Dưới đây 5 điều không nên làm đối với người bị bệnh tim mạch
1. Người bệnh tim mạch không nên ăn mặn
Người bị tim mạch cần hạn chế ăn mặn, bởi muối và các thực phẩm giàu natri là kẻ thù số 1 của bệnh nhân mắc bệnh tim, có thể gây ảnh hưởng xấu đến quá trình điều trị bệnh và gây ra nhiều biến chứng.
Ăn nhiều muối làm tăng trương lực thành mạch, co mạch, tăng sức cản ngoại vi và dẫn tới tăng huyết áp. Đây là một trong những yếu tố nguy cơ của bệnh mạch vành. Vì thế, nếu bạn ăn nhiều muối, bệnh của bạn sẽ ngày càng trầm trọng.
Ăn nhiều muối sẽ làm tăng nguy cơ giữ nước trong cơ thể, gây ảnh hưởng xấu đến tim mạch, đặc biệt là các bệnh nhân đã bị suy tim.
Ngoài ảnh hưởng đến tim mạch, ăn nhiều muối còn làm ảnh hưởng đến nhiều cơ quan khác trong cơ thể như làm tăng đào thải canxi qua nước tiểu, dễ gây loãng xương, sỏi thận; tăng nguy cơ mắc bệnh viêm loét dạ dày tá tràng, tăng gánh nặng cho thận gây suy thận... Như vậy, chế độ ăn ít muối là giải pháp giúp bạn kiểm soát huyết áp, tránh sưng phù, cải thiện tình trạng khó thở.
Lượng natri trong mỗi bữa ăn được khuyến cáo đối với bệnh nhân mắc các bệnh lý tim mạch là không quá 2.000mg, tốt nhất là dưới 1500mg. Đối với những bệnh nhân suy tim nặng, cần loại bỏ muối hoàn toàn khỏi thực đơn.
Việc hạn chế ăn muối đến mức nào còn tùy thuộc vào tình trạng bệnh cụ thể. Thông thường người bị bệnh tim mạch không nên ăn lượng muối quá 6gram/ngày. Nếu là người ăn mặn, hãy thay đổi thói quen và tập ăn nhạt hơn. Đặc biệt không nên sử dụng thêm các loại đồ chấm khác như nước mắm, nước tương.
Tương tự không nên ăn các thực phẩm chế biến sẵn vì chúng thường có nhiều muối như: Thực phẩm đóng hộp, thịt nguội, thịt xông khói, xúc xích, khoai tây chiên, gà rán, snack, bánh quy, bánh nướng mặn và các loại thức ăn nhanh khác.
2. Người bệnh tim mạch không nên ăn ngọt
Đường bao gồm bánh kẹo ngọt, nước ngọt... người bệnh tim mạch nên hạn chế dùng. Những người bị bệnh tim mạch rất dễ bị bệnh tiểu đường, nhất là người có chế độ ăn nhiều đường nhưng ít chất xơ và lười vận động. Bên cạnh đó bổ sung nhiều đường sẽ làm lượng đường trong máu tăng cao, làm tăng nguy cơ viêm nhiễm ở người bị bệnh tim.
Do đó, không nên ăn đường và các loại thực phẩm ngọt như nước ngọt, soda, chè ngọt, kem, bánh kẹo ngọt và bất kỳ loại thực phẩm nào thêm đường. Nước trái cây đóng chai hoặc nước ép trái cây cũng không phải lựa chọn tốt cho người bị tim mạch, kể cả khi chúng không thêm đường.
3. Người bệnh tim mạch không nên uống nhiều rượu
Một số nghiên cứu cho rằng uống một ly rượu vang mỗi ngày có thể đem đến một số lợi ích sức khỏe cho tim mạch. Nhưng khi bạn bị tim mạch thì uống rượu lại không hề tốt cho tim của bạn.
Đối với nam giới mỗi ngày không nên uống quá 2 lon bia, 300ml rượu vang hoặc 100ml rượu mạnh. Đối với nữ giới mỗi ngày không nên uống quá 1 lon bia, 150ml rượu vang hoặc 50ml rượu mạnh.
Tuy nhiên, tốt nhất là hãy nói không với đồ uống có cồn nếu bạn bị bệnh tim mạch.
4. Người bệnh tim mạch không nên hút thuốc lá
Bỏ thuốc lá rất quan trọng cho sức khỏe dù bạn có bị bệnh tim hay không. Khói thuốc rất có hại cho tim mạch, phổi, gan và hô hấp. Nó là một trong những nguyên nhân dẫn đến bệnh tim mạch và mạch vành.
Hút thuốc làm tăng huyết áp và làm tăng nguy cơ hình thành cục máu đông do làm giảm các tế bào oxy trong máu, là tiền đề dẫn đến các cơn đau tim, nhồi máu cơ tim và đột quỵ.
Hãy nhớ việc hấp thu khói thuốc lá thụ động cũng là yếu tố nguy cơ cao. Vì vậy, hãy tránh tiếp xúc với khói thuốc từ những người hút thuốc
5. Người bệnh tim mạch không nên căng thẳng
Căng thẳng có thể kích hoạt hoặc làm trầm trọng hơn tình trạng tim đập nhanh. Đối với những người bị bệnh tim mạch, căng thẳng có thể gây ra những ảnh hưởng rất tiêu cực đến sức khỏe. Vì vậy, bạn cần hạn chế lo lắng và căng thẳng. Hãy nghỉ ngơi và chợp mắt một chút nếu cảm thấy quá mệt mỏi. Một số cách để giảm căng thẳng là hít thở sâu, liệu pháp hương thơm, tập yoga hoặc thiền.
Chế độ ăn uống, sinh hoạt cho người mắc bệnh lý tim mạch
Kiểm soát các yếu tố nguy cơ của bệnh lý tim mạch và tiết chế ăn uống là những nguyên tắc quan trọng trong dự phòng và điều trị bệnh lý tim mạch. Trong chế độ sinh hoạt và ăn uống để dự phòng và điều trị bệnh lý tim mạch cần chú ý kiểm soát trọng lượng cơ thể; Chế độ ăn lành mạnh như: Nên dụng dầu thực vật (dầu ô liu, dầu đậu nành, dầu hạt hướng dương, dầu hạt cải…) thay cho mỡ động vật. Chọn thực phẩm giàu đạm ít chất béo: Thịt nạc bỏ da, mỡ, thịt gia cầm, cá các loại, đặc biệt các loại cá biển sâu giàu Omega 3 tốt cho sức khỏe tim mạch, sữa không béo hoặc ít béo, đậu hạt và các loại rau đậu…
Nên chọn các loại ngũ cốc nguyên vỏ không chà xát kỹ như gạo lứt, gạo mầm, lúa mạch, bánh mì nâu, bánh mì đen… chứa nhiều chất xơ, vitamin và chất khoáng giúp điều hòa huyết áp và tim mạch.
Cần hạn chế ăn mặn, giảm nêm muối, hạt nêm, nước mắm, nước tương. Hạn chế các thực phẩm chứa nhiều muối như mắm, cá khô, chả lụa, tương, chao, dưa cà, lượng muối không quá 5g/ngày.
Thay đổi lối sống
Ngoài ra, cần tăng cường vận động và luyện tập thể thao phù hợp với tuổi và tình trạng sức khoẻ. Các loại hình vận động nhẹ phù hợp cho bệnh lý tim mạch như đi bộ, đạp xe, bơi lội, thể dục dưỡng sinh, làm việc nhà, chăm sóc cây cảnh…
TS. BS Ngô Hồng Hạnh
(PS st theo SK&ĐS)