Đau khớp gối có thể là kết quả của một chấn thương, chẳng hạn như đứt dây chằng hoặc rách sụn, hoặc có thể là biểu hiện của các tình trạng bệnh lý khác bao gồm viêm khớp, bệnh gout hay nhiễm trùng.
Đau đầu gối là triệu chứng thường gặp ở mọi lứa tuổi. Nó có thể bắt đầu đột ngột hoặc âm ỉ, thường là sau một chấn thương, tai nạn lao động, tai nạn sinh hoạt, tai nạn giao thông… Đau đầu gối cũng có thể bắt đầu với những cơn đau nhức nhẹ, sau đó dần dần trở nên nặng hơn.
Vị trí và mức độ nghiêm trọng của cơn đau đầu gối có thể khác nhau, tùy thuộc vào nguyên nhân gây đau.
Các dấu hiệu và triệu chứng đôi khi đi kèm với đau đầu gối bao gồm:
-
Sưng và cứng khớp.
-
Đỏ và nóng khớp.
-
Tiếng lạo xạo ở khớp khi chuyển động.
-
Không có khả năng duỗi thẳng hoàn toàn đầu gối.
Nguyên nhân gây đau khớp gối
Có rất nhiều nguyên nhân gây đau đầu gối, thông thường được chia thành các nhóm sau:
Do chấn thương
-
Đứt dây chằng hoặc bị bong gân sau một tai nạn đột ngột. Các triệu chứng thường bao gồm đau, sưng và đi lại khó khăn.
-
Rách sụn chêm: Sụn chêm giúp ổn định khớp, bảo vệ xương không bị hao mòn nhưng chỉ cần một cú xoay gối đột ngột khi tập luyện, chơi thể thao hoặc tai nạn trong lao động, tai nạn giao thông đều có thể khiến sụn chêm bị rách/vỡ. Một số trường hợp khác, một phần sụn gối bị rách, vỡ ra và kẹt vào khớp gây thoái hóa sụn đầu gối.
-
Gãy xương: Các xương đầu gối, bao gồm cả xương bánh chè, có thể bị gãy do ngã hoặc gặp tai nạn, chấn thương. Đặc biệt, ở những người bị loãng xương, đôi khi gãy xương đầu gối có thể do bước đi sai tư thế.
Do viêm
-
Viêm gân: Viêm gân có thể do sử dụng gân quá mức, thường xảy ra với những người chơi các môn thể thao như bóng rổ, chạy bộ, đi xe đạp.
-
Viêm khớp: Viêm xương khớp là loại phổ biến ảnh hưởng đến đầu gối. Viêm xương khớp là một quá trình thoái hóa trong đó sụn ở khớp dần bị mòn đi, người trung niên và người già thường bị ảnh hưởng. Viêm khớp dạng thấp cũng có thể ảnh hưởng đến đầu gối do khớp bị viêm và phá hủy sụn đầu gối.
Yếu tố nguy cơ cao đau khớp gối
Thừa cân làm tăng nguy cơ mắc các vấn đề về đầu gối, bên cạnh đó làm việc nặng nhọc cũng có thể gây ra các vấn đề đau ở đầu gối.
Đặc thù công việc phải đứng hoặc ngồi nhiều, duy trì một tư thế lâu cản trở quá trình lưu thông khí huyết.
Rối loạn chuyển hóa acid uric gây tích tụ tinh thể muối urat tại các khớp gây ra bệnh gout.
Đau khớp gối là do tổn thương ở trong và xung quanh khớp gồm các dây chằng, mô, sụn, bao hoạt dịch... Khớp gối là vị trí tiếp giáp của xương bánh chè, xương chày và xương đùi với lớp sụn được bao phủ ở các đầu, đây là khớp lớn, có nhiệm vụ nâng đỡ cơ thể do đó khi bị tổn thương sẽ ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe, khả năng vận động của người bệnh. Tình trạng đau đầu gối có thể xảy ra với mức độ đau từ nhẹ, âm ỉ đến đau nhức kéo dài, đau dữ dội.
Khi có những dấu hiệu đau nhức khớp gối, người bệnh cần được thăm khám với bác sĩ để phát hiện và có những chỉ định phù hợp, không nên tự ý mua thuốc trị bệnh.
Cần làm gì khi bị đau khớp gối?
Khi có biểu hiện đau khớp gối cần nghỉ ngơi hợp lý. Nếu người béo phì cần có chế độ ăn sinh hoạt giúp giảm cân. Thường xuyên tập thể dục, ví dụ tập thái cực quyền, đi bộ, đạp xe và bơi lội.
Trường hợp không đỡ, cần đi khám tại cơ sở y tế. Có thể bác sĩ sẽ chỉ định sử dụng thuốc giảm đau, thuốc chống viêm không steroid (NSAID) để giảm đau và viêm, tiêm corticosteroid để giảm viêm, nhóm thuốc DMARDs để ổn định bệnh…, và các loại thuốc khác tùy theo tình trạng cụ thể.
Ngoài ra, người bệnh có thể sẽ được chỉ định tập luyện các bài co giãn, chống co rút, dính khớp, teo cơ. Phục hồi chức năng, vật lý trị liệu. Chườm nóng, xoa bóp, tắm muối khoáng. Châm cứu.
Và trường hợp điều trị nội khoa không hiệu quả hoặc viêm khớp gối đe dọa khả năng vận động thì bác sĩ sẽ đề nghị phẫu thuật. Vì vậy, khi có biểu hiện đau khớp gối, cần đi khám ngay khi có các triệu chứng để được tiếp cận sớm với các biện pháp điều trị. Điều này giúp có nhiều cơ hội áp dụng các biện pháp vật lý trị liệu, hạn chế việc phải sử dụng nhiều thuốc hay phẫu thuật, hạn chế biến chứng và ảnh hưởng khả năng vận động.