Có nên sử dụng củ ráy để chữa bệnh?

Ngày đăng: 08:43 26/11/2023 Lượt xem: 65

Có nên sử dụng củ ráy để chữa bệnh?

23-11-2023 2:32 PM | Thầy giỏi – thuốc hay

SKĐS – Hiện nay nhiều người dựa vào mách bảo hoặc nghe theo những thông tin chưa được kiểm chứng đã tự ý dùng các loại thảo dược với mục đích chữa bệnh dẫn đến tai biến, trong đó củ ráy là một ví dụ.

Mới đây một nữ bệnh nhân 54 tuổi (trú tại thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh) đã mua củ ráy về luộc ăn với hy vọng sẽ đỡ được bệnh xương khớp. Tuy nhiên, bệnh xương khớp chẳng thấy đỡ đâu mà ngay lập tức bệnh nhân bị ngộ độc củ ráy phải vào Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí (Quảng Ninh) trong tình trạng bỏng niêm mạc họng.

1. Tác dụng của củ ráy

Củ ráy có tên khoa học là Alocasia macrorrhiza, họ Araceae, là một chi gồm hơn 100 loài cây thân thảo lâu năm, có kích thước nhỏ đến cực lớn, thường rất dễ sống, trong củ có mủ trong suốt như sữa. Chúng phân bố khắp vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới châu Á như ở vùng nhiệt đới phía tây Thái Bình Dương, Australia, Việt Nam...

Người ta đã chiết xuất và tìm ra trong cây ráy có nhiều thành phần hóa học như: Alkaloid, alkaloid piperidin, lignanamid, anthocyanin...

Ngoài ra, cây ráy còn chứa canxi oxalat, hay còn gọi là raphite, một tinh thể không hòa tan. Chất này có trong nhựa cây gây ra kích ứng, bỏng da, sưng khi tiếp xúc, đặc biệt là phần lưỡi, miệng, môi…

Do đó, tự ý sử dụng củ ráy chữa bệnh xương khớp có thể dẫn đến tai biến, nhẹ thì bỏng rát vùng lưỡi, miệng, nuốt đau gây bỏng niêm mạc họng miệng, nặng hơn có thể gây phù nề thanh quản, ngừng hô hấp và tử vong.

Có nên sử dụng củ ráy để chữa bệnh?- Ảnh 1.
 

Củ ráy có canxi oxalat gây ngộ độc.

Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, củ ráy có các tác dụng sau đây:

Chống ung thư: Kết quả từ nghiên cứu in-vitro cho thấy chiết xuất từ củ ráy đã ức chế sự tăng sinh tế bào và cảm ứng apoptosis trên tế bào gan người (SMMC-7721) ở nồng độ 400 μg/ml. Hoạt tính chống khối u in -vivo của cùng một loại chiết xuất (nồng độ dao động trong khoảng 0,2 đến 0,8g/kg/ngày) có vai trò chống lại tế bào ung thư gan ở chuột (H22) được tiêm vào chuột dẫn đến sự giảm đáng kể trọng lượng trung bình của khối u.

Hạ đường huyết: Chiết xuất metanol của thân rễ củ ráy được sử dụng ở chuột tăng đường huyết do alloxan gây ra ở nồng độ 250mg/kg và 500mg/kg cho thấy mức đường huyết giảm phụ thuộc vào liều với hoạt tính đáng kể ở mức 500mg/kg liều so với metformin (150 mg/kg). Ngoài ra, mức đường huyết ở liều 250mg/kg và 500mg/kg ghi nhận mức giảm 41,70% và 55,49% sau 8 giờ điều trị.

- Chống oxy hóa: Hoạt động chống oxy hóa từ thân rễ (củ), rễ và lá cây ráy.

- Chống tiêu chảy: Cơ chế là giảm nhu động, kháng khuẩn và chống tiết dịch nhờ các thành phần flavonoid, alkaloid, sterol có trong củ ráy.

Chống viêm, kháng khuẩn, kháng nấm: Các hợp chất phân lập từ chiết xuất chloroform của thân rễ A. macrorrhiza dựa vào quá trình sản xuất NO do LPS gây ra ở các dòng tế bào RAW 264.7 cho thấy củ ráy có hoạt tính chống viêm.

- Tác dụng nhuận tràng, lợi tiểu: Nghiên cứu về thuốc nhuận tràng được thực hiện trên mô hình chuột bị táo bón do chế độ ăn ít chất xơ. Kết quả chỉ ra liều thấp hơn 100mg/kg không cho thấy tác dụng nhuận tràng. Ngược lại, liều ở mức 400mg/kg làm tăng đáng kể lượng phân của chuột.

