"Khoa học đã cho chúng ta các công cụ để chống lại Covid-19; nếu chúng được chia sẻ trên toàn cầu với sự đoàn kết, chúng ta có thể chấm dứt tình trạng khẩn cấp của Covid-19 trong năm nay", Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nói hôm 9/2.
Ông Tedros kêu gọi các nước giàu đóng góp 16 tỷ USD cho kế hoạch chống Covid-19. WHO cho rằng việc "bơm tiền" nhanh chóng cho chương trình "Tăng tốc tiếp cận các công cụ ứng phó với Covid-19" (ACT-A) có thể giúp chấm dứt tình trạng khẩn cấp của Covid-19 trong năm 2022.
Chương trình ACT-A do WHO dẫn đầu nhằm phát triển, sản xuất, mua sắm và phân phối các công cụ để đối phó với đại dịch Covid-19, gồm vaccine, xét nghiệm, phương pháp điều trị và trang thiết bị bảo hộ cá nhân.
ACT-A cần 23,4 tỷ USD để triển khai hoạt động từ tháng 10/2021 đến tháng 9/2022, nhưng cho đến nay mới chỉ huy động được 800 triệu USD. Do vậy, WHO muốn các quốc gia giàu có đóng góp 16 tỷ USD "để thu hẹp khoảng cách tài chính ngay lập tức", phần còn lại sẽ do các quốc gia có thu nhập trung bình đóng góp.
Theo ông Tedros, sự lây lan nhanh chóng của biến chủng Omicron khiến tình hình phân phối công bằng các xét nghiệm, phương pháp điều trị và vaccine càng trở nên cấp thiết.
"Nếu các quốc gia có thu nhập cao hơn đóng góp phần của họ cho ACT-A, điều đó có thể hỗ trợ các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình khắc phục tình trạng yếu kém về tiêm chủng Covid-19, xét nghiệm và thiếu thuốc men", Tổng giám đốc WHO nhấn mạnh.
Chỉ 0,4% trong số 4,7 tỷ xét nghiệm Covid-19 trên toàn cầu được tiến hành ở các quốc gia thu nhập thấp. Chỉ 10% người dân ở các quốc gia này được tiêm ít nhất một liều vaccine.
WHO cho biết sự bất bình đẳng về phân phối vaccine không chỉ gây thiệt hại về sinh mạng và làm tổn thương các nền kinh tế, mà còn có nguy cơ làm xuất hiện các biến chủng mới, nguy hiểm hơn.
"Chúng ta biết loại virus này sẽ tiếp tục tiến hóa, nhưng chúng ta không phải là không có khả năng phòng vệ. Chúng ta có các công cụ để ngăn chặn dịch bệnh này và điều trị nó. Khi mọi người có quyền tiếp cận những công cụ đó, virus này có thể được kiểm soát", ông Tedros nói thêm.
Hơn 2 năm kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát, thế giới vẫn đang chật vật đối phó với đợt bùng phát mới do sự xuất hiện của các biến chủng mới. Biến chủng Omicron được phát hiện hồi cuối năm 2021 ở châu Phi đang khiến số ca nhiễm mới ở nhiều nơi trên thế giới tăng đột biến, kéo theo thách thức lớn cho hệ thống y tế.
Tuy nhiên, giới chuyên gia dự đoán Covid-19 có thể trở thành bệnh đặc hữu trong năm 2022, hay nói cách khác là không còn gây mối đe dọa đáng kể cho thế giới. Vì Omicron dường như ít có nguy cơ gây bệnh nghiêm trọng hơn so với Delta, nên sự xuất hiện của biến chủng này đã làm dấy lên hy vọng rằng, đây sẽ là khởi đầu của xu hướng virus trở nên nhẹ hơn, trở thành bệnh đặc hữu như cảm lạnh thông thường và dịch bệnh sẽ không còn nguy hiểm nữa. Một số nhà khoa học thậm chí tin rằng, Omicron có thể đánh dấu sự kết thúc của đại dịch Covid-19.
"2022 là năm đại dịch Covid-19 có thể kết thúc. Giờ đây, chúng ta đã có các công cụ có thể làm giảm mức độ nghiêm trọng của căn bệnh này", bà Maria Van Kerkhove, Trưởng nhóm kỹ thuật phụ trách Covid-19 của WHO, nhận định. Dự đoán này được đưa ra dựa trên tính toán rằng, đến giữa năm 2022, các nước đều đạt được tỷ lệ tiêm chủng ít nhất 70%."
( C. H sưu tầm)