Nhiều hệ lụy khi F0 tự điều trị thuốc kháng virus, thuốc chống đông

Ngày đăng: 03:48 24/01/2022 Lượt xem: 169

      Nhiều hệ lụy khi F0 tự điều trị thuốc kháng virus, thuốc chống đông

                                           Nguồn: Báo Điện tử Thời Mới

Tự dùng thuốc kháng virus, thuốc chống đông, thuốc corticoid, hoặc mượn đơn từ TP Hồ Chí Minh, đơn trên mạng mua thuốc uống… đã dẫn tới nhiều nguy hại cho bệnh nhân COVID-19 điều trị tại nhà. Nhiều trường hợp tụt huyết áp, không bắt được mạch, hoặc chảy máu, sốc mất máu do tự ý dùng thuốc chống đông máu trong quá trình điều trị COVID-19 tại nhà.


 

Nguy kịch vì F0 tự uống thuốc

Trong những ngày qua, mỗi ngày Hà Nội ghi nhận trên dưới 2.900 ca mắc COVID-19, tỷ lệ bệnh nhân nhẹ, không triệu chứng chiếm hơn 95%. TP có hơn 60.000 F0 đang điều trị, trong đó có hơn 50.000 người điều trị tại nhà và các cơ sở thu dung quận, huyện, trạm y tế lưu động. Với số lượng F0 điều trị tại nhà rất lớn, nhiều nơi quá tải dẫn tới nhiều trường hợp F0 tự điều trị, không khai báo; hoặc có khai báo nhưng khi phát hiện dương tính đã tự uống thuốc kháng virus, thuốc chống đông, thuốc ức chế miễn dịch.

Theo lãnh đạo Sở Y tế Hà Nội, vừa qua ở Thủ đô có hiện tượng người dân tự mua thuốc kháng virus về uống khi phát hiện mình dương tính, thậm chí còn mua thuốc theo đơn của người bệnh từ TP Hồ Chí Minh chuyển ra. TS.BS Nguyễn Đình Hưng, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết: “Sử dụng thuốc rất quan trọng. Gói thuốc số 2 của TP Hồ Chí Minh có thuốc corticosteroid – thuốc ức chế miễn dịch. Có F0 mua theo và tự uống làm cho bệnh nặng lên. Nếu uống thuốc này sớm làm cho vi khuẩn mạnh hơn dẫn tới bệnh nặng hơn. Vì vậy, người dân sử dụng thuốc phải có chỉ định của bác sĩ, không tự ý mua. Thuốc phải dùng đúng chỉ định, không nên khuyến cáo dùng quá nhiều, khi cần mới dùng”.

Qua tư vấn cho nhiều F0 điều trị tại nhà, BS Nguyễn Huy Hoàng, Trung tâm Oxy cao áp thuộc Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga, Bộ Quốc phòng cho biết có nhiều người đã tự ý dùng song song thuốc kháng virus và kháng sinh hoặc dùng đồng thời 2 loại thuốc kháng đông. Nguyên nhân do nhiều người chưa phân biệt được thuốc nào là kháng virus, kháng sinh, kháng đông, kháng viêm nên đã dùng cùng lúc, điều này rất nguy hiểm.

Theo chỉ dẫn của BS Hoàng, thuốc kháng virus (dù nhiều tên nhưng chỉ có 2 loại thành phần là favipiravir và molnupiravir), chỉ nên dùng trong vòng 7 ngày sau khi xuất hiện triệu chứng đầu tiên (thường là sốt). Mỗi đợt nên dùng 5 - 10 ngày hoặc theo đúng hướng dẫn của chương trình thử nghiệm. Khi đang dùng thuốc kháng virus đường uống, không được dùng kết hợp với thuốc kháng viêm corticoid.

Theo khuyến cáo của BS Hoàng, thuốc kháng viêm (Dexamethasone 0,5mg hoặc Methylprenisolon 16mg) là nhóm thuốc dễ bị lạm dụng nhất và lại có nhiều tác dụng phụ nguy hiểm. F0 triệu chứng nhẹ và không triệu chứng thì tuyệt đối không dùng thuốc kháng viêm. Bởi thuốc kháng viêm là corticoid - nhóm thuốc làm giảm miễn dịch, giảm sự đề kháng của cơ thể.

BS Hoàng cũng cho biết thêm, trong giai đoạn đầu khi virus mới xâm nhập và đang nhân lên (trong vòng 5 - 7 ngày sau khi khởi phát triệu chứng), việc dùng thuốc kháng viêm sẽ khiến cho virus càng dễ dàng nhân lên khiến tình trạng nhiễm SARS-CoV-2 nặng lên. Ngoài ra, corticoid làm giảm khả năng bảo vệ cơ thể nên các loại vi khuẩn, nấm... có cơ hội bùng phát khiến hệ miễn dịch tê liệt, kéo theo nguy cơ bội nhiễm vi khuẩn. Hơn nữa, corticoid còn có thể làm đường huyết tăng đột ngột trên bệnh nhân tiểu đường hay tăng huyết áp đột ngột trên bệnh nhân tăng huyết áp; gây viêm loét, thậm chí xuất huyết dạ dày, tá tràng... và một loạt các bệnh khác. Corticoid chỉ có tác dụng khi COVID-19 ở mức độ vừa hoặc nặng. Chính vì vậy, người bệnh không tự ý sử dụng nhóm thuốc này.

