Hà Nội có quá tải điều trị bệnh nhân COVID-19 khi F0 tăng mạnh?
Nguồn: Báo Điện tử Công An Nhân Dân
Trong 1 tuần gần đây, số ca mắc COVID-19 của Hà Nội tăng cao, có ngày lên tới gần 800 ca, đặc biệt mỗi ngày ghi nhận hơn 200 F0 cộng đồng?
Như Báo CAND phản ánh, trong những ngày vừa qua, nhiều người dân Hà Nội test nhanh COVID-19, khi có kết quả dương tính đã tự đến bệnh viện, gây nguy cơ lây lan dịch bệnh và quá tải hệ thống y tế điều trị tầng 2, 3, làm mất cơ hội điều trị của nhiều người bệnh nặng. Sáng 9/12, quay trở lại Bệnh viện Thanh Nhàn, chúng tôi ghi nhận vẫn tiếp tục có nhiều trường hợp test nhanh tại nhà, sau đó dương tính tự đến viện, liệu có phải do họ lo ngại quá tải nơi điều trị?
Tự nhập viện, gây khó khăn cho bệnh viện tầng 3
Sáng 9/12, đến khu vực sàng lọc, thu dung người bệnh COVID-19 của Bệnh viện Thanh Nhàn, chúng tôi gặp rất nhiều người dân đến khám, sau đó làm xét nghiệm PCR SARS-CoV-2, trong đó có người tự xét nghiệm nhanh tại nhà, khi có kết quả dương tính thì vào đây.
Ông L.V.T, 74 tuổi, ở phố Lê Thanh Nghị, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội, cho biết: “Tôi đã tiêm 2 mũi vaccine phòng COVID-19, gần như chỉ ở nhà, không đi đâu, tự dưng thấy đau họng, thỉnh thoảng ho, đi khám bệnh mãn tính bác sĩ thấy tôi có dấu hiệu nên bảo tới khu vực khám sàng lọc. Kết quả test nhanh dương tính rồi, giờ đang chờ xét nghiệm PCR”. Theo ông T, cả nhà ông gồm 6 người và không ai có triệu chứng bệnh, ông không biết lây COVID-19 ở đâu.
Theo ghi nhận của chúng tôi, có nhiều người đến khu vực khám sàng lọc khi có các triệu chứng ho, đau rát họng, mất vị giác và cầm sẵn “túi quần áo” để nhập viện. Nhiều người tự test COVID-19 tại nhà dương tính và tự vào viện, khi tới đây được lấy mẫu xét nghiệm PCR và ngồi ngoài chờ kết quả.
Theo lời kể của chị N.M.L, ở quận Đống Đa, thì 2 hôm nay chị thấy có biểu hiện bệnh như đau họng, ho, sốt nên tự đến viện. Có nhà hai mẹ con cùng test nhanh dương tính và cùng vào đây. Khi được hỏi, hầu hết các trường hợp này đều cho biết, họ chưa báo với chính quyền và y tế địa phương mà tự đi vào viện.
Trao đổi với phóng viên vào sáng 9/12, BSCKII Nguyễn Thu Hường, Trưởng Đơn nguyên Phòng, chống dịch COVID-19, Bệnh viện Thanh Nhàn cho biết, trước tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, người dân tự mua test nhanh, khi có kết quả dương tính, người dân không thông báo với chính quyền địa phương, trung tâm y tế quận và trạm y tế phường, mà tự đi thẳng đến Bệnh viện Thanh Nhàn.
Việc người dân tự ý di chuyển với quãng thời gian rất dài dẫn đến nguy cơ lây nhiễm, gây nên tình trạng quá tải cho bệnh viện. “Khu khám sàng lọc của chúng tôi có phân luồng, nhưng với mức độ ồ ạt của bệnh nhân đã ảnh hưởng đến công tác phân luồng cho bệnh viện”, BS Hường nói.
Theo BS Hường, mỗi ngày có trên 20 bệnh nhân tự làm xét nghiệm có kết quả dương tính đến Bệnh viện Thanh Nhàn. “Bệnh nhân tự đến phòng khám của chúng tôi và chờ đợi bệnh viện tiếp nhận và làm kết quả PCR, gây ra quá tải cho bệnh viện. Thời gian chờ đợi lâu, không có chỗ để chờ đợi gây ra lây chéo tại khu vực cách ly”, BS Hường nói.
BS Hường cũng cho biết thêm, gần như các bệnh nhân có test nhanh dương tính thì khi làm PCR 99% là dương tính. Bệnh nhân như thế sẽ được phân tầng. Nếu ở tầng 1, bệnh viện có xe chuyển họ sang điều trị ở bệnh viện dã chiến; còn tầng 2 và 3 thu dung vào điều trị.
Bệnh viện Thanh Nhàn thường tiếp nhận trên 100 bệnh nhân COVID-19, tuy nhiên thời điểm này là 120 bệnh nhân. Trong đó, có khoảng 20-30 bệnh nhân nặng, cá biệt có giai đoạn lên đến 40 bệnh nhân ở tầng 3 - tầng thở oxy cho đến khi bệnh nhân phải can thiệp bằng thở máy.
Hiện nay, ở khu vực điều trị tầng 2 cũng đang quá tải do bệnh nhân nhập viện lúc đầu. “Chúng tôi có bệnh nhân ở tầng 1 mong được vào bệnh viện để điều trị. Đây là gánh nặng cho ngành Y tế bởi số giường điều trị cho bệnh nhân tầng 1 sẽ mất đi cơ hội điều trị cho bệnh nhân tầng 3 có cơ hội cứu sống được; số giường giảm đi, chúng tôi không thể nhận thêm bệnh nhân tầng 3”, BS Hường nêu ra thực tế hiện nay.
