6 vị thuốc nên dùng vào mùa thu

Ngày đăng: 07:08 06/09/2024 Lượt xem: 83

6 vị thuốc nên dùng vào mùa thu

05-09-2024 06:38 | Vị thuốc quanh ta

SKĐS - Để bảo vệ sức khỏe trong mùa thu, bên cạnh ưu tiên lựa chọn những thực phẩm có tính âm, giàu tân dịch, mát và dễ tiêu hóa thì việc sử dụng thêm các vị thuốc thảo mộc là một biện pháp hữu hiệu giúp tăng cường sức đề kháng, dưỡng ẩm cơ thể, bồi bổ và cân bằng khí huyết.

"Xuân hạ dưỡng dương, thu đông dưỡng âm", mùa thu là thời điểm chuyển giao giữa mùa hè oi bức và mùa đông lạnh giá. Đặc trưng của mùa thu là thời tiết mát mẻ, dễ chịu, nhưng cũng có sự khô hanh và thay đổi khí hậu bất ngờ.

Đối với cơ thể con người, mùa thu có thể gây khô da, khô cổ họng và dễ mắc các bệnh về đường hô hấp.

Việc dưỡng âm vào mùa thu giúp duy trì độ ẩm cho làn da, niêm mạc và bảo vệ cơ thể khỏi các bệnh hô hấp như viêm phổi, hen phế quản và các vấn đề về hô hấp khác.

Để bảo vệ sức khỏe trong thời gian này, bên cạnh ưu tiên lựa chọn những thực phẩm có tính âm, giàu tân dịch, mát và dễ tiêu hóa như các loại trái cây, rau củ, ngũ cốc, và các món ăn như súp, cháo thì việc sử dụng thêm các vị thuốc thảo mộc là một biện pháp hữu hiệu giúp tăng cường sức đề kháng, dưỡng ẩm cơ thể, giúp bồi bổ và cân bằng khí huyết.

Trong khuôn khổ bài viết này, xin giới thiệu một số vị thuốc nên dùng vào mùa thu để chống lại thời tiết khô táo.

6 vị thuốc nên dùng vào mùa thu- Ảnh 1.
 
 
 
 
 
 
 
 

Sử dụng vị thuốc bạch truật vào mùa thu giúp cơ thể chống lại khí khô táo.
 

 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
  •  
  •  
  •  
  •  
 
 
 

1. Bạch truật - vị thuốc quý nên dùng vào mùa thu chống lại khô táo

Bạch truật là một trong những vị thuốc quý trong Đông y, có tác dụng bổ khí, kiện tỳ và làm ấm dạ dày. Trong đó tác dụng nổi bật nhất là kiện tỳ ích khí, tăng cường chức năng vận hóa của tỳ.

Theo quy luật của ngũ hành, tỳ thổ sinh phế kim, khi tỳ vượng cũng sẽ làm cho phế khí dồi dào, phế khí dồi dào làm hàng rào vệ biểu đề kháng của cơ thể càng mạnh mẽ hơn.

Vào mùa thu, việc sử dụng bạch truật có thể giúp cơ thể chống lại khí khô táo, làm ấm phổi và hỗ trợ hệ tiêu hóa. Bạch truật thường được sử dụng trong các bài thuốc, cũng như làm thành các món canh dưỡng sinh bổ khí để bồi bổ cơ thể, giảm mệt mỏi và tăng cường sức đề kháng.

Lưu ý: Bạch truật có tính ấm, chỉ nên dùng dưỡng sinh trong mùa thu đông khi thời tiết lạnh, không nên dùng quá nhiều, liều dùng từ 10 - 15g/ngày.

6 vị thuốc nên dùng vào mùa thu- Ảnh 2.

Hoàng kỳ là vị thuốc nên sử dụng vào mùa thu để bồi bổ cơ thể.

2. Hoàng kỳ

Hoàng kỳ là một vị thuốc bổ khí, tăng cường hệ miễn dịch và giúp cơ thể chống lại các bệnh tật thông thường như cảm lạnh, cảm cúm. Theo Y học cổ truyền, hoàng kỳ là vị thuốc bổ trực tiếp vào vệ khí. Khi vệ khí đầy đủ thì da lông bì mao được kiên cố, hàng rào bảo vệ cơ thể được củng cố bền vững.

Vào mùa thu, hoàng kỳ được khuyến khích sử dụng để bồi bổ cơ thể, đặc biệt là đối với những người có sức đề kháng yếu, hay bị cảm lạnh. Hoàng kỳ có thể được dùng dưới dạng trà hoặc kết hợp với các vị thuốc khác để làm tăng hiệu quả.