4-1.jpg -0

Lực lượng y tế xét nghiệm cho người dân.

Không thấy mạch, sốc mất máu vì tự dùng thuốc

Theo BS Phạm Quốc Thái, Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai, nhiều loại thuốc điều trị COVID-19 hiện đều có tác dụng phụ nếu không kiểm soát tốt. Trong đó, có hai loại thuốc chống đông (Rivaroxaban hoặc Apixaban) và chống viêm (Dexamethasone hoặc Methylprenisolon). Việc sử dụng 2 loại thuốc này đúng thời điểm theo sự chỉ dẫn của cán bộ y tế sẽ mang lại hiệu quả trong quá trình điều trị. Tuy nhiên, tác dụng phụ của thuốc chống đông là gây chảy máu. Nhiều người bác sĩ không bắt được mạch, tụt huyết áp do sốc mất máu vì tự ý dùng thuốc chống đông máu trong quá trình điều trị COVID-19 tại nhà.

BS khuyến cáo, thời điểm dùng thuốc chống viêm là khi F0 xuất hiện hiện tượng suy hô hấp, thở nhanh hơn, SpO2 giảm dưới 96%. Thời điểm dùng thuốc chống viêm sẽ đồng thời với thuốc chống đông. Và khi đã dùng cả hai loại thuốc này, người bệnh cần nhanh chóng liên hệ cơ sở y tế; trong quá trình chờ đợi bệnh nhân cần ngồi tư thế thoải mái nhất, nới lỏng quần áo, uống đủ nước, nếu sốt dùng thêm hạ sốt. Đáng báo động hơn cả là việc F0 tự ý mua và dùng thuốc kháng virus Molnupiravir.

BS Phạm Quốc Thái cho biết, mặc dù nhiều F0 không có triệu chứng, không có chỉ định nhưng vẫn bất chấp sử dụng. Thứ nhất là tác dụng phụ của thuốc đã được nhà sản xuất khuyến cáo là nguy cơ gây đột biến dòng tế bào sinh sản, do vậy thuốc Molnupiravir không dùng cho phụ nữ mang thai hoặc nguời có ý định mang thai, sinh con. Chưa kể Molnupiravir có chuyển hóa không tốt trên gan nên nếu lạm dụng có thể dẫn đến viêm gan, nhiễm độc, ngộ độc gan, suy gan…

Các BS còn cho biết, nhiều người không phân biệt được 2 dòng thuốc kháng virus Molnupiravir và Favipiravir nên cá biệt có người dùng cả 2 loại, hoặc cùng Favipiravir nhưng 2 loại biệt dược khác nhau và uống cả 2 rất nguy hiểm.

Hiện nay, có nhiều gia đình mua dự trữ thuốc kháng virus và khi mắc COVID-19 tự sử dụng theo đơn trên mạng. Theo khuyến cáo của TS.BS Nguyễn Đình Hưng, người dân không cần phải mua tích trữ thuốc kháng virus. Hiện tại thuốc kháng virus điều trị có kiểm soát và Hà Nội có đủ thuốc phát cho người dân. Thuốc là con dao 2 lưỡi, dùng phải đúng chỉ định, đúng thời điểm, sử dụng phải phù hợp, an toàn, hợp lý mới mang lại hiệu quả cao nhất. Nếu dùng sai, không có chỉ định rất nguy hiểm, thậm chí còn suy giảm miễn dịch. Người dân khi phát hiện dương tính hãy bình tĩnh, phải ăn đủ chất, uống đủ nước (hơn 2 lít nước/ngày) để nâng cao thể trạng.

Theo khuyến cáo của BS, nếu không thuộc nhóm nguy cơ (người có bệnh nền, chưa tiêm vaccine phòng COVID-19, chỉ số CT thấp lại điều trị cách ly tại nhà có thành phần người nhà là người cao tuổi, trẻ nhỏ..., người suy giảm miễn dịch), F0 không cần dùng thuốc kháng virus và chỉ cần điều trị triệu chứng: Sốt thì hạ sốt (Paracetamol hoặc Ilubrofen), lau người nước ấm, xông lá...; ho dùng giảm ho, bổ phế, long đờm, chống dị ứng, giảm kích thích đường thở; ngạt mũi thì nhỏ nước muối sinh lý, thuốc làm co mạch (ví dụ Otrivin 0,05 hoặc 0,1%), ColdiB...; rối loạn tiêu hóa sử dụng men tiêu hóa, Smecta, berberin...; mất ngủ sử dụng thuốc Melatonin, an thần thảo dược (Mimosa); căng thẳng, lo lắng dùng an thần thảo dược, Magne B6, vận động nhẹ.
( C. H sưu tầm)
tin tức liên quan