Nhiều người tái nhiễm COVID-19
Nguồn: Báo Điện tử VTC
Người nửa năm, người 3 tháng, thậm chí có người chưa đầy một tháng kể từ ngày khỏi bệnh COVID-19 đến nay lại tái nhiễm với những triệu chứng tương tự.
Ngày 24/2, bạn bè của chị Nguyễn Thị Hồng Huế (31 tuổi; ngụ TP Thuận An, Bình Dương) bất ngờ khi thấy chị chia sẻ hình ảnh kit test COVID-19 của bản thân với kết quả dương tính lên Facebook. Cách đây một tháng chị từng nhiễm COVID-19 và không ai nghĩ tái nhiễm nhanh đến vậy.
Một tháng trước, chị Huế phát hiện bản thân dương tính COVID-19 với triệu chứng tức ngực, đau mỏi toàn thân. Chị Huế tự cách ly và điều trị tại nhà với đơn thuốc tự chuẩn bị. Quá trình tự điều trị của chị Huế trải qua nhẹ nhàng với các triệu chứng giảm rõ rệt từng ngày. Đến ngày 1/2, chị Huế test nhanh cho kết quả âm tính. Ngày 3/2, kết quả test PCR cũng thể hiện khỏi bệnh hoàn toàn.
"Ngày 23/2, tôi ho nhiều, sổ mũi cũng nhiều, giọng khản đặc. Dù đinh ninh là bản thân không thể nào tái nhiễm, nhưng tôi vẫn test thử và kết quả dương tính. Như vậy, chỉ vỏn vẹn 20 ngày tôi đã tái nhiễm", chị Huế cho hay.
Không chỉ chị Huế mà rất nhiều người hiện nay tái nhiễm sau khi khỏi bệnh trong thời gian ngắn, như trường hợp của anh Nguyễn Thành Trung (32 tuổi, ngụ quận Bình Thạnh, TP.HCM). Gần 3 tháng trước (ngày 30/11/2021), anh Trung xuất hiện triệu chứng rát họng, sốt nhẹ, dù cơ thể vẫn khoẻ và kết quả test nhanh vẫn âm tính. Do các triệu chứng không suy giảm nên ngày 1/12 anh quyết định đến bệnh viện test PCR. Kết quả anh dương tính COVID-19 chỉ số lây nhiễm rất cao (17.57).
|
Tái nhiễm COVID-19 sau hơn 2 tháng. |
"Đến ngày thứ 8 thì tôi khoẻ lại, không gặp các triệu chứng hậu COVID-19 như nhiều người vẫn nói. Từ lúc nhiễm xong, tôi luôn tự tin rằng mình đã "bất tử", không lo tái nhiễm", anh nói và không nghĩ bản thân dễ dàng tái nhiễm như vậy.
Ngày 24/2, anh Trung xuất hiện triệu chứng uể oải toàn thân, sốt nhẹ. Khi nghe nhiều người nói về khả năng tái nhiễm, anh Trung tự thực hiện test nhanh, cho kết quả dương tính. Các triệu chứng ở lần tái nhiễm không khác nhiều so với lần nhiễm đầu tiên, nhưng nhẹ hơn một chút. Do vậy, những người không bệnh nền và đã tiêm 2 - 3 mũi vaccine không cần quá lo lắng về việc nhiễm hay tái nhiễm.
Anh Vũ Hoàng Quân (40 tuổi; ngụ TP Thủ Đức, TP.HCM) cũng vừa báo với y tế phường về việc bản thân tái nhiễm COVID-19. Tháng 8/2021, thời điểm TP.HCM đạt đỉnh dịch, anh Quân nhiễm nCoV trong quá trình làm việc (chạy grab). Thời điểm đó, anh Quân phải cách ly tập trung, luôn trong tình trạng lo lắng vì nhiều người không qua khỏi. May mắn vì được tiêm một mũi vaccine phòng COVID-19, đợt cách ly của anh Quân cũng trải qua khá nhẹ nhàng.
Từ lúc khỏi bệnh, anh Quân thoải mái nhận khách và làm việc nhiều hơn. Không ngại đón khách ở nhà xe, sân bay hay bến tàu. Nơi nào có khách, anh Quân đều nhận.
"Tôi cứ đinh ninh bị rồi sẽ không bị nữa, nên không đề phòng nhiều. Nhiều khi chở khách, họ nói họ F1 tôi cũng bình thường, bảo không sao vì mình từng nhiễm rồi. Có nhiều khách lên xe ho, tôi còn dặn họ về mua sẵn thuốc và đồ xông đi, chứ có triệu chứng rồi", anh Quân kể.
Đến ngày 21/2, khi bản thân xuất hiện các triệu chứng: sổ mũi, ho, uể oải..., anh Quân vẫn cho rằng mình bị cảm cúm thông thường chứ không thể nào tái nhiễm. Nhưng, ngày 24/2, khi vợ và con gái anh có kết quả dương tính, anh mới thực hiện test nhanh và tá hoả khi bản thân tái nhiễm.
|
Số ca nhiễm COVID-19 trên cả nước đang tiếp tục tăng nhanh. |
Chiều 25/2, trả lời VTC News, bác sĩ Trương Hữu Khanh, Phó Chủ tịch thường trực Hội Truyền nhiễm TP.HCM cho biết, những người từng nhiễm COVID-19 hoàn toàn có khả năng tái nhiễm. Sau khi khỏi COVID-19, cơ thể sẽ sản sinh ra kháng thể để chống lại sự xâm nhập của virus. Tuy nhiên, lượng kháng thể sinh ra của mỗi người khác nhau, phụ thuộc vào cơ địa, sức khoẻ hiện tại. Vì vậy, nếu kháng thể không đủ mạnh, người khỏi bệnh khi tiếp xúc F0 mang biến chủng mới sẽ có nguy cơ tái nhiễm.
Về thời gian tái nhiễm, bác sĩ Khanh cho rằng, khoảng 3 tháng mới có thể tái nhiễm. Những trường hợp phát hiện tái nhiễm trong vòng 1 tháng có thể do kết quả test sai.
"Người nhiễm rồi có thể tái nhiễm bình thường, nhưng lần tái nhiễm sẽ nhẹ hơn nhiều, như cảm cúm thông thường. Chúng ta đang gặp một số trường hợp tái nhiễm trước đây nhiễm chủng Delta, đến hiện tại có thể họ nhiễm chủng mới - Omicron.
Còn những trường hợp nói vừa nhiễm cách đây 20 ngày hay một tháng thì có thể do họ test sai. Vì không thể tái nhiễm nhanh như vậy được. Có thể do đợt test đầu của họ sai, hoặc đợt này sai", bác sĩ Khanh khẳng định.
( C. H sưu tầm)