Hùng Dũng và cái lý của ông Park
Nguồn: Báo Điện tử Công An Nhân Dân
Câu chuyện Hùng Dũng không lên tuyển Việt Nam vì mới phục hồi chấn thương có thể mang đến nhiều ý kiến trái chiều. Thế nhưng, ông Park cũng có cái lý của riêng mình.
Sau quá trình điều trị chấn thương, tiền vệ Đỗ Hùng Dũng đã kết thúc giai đoạn hồi phục chấn thương và chuyển sang giai đoạn tập luyện để trở lại thi đấu với cường độ tăng dần. Vì thế, huấn luyện viên Park Hang-seo đã điền tên anh vào danh sách tập trung tuyển Việt Nam trước hai trận đấu với Nhật Bản và Saudi Arabia tại vòng loại thứ 3 World Cup 2022.
Thực tế, mục đích của ông Park để cầu thủ của Câu lạc bộ Hà Nội bắt nhịp lại với môi trường đội tuyển và có sự phối hợp điều trị ở giai đoạn hồi phục hoàn toàn chấn thương. Đây vẫn là điều ông Park từng làm trước đây với những trường hợp như Văn Hậu, Trọng Hoàng, Đình Trọng… Kế hoạch của ông Park là chuẩn bị cho Hùng Dũng sẽ trở lại ở AFF Cup 2020 diễn ra vào tháng 12.
Tuy nhiên, điều ông Park không ngờ đến là việc Câu lạc bộ Hà Nội đã có ý kiến phản hồi công văn triệu tập Hùng Dũng. Theo đó, câu lạc bộ này đã đưa ra khuyến cáo từ bác sĩ của đội cũng như Trung tâm PVF, nơi Hùng Dũng điều trị chấn thương để cầu thủ này được ở lại tập luyện.
“Căn cứ vào báo cáo của bộ phận y tế Câu lạc bộ Hà Nội cùng chương trình chữa trị do Trung tâm PVF đang thực hiện, Câu lạc bộ Hà Nội đã có sự trao đổi với VFF về việc ngay tại thời điểm này, cầu thủ Đỗ Hùng Dũng nên ở lại câu lạc bộ, nghiêm túc luyện tập hồi phục chấn thương theo giáo án sẵn có”, Câu lạc bộ Hà Nội bày tỏ quan điểm.
Cuối cùng, huấn luyện viên Park Hang-seo và VFF đã quyết định dừng triệu tập Hùng Dũng theo đề xuất đến từ câu lạc bộ. Đây là câu chuyện đã đưa đến nhiều ý kiến khác nhau. Trước đó, đa số ý kiến cho rằng, huấn luyện viên Park Hang-seo cần “giữ đôi chân cho cầu thủ” thay vì cố gắng triệu tập khi chưa thực sự sẵn sàng. Tuy nhiên, huấn luyện viên Park Hang-seo có cái lý của mình khi đưa ra quyết định triệu tập Hùng Dũng.
Đầu tiên, cần phải thấy rằng, ông Park đang chịu sức ép thành tích rất lớn. Sau 4 trận thua liên tiếp của tuyển Việt Nam ở vòng loại thứ 3 World Cup 2022, sức nóng đã phả lên huấn luyện viên người Hàn Quốc đến từ cả truyền thông, giới chuyên môn và người hâm mộ. Ngay cả bầu Hiển cũng không giữ được sự im lặng sau những trận thua của tuyển Việt Nam cũng như sự “bảo thủ” của ông Park. Và với quãng thời gian gắn bó với bóng đá Việt Nam đủ để ông Park “ngửi” ra thời cuộc.
Ông thầy người Hàn Quốc hiểu rằng, giải đấu cứu cánh danh vọng của ông chỉ có thể là AFF Cup 2020. Vì thế, ông cần đến những cầu thủ quan trọng như Hùng Dũng. Việc triệu tập cầu thủ này khi vừa hồi phục chấn thương chính là bước chuẩn bị quan trọng để có thể sớm đưa Hùng Dũng quay trở lại thi đấu. Có Hùng Dũng trong đội hình, nhiệm vụ “làm mới” tuyển Việt Nam và bảo vệ chức vô địch AFF Cup cũng khả thi hơn.