Phải hướng dẫn người bệnh, phân luồng từ cơ sở
Vì sao Hà Nội lại xuất hiện tình trạng người dân test COVID-19 dương tính tự đến viện? Liệu có phải do người dân lo lắng khi mình dương tính nhưng chưa được đi điều trị ngay, phải chờ đợi lâu, nên đã tự đến viện? Hoặc, có nơi không hướng dẫn cho người dương tính nhẹ, không triệu chứng, mà chỉ nói “đang quá tải, chưa có nơi thu dung” và bảo người bệnh chờ, nên đã dẫn đến tâm lý lo lắng và họ tự vào viện?
Theo phản ánh của một người dân ở quận Đống Đa, gia đình có cháu nhỏ 11 tuổi dương tính, báo lên y tế phường nhưng chờ đợi vài ngày vẫn chưa được đưa đến cơ sở y tế điều trị. Khi cháu bé sốt 39 độ, gia đình khá sốt ruột, lại thông báo tiếp thì hôm sau mới được đưa đi điều trị tại bệnh viện dã chiến ở Phú Xuyên.
Trong vai một người dân, chúng tôi gọi điện đến Trạm Y tế phường Trung Liệt, quận Đống Đa để hỏi “Nếu có dấu hiệu nghi ngờ nhiễm SARS-CoV-2 thì sẽ phải làm sao?”. Người tiếp nhận điện thoại cho biết: “Nếu có kết quả xét nghiệm dương tính thì chụp kết quả gửi lên; còn nếu chưa có thì để lại tên, số điện thoại, ngày mai bên trên có lấy mẫu thì lên làm xét nghiệm, phường không xuống nhà lấy mẫu”.
Người nhận điện thoại cũng cho biết, Hà Nội đang đông bệnh nhân, nếu có kết quả dương tính phải chờ phường báo lên Trung tâm vận chuyển cấp cứu 115, khi có nơi tiếp nhận mới được đưa đi. Vị này cũng khẳng định, kể cả chuyển muộn nhất cũng là 3-4 ngày, không có trường hợp nào 5-6 ngày mới được đưa đi viện.
BS Nguyễn Thu Hường cho biết, về tâm lý người bệnh, khi mắc bệnh ai cũng mong được đến cơ sở y tế tốt để điều trị. Tuy nhiên, khuyến cáo của bác sĩ, bệnh nhân ở tầng 1 có thể được điều trị tại nhà theo quy định của TP cũng như Sở Y tế thì phải báo với chính quyền và y tế địa phương. Nhưng có thực tế, người bệnh vào đây nói rằng, họ báo lên Trạm Y tế phường rằng đã test nhanh dương tính, nhưng y tế phường trả lời người dân "đi đến Bệnh viện Thanh Nhàn mà khám".
“Cán bộ y tế không hướng dẫn người bệnh ở lại theo dõi, phân tầng, do vậy việc người dân tự ý đến viện cũng là trách nhiệm của cán bộ y tế khi chưa làm cho người dân tin tưởng tuyệt đối. Đó là vai trò của Sở Y tế và Trung tâm Y tế các quận, huyện, phải tập huấn về kiến thức chuyên môn cho y tế cơ sở, làm sao để người dân tin tưởng khi họ bị dương tính, họ phải đi từ cấp dưới lên; làm cho người dân yên tâm ở nhà theo dõi, điều trị, thay vì người dân cứ lên thẳng bệnh viện gây khó khăn cho công tác phân luồng”, BS Hường nhấn mạnh.
Trước lo ngại của người dân về quá tải bệnh viện điều trị F0, BS Khổng Minh Tuấn, Phó Giám đốc CDC Hà Nội khẳng định: Hiện Hà Nội đang điều trị hơn 5.600 bệnh nhân, trong khi đó đã có phương án điều trị cho 50.000-100.000 bệnh nhân, nên giờ chưa quá tải.
Giám đốc Bệnh viện Đống Đa TS.BS Phạm Bá Hiền cho biết, hiện cơ sở điều trị F0 tầng 1 của bệnh viện ở Đền Lừ đang tiếp nhận 1.000 bệnh nhân, đủ công suất. Nếu số ca mắc mới tiếp tục tăng, TP đã tính phương án mở rộng để nâng công suất giường bệnh. Bệnh viện Thanh Nhàn cũng tính đến mở rộng cơ sở điều trị ở Yên Sở, Hoàng Mai.
Vậy, người dân xét nghiệm dương tính phải làm gì khi chưa được đưa đến cơ sở y tế phân tầng? “Khi có kết quả test nhanh, việc đầu tiên người bệnh kết nối chặt chẽ với cán bộ y tế phường, vì cán bộ y tế cơ sở đã được tập huấn phải theo dõi gì, khi nào bệnh nhân chuyển nặng phải báo cáo ngay; người bệnh lúc này được quan tâm, hỗ trợ. Người dân sau khi phát hiện mình dương tính, hãy bình tĩnh, lắng nghe cơ thể, làm theo hướng dẫn của nhân viên y tế như đo nhiệt độ 2 lần/ngày, đo SPO2, nếu có thấy khó thở phải báo ngay cho y tế địa phương”, BS Hường khuyến cáo.
( C.H sưu tầm)