Cách ép tim, thổi ngạt cấp cứu người ngừng tuần hoàn

Ngày đăng: 10:15 29/03/2024 Lượt xem: 18

Cách ép tim, thổi ngạt cấp cứu người ngừng tuần hoàn

29-03-2024 07:37 | Bệnh thường gặp

SKĐS - Ngừng tuần hoàn có thể đe dọa tính mạng của người bệnh nếu không được phát hiện và xử trí kịp thời. Kỹ thuật ép tim, thổi ngạt đúng cách sẽ giúp nạn nhân duy trì sự sống trong lúc chờ xe cấp cứu.

Ngừng tuần hoàn hô hấp là trạng thái gián đoạn đột ngột hoạt động bơm máu của tim, khiến máu không thể lưu thông tới các bộ phận khác của cơ thể. Nếu không cấp cứu kịp thời, ngừng tuần hoàn hô hấp sẽ gây ra biến chứng tử vong nhanh chóng với tỷ lệ lên tới 90% hoặc để lại di chứng nặng nề như tổn thương não vĩnh viễn.

Ở một số trường hợp, bệnh nhân sẽ không có dấu hiệu cảnh báo mà xảy ra rất đột ngột. Ngược lại, một số khác lại xuất hiện những triệu chứng như đau tức ngực, hồi hộp và da mặt tái xanh,…

Khi ngừng tuần hoàn hô hấp, bệnh nhân sẽ có những biểu hiện như sau:

  • Mất ý thức một cách đột ngột
  • Khi lay gọi người bệnh cũng không có phản ứng
  • Ngưng thở
  • Mạch lớn không đập.
Cách ép tim, thổi ngạt cấp cứu người ngừng tuần hoàn- Ảnh 1.

Nếu thực hiện ép tim đúng kỹ thuật, máu sẽ được lưu thông trở lại, tăng cơ hội sống cho người bệnh.

Nguyên nhân ngừng tuần hoàn

Bệnh động mạch vành là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến ngừng tuần hoàn đột ngột. Ngoài ra còn có các bệnh lý tim cấu trúc như: suy tim, bệnh cơ tim giãn, bệnh lý van tim, bệnh tim bẩm sinh…

Ngừng tuần hoàn có thể xảy ra ở các bệnh lý khác như: Bệnh tắc động mạch phổi cấp; Viêm phổi suy hô hấp; Cơn hen phế quản cấp; Đợt cấp của bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính; Đột quỵ nhồi máu não lớn, xuất huyết não do vỡ phình mạch, dị dạng mạch…

Các tai nạn như ngộ độc, điện giật, đuối nước hoặc chấn thương cột sống; chấn thương ngực; đa chấn thương…cũng có thể ngừng tuần hoàn tại hiện trường, trên đường vận chuyển hoặc trong bệnh viện.

Cách ép tim cứu người ngừng tuần hoàn

Phương pháp cấp cứu đối với người bị ngừng tuần hoàn cần được thực hiện nhanh chóng mới có thể cứu sống người bệnh. Dưới đây là trình tự các bước trong quá trình cấp cứu cho người bệnh:

Thông đường thở

Với những trường hợp bệnh nhân bị tắc nghẽn đường thở như: tụt lưỡi, mắc dị vật,… bước đầu tiên cần thực hiện là khai thông đường thở cho bệnh nhân bằng cách đẩy dị vật ra ngoài và hà hơi thổi ngạt.

Thổi ngạt cho bệnh nhân

Có thể áp dụng một trong hai phương pháp thổi miệng – miệng hoặc thổi miệng – mũi. Tuy nhiên, kỹ thuật thổi miệng – miệng được sử dụng nhiều hơn. Cụ thể:

Đặt một bàn tay lên trán của nạn nhân, sau đó ấn ngửa đầu bệnh nhân ra sau và đồng thời kẹp mũi bệnh nhân bằng ngón trỏ và ngón cái. Tay còn lại nâng hàm dưới và mở miệng bệnh nhân.

Hít một hơi thật sâu, áp chặt miệng của bạn vào miệng của nạn nhân và tiến hành thổi vào miệng của nạn nhân.

Trong quá trình thực hiện, cần khẩn trương và chính xác. Nếu sau mỗi lần thực hiện, lồng ngực của nạn nhân có hiện tượng nở phồng lên thì nghĩa là bạn đang làm đúng kỹ thuật.

Cách ép tim ngoài lồng ngực

Để đạt hiệu quả tốt nhất, cần tiến hành kết hợp ép tim và thổi ngạt. Thực hiện xen kẽ. Một chu kỳ hồi sinh tim phổi được tính bằng 30 lần ép tim và 2 lần thổi ngạt.

Đặt 2 tay lên nhau sao cho gốc bàn tay dưới ở tại vị trí ngay giữa lồng ngực (đoạn 1/3-1/2 dưới xương ức), khuỷu tay để thẳng. Khi ép, cần dùng lực ép vuông góc để ngực của nạn nhân lún xuống từ 5 đến 6cm. Sau khi ép xong, phải nhấc tay lên, để ngực nạn nhân trở lại vị trí ban đầu. Tiếp đó mới thực hiện lần ép tiếp theo. Nếu thực hiện ép tim đúng kỹ thuật, máu sẽ được lưu thông trở lại, tăng cơ hội sống cho người bệnh.

Trong quá trình sơ cứu, cần thực hiện liên tục cho đến khi nhân viên y tế đến hoặc cho đến khi người bệnh được cấp cứu bằng máy sốc điện tự động.

Để biết được việc cấp cứu nạn nhân ngừng tuần hoàn có hiệu quả hay không dựa vào những dấu hiệu sau:

  • Biểu hiện lâm sàng: Niêm mạc môi ấm và hồng trở lại, đồng tử co lại nếu thời gian thiếu oxy não chưa lâu và còn khả năng hồi phục.
  • Các dấu hiệu của sự sống: Thấy lại nhịp thở, nhịp tim, ý thức,…

Cách phòng tránh tình trạng ngừng tuần hoàn

Kiểm soát các yếu tố nguy cơ của bệnh mạch vành, đột quỵ bao gồm: Bỏ hút thuốc lá; điều trị tăng huyết áp, rối loạn lipid máu; kiểm soát cân nặng tránh béo phì; kiểm soát tốt đường huyết và HbA1c ở người đái tháo đường; tăng cường vận động.

BS Đăng Thanh
(PS st theo SK&ĐS)

tin tức liên quan