Viêm họng: Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị và phòng bệnh

Ngày đăng: 09:43 16/03/2024 Lượt xem: 31

Viêm họng: Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị và phòng bệnh

15-03-2024 20:37 | Tra cứu bệnh

SKĐS - Viêm họng là một dạng bệnh viêm nhiễm đường hô hấp phổ biến, xuất hiện thường xuyên ở cả người lớn và trẻ nhỏ. Vậy nguyên nhân, triệu chứng của căn bệnh này như thế nào, bị viêm họng chữa ở đâu, có thuốc gì đặc hiệu điều trị viêm họng không?.

1. Tổng quan bệnh viêm họng

Viêm họng là tình trạng viêm nhiễm đường hô hấp khiến lớp niêm mạc ở hầu họng bị sưng tấy và gây đau nhức. Khi bị viêm họng người bệnh sẽ thấy đau rát cũng như nóng đỏ ở vùng cổ. Cơn đau xảy ra nhiều khi bạn nuốt thức ăn, nuốt nước bọt hoặc nói chuyện quá lớn tiếng. Là bệnh lý có thể xuất hiện ở mọi lứa tuổi, trong đó trẻ em và thanh thiếu niên là những đối tượng dễ gặp nhất. Bệnh gây ra tình trạng đau rát ở cổ họng, có thể kèm ho khan cùng một số triệu chứng khác.

Viêm họng có thể xuất hiện riêng biệt hoặc đồng thời cùng với các tình trạng viêm nhiễm vùng hầu họng như: Viêm VA; Viêm amidan; Viêm mũi; Viêm xoang; Các bệnh đường hô hấp trên: Cúm, cảm lạnh, sởi…

Đa phần các trường hợp viêm họng không nguy hiểm. Nhưng một số ít trường hợp viêm họng ở người có sức khỏe yếu hoặc điều trị không tốt - nhất là nhiễm liên cầu khuẩn tan huyết nhóm A, có thể tiến triển gây ra biến chứng nguy hiểm.

2. Phân loại bệnh viêm họng

Dựa vào tình trạng viêm, bệnh viêm họng có thể được chia thành các loại như sau:

Viêm họng cấp tính: Đây là tình trạng viêm chỉ kéo dài từ 1 đến 2 tuần, thường do virus gây nên. Nếu tình trạng này không chữa trị kịp thời cũng sẽ chuyển thành viêm vùng họng mạn tính.

- Viêm họng mạn tính: Đây là tình trạng viêm kéo dài và liên tục tái phát trong suốt cuộc đời. Đối với viêm mạn tính này có 3 thể bao gồm viêm cổ họng xuất huyết, viêm cổ họng mạn tính quá phát, viêm cổ họng teo.

Viêm họng: Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị và phòng bệnh- Ảnh 3.

Viêm họng cấp tính xảy ra do virus hoặc vi khuẩn.

3. Nguyên nhân của bệnh viêm họng

Viêm họng cấp tính xảy ra do virus hoặc vi khuẩn. Thường là nhiễm virus trước, sau đó bội nhiễm các tạp khuẩn khác, thường là các vi khuẩn hội sinh có sẵn trong họng như liên cầu, phế cầu. Bệnh có thể lây từ người này qua người khác bằng nước bọt, nước mũi.

Viêm họng mạn tính xảy ra do các nguyên nhân như: Viêm mũi xoang mạn tính. Viêm amidan mạn tính. Hội chứng trào ngược dạ dày thực quản. Tắc mũi mạn tính (do vẹo vách ngăn, quá phát cuốn, polyp mũi). Do tiếp xúc với khói bụi, các chất kích thích (ví dụ: hơi hóa học, vôi, xi măng, thuốc lá, rượu…); Cơ địa dị ứng…

4. Triệu chứng viêm họng thường gặp

Tùy vào nguyên nhân gây viêm họng mà bạn sẽ gặp những triệu chứng khác nhau. Dưới đây là một vài triệu chứng hay gặp:

- Đau hoặc cảm giác ngứa trong cổ họng. Đau trầm trọng hơn khi nuốt hoặc nói.

Khó nuốt.

- Đau, sưng hạch ở cổ hoặc hàm.

- Amidan sưng, đỏ.

- Các mảng trắng hoặc mủ trên amidan.

- Giọng nói khàn hoặc nghẹt.

Nhiễm trùng gây đau họng có thể dẫn đến các dấu hiệu và triệu chứng khác, bao gồm: Người bệnh bị sốt, ho, sổ mũi, hắt xì, nhức mỏi cơ thể, đau đầu, buồn nôn hoặc nôn mửa.