Bên cạnh đó, cần phải thấy rằng, ông Park triệu tập Hùng Dũng đúng thời điểm cầu thủ này vừa hồi phục chấn thương. Điều này cho thấy, ông thầy người Hàn Quốc theo dõi rất kỹ quá trình trị liệu, hồi phục của học trò. Việc triệu tập chắc chắn đã được tham khảo kỹ ý kiến của các bác sĩ đội tuyển cũng như chuyên gia y tế.
Ông Park từng chia sẻ rằng: “Tôi muốn khẳng định mình không tự đưa ra quyết định sử dụng cầu thủ. Tôi luôn lắng nghe những tư vấn của bác sĩ, tâm tư và mong muốn ra sân của cầu thủ mà đánh giá thực tế. Tôi sẽ không vì mục tiêu cá nhân mà mạo hiểm chấn thương và tương lai của cầu thủ”.
Thực tế, trong quãng thời gian 2 năm gần đây, khi trả lời truyền thông về chấn thương của các cầu thủ, ông Park thường nhường lời cho các bác sĩ đội tuyển. Điều này nhằm chứng minh tính khách quan cũng như những thông tin chuyên môn y tế kỹ hơn, Đó cũng là cách ông Park gửi thông điệp rằng, bản thân mình không bao giờ “cố tình” sử dụng cầu thủ chấn thương. Đấy là cái lý của ông Park mà có thể thông cảm. Tuy nhiên, nhìn những trường hợp của Đình Trọng, Văn Hậu tái phát chấn thương khi lên tuyển trong giai đoạn mới hồi phục là điều có thể hiểu cho phản ứng của Câu lạc bộ Hà Nội. Từ trường hợp của Hùng Dũng dấy lên một câu chuyện giữa lợi ích đội tuyển và câu lạc bộ. Và trong nhiều trường hợp, cái lý của ông Park chưa hẳn lúc nào cũng được đáp ứng.
VFF hỗ trợ khán giả xét nghiệm COVID-19
Tuyển Việt Nam lần lượt tiếp đón tuyển Nhật Bản (11/11) và Saudi Arabia (16/11) trên sân Mỹ Đình tại vòng loại thứ 3 World Cup 2022. Hai trận đấu này đánh dấu sự trở lại của khán giả sau hơn 2 năm với số lượng 12.000 người/trận.
Theo đó, người hâm mộ khi vào sân phải đảm bảo các điều kiện bắt buộc, bao gồm tiêm đủ 2 mũi vaccine phòng COVID-19 (mũi 2 đã qua 14 ngày trở lên) hoặc giấy chứng nhận đã khỏi bệnh COVID-19 trong vòng 6 tháng trở lại đây, giấy xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 trong vòng 72 giờ trước khi trận đấu diễn ra.
Với mong muốn hỗ trợ tốt nhất cho khán giả tới sân Mỹ Đình theo dõi và cổ vũ tuyển Việt Nam thi đấu, Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) kết hợp với Bệnh viện Medlatec (37 địa điểm trên toàn quốc) về việc hỗ trợ tổ chức thực hiện test nhanh COVID-19 với chi phí hợp lý 100.000 đồng/test/người (đã bao gồm thuế phí).
Khi đến các địa điểm thực hiện test nhanh COVID-19 do VFF bố trí, khán giả cần xuất trình vé xem 2 trận đấu và giấy tờ tuỳ thân để được thực hiện với chi phí ưu đãi. Thời gian tổ chức xét nghiệm cho khán giả như sau: Trận Việt Nam - Nhật Bản từ 7h30 - 18h00 ngày 9 - 10/11/2021 và từ 7h30 - 10h00 ngày 11/11/2021. Trận Việt Nam - Saudi Arabia từ 7h30 - 18h00 ngày 14 - 15/11/2021 và từ 7h30 - 10h00 ngày 16/11/2021. Nếu khán giả lấy mẫu trước 10h00 thì sẽ nhận kết quả xét nghiệm từ 12h30 - 13h00 cùng ngày. Nếu lấy mẫu trước 18h00 thì khán giả nhận kết quả xét nghiệm từ 7h00 đến 7h30 sáng hôm sau. Theo quy định của VFF, khán giả được yêu cầu phải quét mã QR tại tất cả các cổng vào khán đài để kiểm soát người ra vào sân. Việc áp dụng công nghệ vào công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại Hà Nội đang cho thấy hiệu quả tích cực thời gian qua. Đây là cơ sở để VFF và thành phố Hà Nội tổ chức các trận đấu bóng đá quốc tế trong điều kiện thích ứng an toàn cùng dịch bệnh.
H.H
( C. H sưu tầm)