tốc nhờ chương trình tiêm vắc xin Covid-19.

“Tiêm vắc xin giúp cộng đồng tạo ra hệ miễn dịch chống lại virus chỉ trong vòng 18 tháng, trong khi chuyện này bình thường mất từ 3 – 5 năm với số ca tử vong còn nhiều hơn”, ông Fontanet nói thêm.

Đó là lý do tại sao các giai đoạn tiếp theo của dịch bệnh sẽ phụ thuộc vào mức độ bao phủ vắc xin Covid-19 của mỗi nước, cùng hiệu quả của các loại vắc xin đã được dùng.

“Virus vẫn sẽ biến đổi. Mục tiêu hiện nay không còn là xóa bỏ virus, mà là bảo vệ để chống lại các biến chủng nguy hiểm”, ông Fontanet cho biết.

Ông Manuguerra nói thêm, “ý tưởng hiện nay là không để Covid-19 dẫn tới bệnh viện hoặc nghĩa trang”.

Tương lai với các nước

Đại dịch được dự đoán sẽ thay đổi theo từng đợt. Tại các nước công nghiệp, nơi hầu hết người dân đã được tiêm vắc xin, dịch Covid-19 đang suy giảm. Trong khi đó, số ca mới mắc vẫn bùng phát tại những nước có số đông người dân chưa được tiêm phòng.  

Giáo sư Fontanet cho biết: “Đối với các nước công nghiệp phát triển, tôi tin rằng chúng ta đang bước vào đợt dịch Covid-19 theo mùa, có lẽ sẽ nghiêm trọng hơn một chút so với dịch cúm trong những năm đầu tiên trước khi lắng xuống”.

Ông Fontanet cũng nhấn mạnh, khả năng miễn dịch toàn cầu sẽ được xây dựng theo từng lớp, và các loại vắc xin giúp tạo ra khả năng miễn dịch. Điều này cũng tương tự như ở các nước Trung Quốc hay Ấn Độ, hai quốc gia có năng lực tiêm chủng vắc xin diện rộng.

Trong khi đó, các quốc gia áp dụng chiến lược “zero Covid” nhằm loại bỏ tận gốc virus corona sẽ gặp thất bại, do sự xuất hiện của những biến chủng có khả năng lây lan nhanh như Delta.  

Giáo sư Fontanet nhận định, nhiều nước đã chạy đua tiêm vắc xin Covid-19 cho người dân giống như Australia và New Zealand. Nhưng dịch bệnh vẫn sẽ nghiêm trọng ở những nơi còn hạn chế nguồn cung vắc xin Covid-19 như châu Phi.

Ông Fontanet nói thêm, tình trạng tái bùng phát số ca mới mắc Covid-19 ở Đông Âu cho thấy sự thất bại của chiến dịch tiêm phòng khi không thể tiêm đủ dân số “khiến dịch trở nên nghiêm trọng và tạo ra gánh nặng cho các bệnh viện”.

Nhưng ngay cả ở Tây Âu, khu vực có tỷ lệ tiêm chủng cao, số ca mới mắc gần đây đã tăng lại. "Điều này khiến chúng ta cần phải thận trọng trong thời gian tới", ông Manuguerra cho hay. 

Biến chủng mới

Mối lo sợ nhất hiện nay là sự xuất hiện của biến chủng mới có khả năng kháng các loại vắc xin Covid-19 đang được sử dụng.

Delta đã loại bỏ các biến thể trước đó bao gồm cả Alpha và ngăn chặn các chủng mới như Mu hoặc Lambda lây lan. Nhưng các chuyên gia dự đoán Delta sẽ tiếp tục đột biến và có thể kháng vắc xin Covid-19.

“Delta là virus chính. Nguy cơ xuất hiện đột biến của một biến thể là có,” ông Manuguerra nói.

Cụ thể, chính quyền Anh đang theo dõi biến thể Delta Plus AY4.2 vốn là đột biến của biến thể Delta. Hiện chưa có bằng chứng nào cho thấy, các loại vắc xin Covid-19 đang được sử dụng bị giảm hiệu quả ngăn chặn nguy cơ nhiễm biến thể Delta Plus.

( C. H sưu tầm)


 

tin tức liên quan