1.Cải cúc
Cải cúc còn có tên là "cúc tần ô", "rau cúc".
Tên khoa học là Chrysanthemum coronarium L., thuộc họ Cúc (Asteraceae). Cải cúc có thể dùng để ăn sống như xà lách, trộn dầu giấm, nấu canh, ăn lẩu...
Theo Đông y, cải cúc vị cay ngọt, tính bình; vào các kinh can, phế, tỳ và vị; có tác dụng dưỡng tâm, nhuận phế, tiêu viêm, bổ gan mát huyết, trừ ho; dùng trong các trường hợp như ho nhiều đờm, phiền nhiệt, nhức đầu, cao huyết áp, mất ngủ, viêm dạ dày, viêm ruột và đi lỵ.
Trong dân gian, cải cúc được xem như loại rau khai vị, giúp ăn ngon, tốt cho tiêu hóa, trừ đờm, tán phong nhiệt.
Canh cải cúc có tác dụng bổ tỳ, lợi tiêu hóa. Đối với người bụng lạnh đau, thoát vị, sa trực tràng, có thể sử dụng như biện pháp hỗ trợ trong điều trị. Đối với người tỳ vị hư nhược, thức ăn tích trệ, bụng sườn đầy trướng, ăn uống kém, dùng cải cúc thường xuyên có tác dụng trị liệu nhất định.
Cải cúc có tác dụng điều hòa huyết áp và phòng ngừa nhức đầu, chóng mặt.
Kết quả nghiên cứu hiện đại cho thấy cải cúc có chứa tinh dầu và choline có tác dụng giảm ho tiêu đờm, trừ hôi miệng, nhuận tràng thông tiện, thích hợp với người bị cao huyết áp kèm theo đau đầu.
Cách dùng như sau:
-Nước ép cải cúc: Cải cúc tươi 300g, rửa sạch, giã nát, ép lọc lấy nước cốt, ngày uống 2 lần, mỗi lần 20-30 ml.
-Canh cải cúc lòng trắng trứng gà: Cải cúc tươi 300g, trứng gà 3 quả; cải cúc rửa sạch, gia vị vừa đủ, nấu đến khi rau gần chín; đập trứng gà, lấy lòng trắng (không dùng lòng đỏ), đun thêm vài phút cho trứng chín. Dùng thường xuyên có tác dụng điều hòa huyết áp và phòng ngừa nhức đầu, chóng mặt.
2. Cà rốt phòng bệnh cao huyết áp
Trong y học cổ truyền, từ nhiều thế kỷ trước, các thầy thuốc đã sử dụng cà rốt để thay thế một số vị thuốc bổ quý hiếm dùng trong trường hợp suy nhược cơ thể, ăn uống kém, mệt mỏi, cần hồi phục sức khỏe sau khi ốm dậy.
Theo Đông y, cà rốt có vị cay ngọt, tính bình, không độc, lợi về kinh phế và tỳ; có tác dụng khoan trung hạ khí, yên ngũ tạng, tăng cường tiêu hóa, chữa các chứng suy dinh dưỡng, tả lỵ lâu ngày.
Trong Tây y, giá trị chữa bệnh của cà rốt gắn liền với hàm lượng caroten - nguồn vitamin A, tăng cường thị lực, tăng cường sức đề kháng, tốt cho tiêu hóa, phòng ngừa cảm cúm và các bệnh nhiễm trùng. Cà rốt còn có công dụng làm bền thành mạch, điều chỉnh rối loạn lipit máu, ổn định huyết áp.
Cách dùng như sau:
-Cà rốt tươi, ép lấy nước uống, ngày uống 2-3 lần, mỗi lần 100ml.
Hành tây hỗ trợ và phòng ngừa cao huyết áp
3. Hành tây
Hành tây là loại rau rất giàu chất dinh dưỡng. Tại một số nước Âu Mỹ, hành tây được tôn vinh là "Nữ hoàng của các loài rau". Ngoài ra, hành tây còn được dùng làm thuốc, cả trong Đông y và Tây y.
Theo Đông y, hành tây có vị cay ngọt, tính bình, không độc, vào 3 kinh tâm, tỳ, can; có công dụng kiện tỳ vị, giải độc, trừ đờm, hoạt huyết, chỉ huyết (cầm máu); chủ trị bệnh mạch vành tim, đái tháo đường, kém ăn, viêm ruột, tiêu chảy, viêm da, phụ nữ viêm âm đạo...
Các kết quả nghiên cứu dược lý hiện đại cho thấy: Hành tây có tác dụng hạ mỡ máu, chống ngưng tập tiểu cầu, chống ung thư và hạ đường huyết. Hành tây còn có tác dụng tiêu tán ứ huyết, có thể hỗ trợ điều trị và phòng ngừa xơ vữa động mạch. Thường xuyên sử dụng có tác dụng tốt đối với người mắc bệnh mạch vành tim.
Có thể dùng hành tây 200-300g, xào chín ăn.
Hoặc hành tây luộc: Củ hành tây rửa sạch, chần qua nước sôi, vớt ra trộn với xíu muối cho vừa miệng, ăn hàng ngày.
Công dụng: Giảm nhẹ các chứng trạng bệnh lý trong bệnh cao huyết áp, dự phòng tai biến xuất huyết não...
BS Vũ Quốc Trung
(PS st theo SK&ĐS)