Sai lầm khi tập thể dục của người bệnh tiểu đường

Ngày đăng: 02:23 13/10/2023 Lượt xem: 50

Sai lầm khi tập thể dục của người bệnh tiểu đường

Nguồn: Báo Điện tử VnExpress
 

Người bệnh tiểu đường không kiểm tra đường huyết trước khi tập, tập luyện kéo dài hoặc chọn loại hình không phù hợp thì dễ tăng hoặc hạ đường huyết.

Theo Hiệp hội Tiểu đường Mỹ, tập thể dục có lợi cho người bệnh tiểu đường vì làm tăng độ nhạy insulin, giúp giảm lượng đường trong máu, tăng cường cơ bắp và giảm cân. Tuy nhiên, một số người có thể bị hạ hoặc tăng đường huyết đột biến do mắc sai lầm khi tập luyện.

Không kiểm tra đường huyết

Đo lượng đường trong máu trước khi bắt đầu tập thể dục giúp người bệnh kiểm soát đường huyết. Hội đồng Tập thể dục Mỹ khuyến nghị không tập luyện nếu mức đường huyết từ 250 mg/dL trở lên vì có nguy cơ nhiễm toan ceton tiểu đường (tích tụ nhiều axit trong máu), nguy hiểm tính mạng.

Nếu lượng đường trong máu thấp hơn 100 mg/dl, trước khi bắt đầu tập, nên ăn một bữa ăn nhẹ lành mạnh, ví dụ trái cây, nước ép, một lát bánh mì, sữa chua, viên nén glucose. Đường huyết an toàn để bắt đầu trong khoảng 100-250 mg/dl.

Quên mang insulin, dụng cụ đo đường huyết

Tập thể dục giúp cơ bắp xử lý glucose (đường) hiệu quả hơn, từ đó giảm lượng đường trong máu nhưng một số người có thể bị hạ đường huyết quá mức. Người dùng insulin tác dụng nhanh nên mang theo máy đo lượng đường trong máu và thực phẩm chứa 15 g carbohydrate tiêu hóa nhanh (ví dụ hai thìa trái cây sấy khô, một lát bánh mì, một quả táo nhỏ hoặc một hộp sữa chua ít béo) phòng hạ đường huyết.

Không giải lao

Tập thể dục kéo dài có thể mất nước, dễ tăng đường huyết. Người bệnh tiểu đường cần nghỉ giữa buổi, không dùng đồ uống thể thao chứa nhiều đường và carbohydrate, thay vào đó là uống nhiều nước. Nên uống 115-180 ml nước sau mỗi 15-20 phút vận động hoặc khi khát.

Tập thể dục thường xuyên tốt cho người bệnh tiểu đường. Ảnh: Freepik

Tập thể dục thường xuyên tốt cho người bệnh tiểu đường. Ảnh: Freepik

Mang giày dép không phù hợp

Người bệnh tiểu đường cần mang tất thoáng khí và giày vừa vặn để bảo vệ bàn chân phòng tránh vết xước da, giúp vận động nhiều và dễ dàng hơn. Đường huyết cao dẫn đến giảm lưu thông máu ở vùng bàn chân khiến vết thương khó lành. Sau khi bơi lội hoặc tập thể dục dưới nước, chân mềm và dễ bị đứt hơn. Bạn nên mang theo một đôi dép xỏ ngón để đi khi lên bờ.

Tập thể dục quá sức

Người bị chóng mặt, mệt, yếu, đau khi tập thể dục dù không mắc bệnh tiểu đường cũng nên ngừng hoạt động thể chất. Nghỉ ngơi để cơ thể hồi phục và có thể bắt đầu lại khi bạn cảm thấy tốt hơn. Không tập quá gắng sức để tránh rủi ro về đường huyết và sức khỏe.

Bài tập không phù hợp

Người bệnh nên chọn bộ môn mình yêu thích để gắn bó lâu dài hơn, nâng cao hiệu quả. Bác sĩ có thể tư vấn cho bạn loại hình và thời lượng tập phù hợp với tình trạng bệnh và sức khỏe tổng thể, phòng tránh rủi ro. Kết hợp tập thể dục thường xuyên với chế độ ăn uống lành mạnh giúp kiểm soát bệnh tiểu đường tốt hơn.
( C. H sưu tầm)

 

tin tức liên quan