Theo y học hiện đại, rối loạn tiền đình là quá trình truyền dẫn và tiếp nhận thông tin của tiền đình bị rối loạn hoặc tắc nghẽn do nhiều nguyên nhân.
Tình trạng này dẫn đến tiền đình mất khả năng giữ thăng bằng, gây ra biểu hiện hoa mắt, chóng mặt, ù tai, buồn nôn... Những người trên 40 tuổi, người trước đây từng bị chóng mặt... có nguy cơ mắc rối loạn tiền đình cao hơn.
Theo y học cổ truyền, rối loạn tiền đình thuộc chứng huyễn vựng. Huyễn vựng là chứng bệnh có các triệu chứng đau đầu, hoa mắt, chóng mặt, trời đất quay cuồng, đi lại loạng choạng, ăn ngủ kém.
Huyễn vựng gồm hư chứng, thực chứng:
- Hư chứng do can thận tỳ kém, khí huyết hư suy. Chứng trạng bao gồm đầu và mắt choáng váng, tinh thần mệt mỏi, mất ngủ, trí nhớ kém, buồn nôn, mắt nhìn không rõ... Bệnh xảy ra chậm nhưng liên miên.
- Thực chứng do can phong hóa hỏa, đởm thấp đình trệ gây ra. Bệnh xảy ra nhanh và nặng, có khi xảy ra từng cơn, ngực, bụng bị đầy, bứt rứt, buồn nôn, đầu mắt choáng váng không ngồi lên được...
Tuy nhiên, chứng huyễn vựng do hư là phần nhiều, do thực ít gặp hơn.
Dưỡng sinh điều trị hoa mắt, chóng mặt, rối loạn tiền đình bao gồm:
1. Luyện ý
Luyện ý là luyện tinh thần, rèn luyện cách nghĩ, lối sống vui tươi, tâm hồn trong sáng, tránh xa lo toan, phiền muộn. Do đó, người mắc rối loạn tiền đình cần thư giãn tinh thần, tạo tinh thần thoải mái, vui vẻ, tránh lo âu, căng thẳng, sinh hoạt lành mạnh, nghỉ ngơi hợp lý.
Thực hiện chế độ ăn đủ chất dinh dưỡng, phù hợp với thời tiết, tình trạng bệnh tật. Mùa hè ăn đồ mát như trái cây, canh rau, tránh đồ cay nóng như ớt, hạt tiêu... Mùa đông nên ăn đồ ăn đang còn ấm nóng, tránh đồ lạnh như kem, nước đá.
Ăn nhiều thực phẩm giàu vitamin nhóm B như B6 (có nhiều trong thịt lợn, thịt bò, gà, cá hồi, ngũ cốc...), vitamin B9 (có nhiều trong gan bò, lợn, súp lơ xanh...), vitamin C, sắt, kẽm (như đu đủ, ổi, cam...), thực phẩm giàu magie như đậu đỗ, vừng, lạc...
Hạn chế: Các chất kích thích như cà phê, rượu, bia, thuốc lá...
Có thể dùng một số vị thuốc nam hỗ trợ điều trị như sắn dây, lá tía tô, rau má, cúc tần sắc uống.
3. Thuốc xông hơi
Nguyên liệu gồm: Lá sả 50g, tỏi 3-5 củ, kinh giới 50g, ngải cứu 50g. Các nguyên liệu trên nấu với khoảng 4-5 lít nước để xông cho ra mồ hôi.
Xông hơi bằng các loại thảo dược tốt cho người mắc rối loạn tiền đình.
4. Ngủ đủ giấc
Khi ngủ, cơ thể được nghỉ ngơi và cũng là quá trình phục hồi, tái tạo năng lượng cho các hoạt động của các cơ quan trong cơ thể, đặc biệt là bộ não, nên rất quan trọng với người bệnh rối loạn tiền đình.
Do đó, người bệnh cần tạo thói quen ngủ đúng giờ, ngủ đủ giấc (7-9 tiếng mỗi đêm) để ngăn ngừa đau đầu, chóng mặt, rối loạn tiền đình. Nếu người bệnh khó ngủ, trằn trọc có thể thực hiện một số biện pháp giúp dễ đi vào giấc ngủ như tắm nước ấm, tập một số bài tập thở hoặc động tác yoga nhẹ nhàng, không xem điện thoại trước khi ngủ...
Những động tác dưỡng sinh có tác dụng an thần, thư giãn các cơ vùng cổ, gáy, tăng cường lưu thông máu não, làm giảm các triệu chứng của rối loạn tiền đình.
5.1 Động tác ngửa cổ lên trời
Cách làm:
-
Người bệnh ngồi đúng tư thế, thoải mái trên ghế, giữ lưng thẳng, đặt lòng bàn tay trái hoặc phải lên phía sau cột sống cổ hoặc để xuôi theo thân.
-
Từ từ ngửa đầu ra phía sau, cằm hướng lên phía trần nhà.
-
Giữ trong 10 giây, rồi trở về tư thế ban đầu, ngày làm 02-03 lần, mỗi lần 10-15 nhịp.
Tác dụng: Tăng cường tuần hoàn não, giãn cơ, giảm triệu chứng đau đầu chóng mặt.
Chống chỉ định: Chấn thương cột sống cổ, rối loạn ý thức.
Động tác ngửa cổ tăng cường tuần hoàn não cho người mắc rối loạn tiền đình.
5.2 Động tác cái cày
Chuẩn bị: Nằm ngừa trên sàn, đầu không kê gối, hai tay, hai chân duỗi thẳng.
Thực hiện:
-
Ấn hai lòng bàn tay xuống sàn, đưa cả hai chân lên cao về phía trần nhà, từ từ uốn cong cột sống, hạ thấp chân qua đầu, ngón chân có thể chạm sàn.
-
Hít vào tối đa, giữ hơi. Hai tay có thể vịn vào eo để bảo vệ thắt lưng và giữ vững tư thế, hai chân có thể dao động từ 2-6 cái quanh vị trí ban đầu.
-
Thở ra hết, ép bụng, hạ chân về tư thế ban đầu. Thực hiện 1-3 lần.
Tác dụng: Vận động cơ vùng cổ gáy, vai, tăng cường tuần hoàn não.
Lưu ý: Thực hiện động tác theo khả năng của mình, không thực hiện quá sức dễ dẫn đến chấn thương. Không thực hiện với người bị chấn thương cột sống cổ, lưng, tăng huyết áp, hôn mê...
Để hạn chế tình trạng đau đầu, chóng mặt, rối loạn tiền đình, người bệnh có thể thực hiện thêm các phương pháp xoa bóp, bấm huyệt, tác động cột sống cổ, vùng cổ gáy để tăng cường hiệu quả điều trị bệnh.