Theo y học cổ truyền của các nước như Ấn Độ, Trung Quốc... củ ráy có tác dụng:

- Lá và thân: Thuốc nhuận tràng, lợi tiểu, làm săn se niêm mạc, vết thương, thường được sử dụng để điều trị viêm khớp dạng thấp, đau răng, bọ cạp đốt.

- Củ: Có tính lợi tiểu thẩm thấp chữa phù nề toàn thân, trĩ, táo bón thường xuyên, đau nhức xương khớp, gout, viêm khớp dạng thấp...

Ở nước ta, củ ráy ít được dùng làm thuốc do khó chế biến và ít kinh nghiệm sử dụng, trong khi đó có nhiều vị thuốc hay hơn, an toàn hơn mà hiệu quả điều trị lại cao.
Có nên sử dụng củ ráy để chữa bệnh?- Ảnh 2.

Cây ráy có nhiều công dụng nhưng cần dùng theo chỉ dẫn của bác sĩ Y học cổ truyền.

2. Ngộ độc củ ráy - triệu chứng và cách sơ cứu

2.1. Các triệu chứng ngộ độc củ ráy

Các triệu chứng điển hình khi ngộ độc củ ráy nói riêng hay các họ ráy nói chung gồm có tê miệng, khàn giọng, khó thở, cảm giác đầy trong cổ họng, đau lưỡi, buồn nôn, tiết nước bọt, khó phát âm, đau bụng, loét bỏng khoang miệng, khó nuốt, đau ngực, tức ngực, sưng môi, thậm chí là tắc nghẽn đường thở và tử vong. Người ta cho rằng, các biểu hiện này là do canxi oxalate có trong thân rễ (củ) cây ráy gây ra.

2.2. Cách sơ cứu khi ngộ độc củ ráy

Ngộ độ củ ráy không có thuốc giải đặc hiệu. Chính vì vậy việc sơ cứu ban đầu giúp giảm triệu chứng là rất quan trọng.

Dưới đây là một vài cách giúp bạn dễ chịu hơn khi ăn phải củ ráy "thô":

- Để giảm đau miệng, nên uống 120 - 240ml nước mát.

- Uống sữa có thể giúp kết tủa oxalate hòa tan bằng cách kết hợp nó với canxi.

- Gây nôn và rửa dạ dày không được khuyến cáo trong trường hợp tổn thương loét nghiêm trọng ở đường tiêu hóa.

- Cần đưa bệnh nhân bị ngộ độc củ ráy đến cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu kịp thời.

Mặc dù thực tế là canxi oxalat không hòa tan nhưng một lượng lớn canxi oxalat có thể hòa tan trong dạ dày tạo thành axit oxalic, kết hợp với canxi trong máu và có thể gây hạ canxi máu cũng như suy thận và gan. Sau khi ăn một lượng đáng kể củ ráy, bệnh nhân cần được theo dõi tình trạng hạ canxi máu và các biến chứng liên quan, chẳng hạn như chuột rút, mạch yếu không đều, hạ huyết áp và rối loạn nhịp tim.

3. Sử dụng thảo dược trị bệnh cần theo chỉ dẫn của thầy thuốc

Các vị thuốc y học cổ truyền nói chung đều rất lành tính, tuy nhiên, một vài vị có độc tính, cần phải sơ chế, chế biến trước khi sử dụng. Ở Việt Nam, tài liệu nghiên cứu về cách chế biến củ ráy còn nghèo nàn do rất ít sử dụng làm thuốc.

Theo YHCT Trung Quốc, người ta chế biến tạo ra cao dán mụn nhọt. Ngoài củ ráy, một số vị thuốc khác cũng cần được chế biến kỹ trước khi sử dụng như: Mã tiền, phụ tử, bán hạ, hà thủ ô...

Cần chú ý, chế biến các vị thuốc y học cổ truyền cần được thực hiện bởi những người có chuyên môn, không nên tự ý chế biến tại nhà, tránh nguy hiểm khi tiếp xúc và dùng thuốc khi chưa chế biến kỹ.

Để điều trị bệnh bằng các vị thuốc thảo dược một cách thông thái, an toàn và hiệu quả cần tham khảo ý kiến của các bác sĩ chuyên khoa trước khi sử dụng.

BSNT Đặng Thị Hạnh
Khoa Y học cổ truyền Trường Đại học Y Hà Nội
(PS st theo SK&ĐS)

tin tức liên quan