Cách dùng trà hoàng kỳ: Hoàng kỳ 10 -15g, sắc cùng 500ml trong 15 - 20 phút. Chắt nước hoàng kỳ ra, có thể cho thêm một ít mật ong hoặc đường phèn vào trà để tạo vị ngọt nhẹ, dễ uống hơn. Uống khi trà còn ấm, mỗi ngày 1 - 2 tách trà.

6 vị thuốc nên dùng vào mùa thu- Ảnh 3.

Mạch môn đông có tác dụng dưỡng âm.

3. Mạch môn đông

Mạch môn đông là một vị thuốc có vị ngọt, tính hàn, có tác dụng dưỡng âm, nhuận phế và làm ẩm cơ thể.

Mùa thu khô hanh thường khiến phổi và cổ họng dễ bị khô rát, gây khó chịu và ảnh hưởng đến sức khỏe. Việc sử dụng mạch môn đông trong các bài thuốc hoặc dưới dạng trà có thể giúp làm dịu cổ họng, giảm ho khan và tăng cường sức khỏe của phổi.

Cách dùng: Đun sôi 500ml nước trong ấm hoặc nồi. Khi nước sôi, cho mạch môn đông đã rửa sạch vào nồi. Hạ nhỏ lửa và đun tiếp trong khoảng 20 - 30 phút để các chất dinh dưỡng từ mạch môn đông tan ra nước. Lọc bỏ xác mạch môn đông, cho thêm ít mật ong vào nước trà để tạo vị ngọt nhẹ.

6 vị thuốc nên dùng vào mùa thu- Ảnh 4.

Hà thủ ô bổ ích tinh huyết.

4. Hà thủ ô

Hà thủ ô là một vị thuốc nổi tiếng với công dụng bổ ích tinh huyết, tăng cường sức khỏe tóc và da. Vào mùa thu, tóc và da thường bị ảnh hưởng bởi khí khô, dễ dẫn đến tóc rụng và da nứt nẻ.

Hà thủ ô sau khi bổ ích tinh huyết của thận có xu hướng đem cái tinh huyết đỏ ra ngoài để nuôi dưỡng đến cả râu và tóc ở trên cao.

Hà thủ ô có thể được sử dụng dưới dạng viên uống hoặc nấu nước uống hàng ngày để giúp bổ sung dưỡng chất cho tóc và da, làm chậm quá trình lão hóa và duy trì sự trẻ trung.

6 vị thuốc nên dùng vào mùa thu- Ảnh 5.

Câu kỷ tử giúp duy trì độ ẩm cho cơ thể.

5. Câu kỷ tử

Câu kỷ tử là một vị thuốc có vị ngọt chua, tính bình, chất nhuận, chủ đi vào kinh can thận, chẳng những bổ ích tinh huyết mà còn dưỡng can, làm sáng mắt.

Câu kỷ tử là một vị thuốc bổ dưỡng, giàu vitamin và khoáng chất, có tác dụng bổ mắt, dưỡng da và tăng cường sức khỏe toàn diện.

Vào mùa thu, khi thời tiết khô hanh dễ khiến cơ thể bị mất nước, việc sử dụng câu kỷ tử trong chế độ ăn uống có thể giúp duy trì độ ẩm cho cơ thể, bổ sung dinh dưỡng và bảo vệ sức khỏe mắt.

Kỷ tử có thể được dùng để làm các món hầm, món soup, canh dưỡng sinh hoặc dùng để pha trà uống hàng ngày.

6 vị thuốc nên dùng vào mùa thu- Ảnh 6.

Táo đỏ giúp duy trì độ ẩm cho da trong mùa thu.

6. Táo đỏ

Táo đỏ không chỉ là một loại trái cây ngon miệng mà còn là một vị thuốc quý trong Đông y. Táo đỏ có tác dụng bổ khí, dưỡng huyết và đặc biệt là dưỡng da.

Vào mùa thu, khi thời tiết khô hanh dễ khiến da bị nứt nẻ, việc sử dụng táo đỏ trong chế độ ăn uống hàng ngày có thể giúp duy trì độ ẩm cho da, làm mềm da và chống lại các tác nhân gây khô.

Mùa thu là thời điểm lý tưởng để chăm sóc sức khỏe và tăng cường sức đề kháng trước những thay đổi của thời tiết. Việc sử dụng các vị thuốc thảo mộc không chỉ giúp chống lại thời tiết khô táo mà còn bảo vệ sức khỏe toàn diện.

Hãy lựa chọn những vị thuốc phù hợp với cơ thể và sử dụng chúng một cách đúng đắn để tận hưởng một mùa thu khỏe mạnh và tràn đầy năng lượng.

Xem thêm video đang được quan tâm:

 
 
 
 
 
 

Tăng huyết áp, đái tháo đường cần tránh xa thực phẩm màu trắng nào?

BSNT Phan Bích Hằng
(PS st theo SK&ĐS)
tin tức liên quan