Vùng họng bị viêm nhiễm có thể gây sốt nhẹ và đau đầu. Trong trường hợp kéo dài, người bệnh có thể bị ù tai, nhức tai và có triệu chứng giống như bị cảm cúm, nên dễ gây nhầm lẫn.

Các triệu chứng viêm họng cấp tính có thể tự mất đi nếu sức đề kháng tốt hoặc uống thuốc sẽ khỏi sau 3 - 5 ngày. Viêm họng mạn tính là chứng viêm họng kéo dài, trải qua các giai đoạn: Xuất tiết quá phát và teo. Các triệu chứng thể hiện rõ vào buổi sáng lúc mới thức dậy, thường gặp ở người trưởng thành.

Viêm họng: Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị và phòng bệnh- Ảnh 4.

Viêm họng có thể xảy ra do nhiều tác nhân.

5. Biến chứng của bệnh viêm họng

Nếu mắc bệnh viêm họng do virus, các triệu chứng sẽ giảm dần sau 3 - 5 ngày. Các trường hợp viêm họng nặng thường là do bội nhiễm vi khuẩn, nhất là liên cầu tan huyết, khiến bệnh kéo dài và cần điều trị thích hợp. Nếu không điều trị, viêm họng có thể gây ra các biến chứng:

- Viêm tấy hoặc áp xe quanh amidan, vùng họng, thành sau họng. Hiếm gặp nhưng nguy hiểm là viêm tấy hoại tử vùng cổ.

- Viêm thanh khí phế quản, viêm phổi, viêm tai giữa cấp, viêm mũi, viêm xoang cấp.

- Viêm thận, viêm khớp, viêm tim, choáng nhiễm độc liên cầu, thậm chí là nhiễm trùng huyết.

Với viêm họng mạn tính nếu không điều trị thích hợp, bệnh sẽ dai dẳng và dễ tái phát.

6. Chẩn đoán bệnh viêm họng

Sau khi khám các bác sĩ sẽ nội soi để kiểm tra xác định bệnh tích viêm ở họng. Ngoài ra, các xét nghiệm có thể được chỉ định như xét nghiệm máu cho thấy bạch cầu tăng cao (N tăng), máu lắng tăng cao, soi cấy tìm thấy liên cầu khuẩn và xác định xem có virus hay vi khuẩn ở bên trong hay không.

7. Điều trị bệnh viêm họng

Tùy từng trường hợp mắc viêm họng, các bác sĩ sẽ có chỉ định cụ thể. Nếu viêm họng do nhiễm virus có thể tự khỏi sau 3 - 5 ngày hoặc sẽ kéo dài hơn 5 ngày khi người bệnh là trẻ em. Người bệnh có thể súc miệng bằng nước muối ấm pha loãng mỗi buổi sáng; Ngậm kẹo trị đau họng được dược sĩ kê đơn; Sử dụng máy tạo độ ẩm để thanh lọc không khí. Dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ khi có các biểu hiện sốt, đau họng, nuốt khó.

Nếu viêm họng do vi khuẩn, các bác sĩ sẽ kê thuốc kháng sinh, kháng viêm. Người bệnh cần dùng thuốc đúng chỉ định, dùng đủ liều ngay cả khi bạn cảm thấy khỏe hơn, nhằm ngăn chặn vi khuẩn quay trở lại.

8. Phòng bệnh viêm họng

Viêm họng có thể xảy ra do nhiều tác nhân. Tuy nhiên, đa phần các trường hợp là do virus và vi khuẩn. Vì vậy, có thể hạn chế nguy cơ viêm họng bằng cách rửa tay bằng xà phòng thường xuyên. Đặc biệt là khi chạm vào các bề mặt thông thường như tay nắm cửa hoặc bàn phím, bắt tay hoặc tiếp xúc với những người đang bị bệnh viêm đường hô hấp. Tránh dùng chung thức ăn, cốc uống nước hoặc đồ dùng. Ho hoặc hắt hơi vào khăn giấy và vứt đi.

Thường xuyên vệ sinh nơi ở, phòng làm việc, điện thoại, điều khiển ti vi và bàn phím máy tính cần vệ sinh sạch sẽ. Tránh tiếp xúc gần với người bị bệnh.

Bỏ thuốc lá, hạn chế rượu bia, vệ sinh răng miệng tốt. Cần tiêm đầy đủ các loại vaccine theo độ tuổi đúng như khuyến cáo của Bộ Y tế. Khi bị viêm mũi, viêm xoang, viêm VA, viêm amidan hay hội chứng trào ngược... thì cần điều trị triệt để.

BS Nguyễn Văn Dũng
(PS st theo SK&ĐS)


tin tức liên quan